Khánh Linh đến với lĩnh vực tranh biện một cách khá tình cờ khi cô được bạn rủ đi thi vào năm thứ nhất đại học. Linh thấy đây là một hoạt động hấp dẫn, giúp rèn luyện được kỹ năng mềm. Sau đó, cô dần đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực này. Những thành công bước đầu đã tạo động lực để Linh bước tiếp, cũng như góp phần lan tỏa hoạt động này đến các bạn trẻ khác.
Linh đã thử sức ở nhiều cuộc thi, gặt hái thành tích ấn tượng như đội đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt đến vòng bán kết bảng EFL “Giải Vô địch tranh biện Châu Á luật AP năm 2019”. Ngoài ra, Linh còn là Á quân bảng EFL của cuộc thi “Malaysia Debate Open 2019” và lọt vào vòng loại trực tiếp một số giải đấu như: “Shanghai International Debate Open 2020”; “ICU Tournament (Japan) 2020”… Cô cũng đảm nhận vai trò giám khảo chấm chung kết các giải đấu lớn về tranh biện: “Giải Vô địch châu Á Online 2021”; “Giải Indo-Pacific 2021” (được tổ chức bởi Chính phủ Úc) và là trưởng ban chuyên môn cho các giải đấu toàn quốc.
Việc được đi đến các giải đấu ở nhiều quốc gia đã giúp Linh thay đổi góc nhìn với cuộc sống và những vấn đề xung quanh. |
Linh rất quan tâm đến phong trào nữ quyền và từng tổ chức giải đấu “Vietnam Women and Queer”; “Gender Equality Debate Open” để các bạn trẻ có cơ hội cất lên “tiếng nói” của mình, cũng như lan tỏa thông điệp tích cực đến mọi người.
Khánh Linh bày tỏ: “Với mình, chiến thắng không phải mục tiêu của tranh biện. Một trong những yếu tố quan trọng giúp mình đi xa hơn là học cách thua cuộc”. Sau khi tham gia các cuộc thi tranh biện, Linh cảm thấy mình có khả năng tư duy, trình bày tốt hơn và được cải thiện kỹ năng tìm kiếm, tổng hợp thông tin. Việc được đi đến các giải đấu ở nhiều quốc gia đã giúp cô thay đổi góc nhìn với cuộc sống và những vấn đề xung quanh.
Đội của Khánh Linh là đội đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt đến vòng bán kết bảng EFL giải "Vô địch tranh biện Châu Á luật AP năm 2019". |
Linh khẳng định, những kỹ năng mà cô học được trong quá trình “chinh chiến” ở các cuộc thi đã mở ra những cơ hội mới trên hành trình phát triển bản thân. Chính những kỹ năng và kiến thức cùng trải nghiệm học được đã gián tiếp giúp cô rất nhiều trong hành trình khởi nghiệp cùng một đội ngũ đa quốc gia.
Trước đó, Linh đã tham gia nhiều dự án khởi nghiệp với mục tiêu góp phần tạo ra những giá trị cho xã hội. Dự án đầu tiên Linh tham gia thuộc ngành F&B với mong muốn giúp mọi người xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Còn dự án thứ hai thuộc chủ đề bình đẳng giới, là một ứng dụng giúp chia sẻ việc nhà giữa các thành viên trong gia đình. Dự án đã dành giải Nhì cuộc thi "Hackcovy - Hackathon" được tổ chức bởi United Nations Development Programme kết hợp với Angelhack.
Khánh Linh đã tham gia nhiều dự án khởi nghiệp với mong muốn góp phần tạo ra những giá trị cho xã hội. |
Từ những năm THPT, Linh đã cùng bạn của mình ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Đến tháng 3/2021, công ty Linh AI được chính thức thành lập bởi Linh và những người bạn sống ở Singapore. Hiện tại, đội ngũ công ty gồm 8 thành viên là những bạn trẻ tài năng và cùng niềm đam mê tạo ra những sáng kiến có giá trị cho xã hội. Nhận thấy trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực đang được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống, nhóm của Linh mong muốn có thể đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thời gian và chi phí tạo ra một sản phẩm có chất lượng tốt.
Khánh Linh và Nguyễn Hoàng Trường Giang (Founder của công ty Linh AI). |
Đối với Linh, khó khăn lớn nhất của cô khi “dấn thân” vào lĩnh vực này là sự thiếu kinh nghiệm. Là một sinh viên mới ra trường, Linh không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành các hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, Linh cũng gặp nhiều áp lực từ thành công của các bạn đồng trang lứa và sự nghi vấn của mọi người xung quanh về tiềm năng của những dự án khởi nghiệp. Tuy vậy, cô vẫn luôn vững tâm để hiện thực hóa đam mê, hoài bão của mình.