Năm 2009, lúc mới 14 tuổi, Ngọc đã bắt đầu xa nhà để theo đuổi sự nghiệp VĐV. Đó là khi các HLV điển kinh ở Quảng Bình phát hiện một cô học sinh này thống lĩnh các cự ly 200m và 400m ở giải điền kinh học sinh của tỉnh. Từ Tuyên Hóa, Ngọc theo các thầy về Đông Hà ăn ở, tập luyện và theo học văn hóa. Năm 2015, Ngọc giành chiếc HCB cho tỉnh Quảng Bình tại giải vô địch điền kinh toàn quốc tại TP. HCM, thành tích cao nhất từ trước đến nay của tỉnh ở sân chơi này. Trước đó một năm, Ngọc đã được triệu tập để tham gia giải điền kinh trẻ châu Á tại Đài Loan và cũng giành HCĐ ở cự ly 400m.
Hoàng Thị Ngọc và chiếc HCV tại SEA Games 30. |
Dáng người nhỏ nhắn, chiều cao không lý tưởng nhưng Ngọc cực kỳ bền bỉ, những tố chất rất phù hợp với nội dung chạy tiếp sức. Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự đam mê, ý chí vượt khó, Ngọc nhanh chóng chứng tỏ khả năng ở các giải trong nước và được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. “Biên chế” thuộc tỉnh Quảng Bình nhưng khi trở thành tuyển thủ quốc gia, cô gái có biệt danh “Ngọc La Sát” một lần nữa phải xa nhà khi lên tập trung dài hạn tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia I - Nhổn (Hà Nội). Tại SEA Games 2015 ở Singapore, Ngọc là thành viên dự bị, nhưng bắt đầu từ SEA Games 2017 (Malaysia) và SEA Games 2019 (Philippines) thì cô gái này đều góp mặt trong đội hình giành HCV 4x400m tiếp sức.
Vừa tập luyện nặng vừa phải hoàn thành chương trình học văn hóa luôn là “nỗi ám ảnh” với các VĐV chuyên nghiệp như Ngọc. Nhưng cũng như trên đường chạy, ý chí đạt mục tiêu được cô gái này hoàn thành xuất sắc. Ngọc tiếp tục theo đuổi việc học văn hóa và tốt nghiệp loại giỏi trường ĐH TDTT I. Còn trên đường chạy, Ngọc cũng giành vô số huy chương. Lúc là sinh viên năm thứ ba, Ngọc giành HCV Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á tại Singapore, HCV SEA Games 29 (2017) tại Malaysia, HCV SEA Games 30 (2019) tại Philippines, HCV Vô địch châu Á 2017 Ấn Độ. Đặc biệt, tại ASIAD 2018 ở Indonesia, Ngọc và các đồng đội đã giành chiếc HCĐ quý giá, thành tích hiếm hoi của Điền kinh Việt Nam tại nội dung này. Ngọc cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 và 2019.
Hoàng Thị Ngọc trong lễ tốt nghiệp Cao học năm 2020. |
Đạt thành tích cao trong thi đấu lại hoàn thành tốt việc học văn hóa với VĐV như Ngọc là đáng tự hào, nhưng cô gái quê Quảng Bình này còn làm được nhiều hơn nữa khi học tiếp lên Cao học.
“Năm 2018, mình tập huấn dài hạn tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia – Nhổn, từ đây sang trường ĐH TDTT I cũng khá gần nên mình tranh thủ đăng ký học Cao học. Cứ cuối tuần được nghỉ tập thì mình đi học. Mình là học viên trẻ nhất của cả Khóa, mới 23 tuổi. Ban đầu, vừa tập vừa học khá khó khăn vì thứ Bảy luôn là ngày tập các bài nặng nhất, tập xong chỉ muốn nghỉ ngơi vì quá mệt nhưng vẫn phải đi học”, Ngọc kể.
Đáng nể hơn, kinh phí để theo đuổi 2 năm học Cao học do Ngọc tích góp được từ tiền lương và thưởng thành tích thi đấu. “Mục tiêu của mình là sau khi nghỉ thi đấu sẽ về quê làm giáo viên nên mình theo đuổi ngành Giáo dục học. Nguồn thu nhập tích góp được có thể đầu tư làm việc gì đó để lo cho cuộc sống sau giải nghệ nhưng đầu tư cho việc đi học nâng cao, với mình, là sự đầu tư hiệu quả nhất”, Ngọc tâm sự.
Hoàng Thị Ngọc (thứ ba từ trái sang) trong ngày nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019. |
Sau 2 năm theo học, Ngọc tốt nghiệp Cao học ngành Giáo dục học. Không chỉ là học viên trẻ nhất khóa, cô gái này cũng là VĐV điền kinh duy nhất khi cả lớp gồm toàn các cán bộ, lãnh đạo ngành thể thao ở các địa phương và là Thạc sĩ hiếm hoi trên đường chạy chuyên nghiệp.
“Mình mong muốn sẽ trở thành HLV điền kinh cho tỉnh nhà sau khi giải nghệ. Còn trước mắt, mình vẫn sẽ tập trung vào tập luyện và thi đấu. Trong năm 2021, mục tiêu cao nhất là tôi tiếp tục phấn đấu để có suất tham dự SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà vào cuối năm nay và giành thành tích cao nhất" - Hoàng Thị Ngọc chia sẻ.