Được thành lập vào tháng 12/2018, Green Life là dự án môi trường được các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội hướng tới xây dựng và phát triển một lối sống xanh bền vững, hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường thông qua hoạt động “Đổi rác lấy cây” được nhóm tổ chức đều đặn vào mỗi tháng.
Rác thải phân loại cũng là một dạng tài nguyên
Bìa catton, giấy, sách, vỏ hộp sữa, vỏ chai nhựa, thiết bị điện tử,… đã qua sử dụng, thay vì vứt thẳng ra bãi rác thì đã được các bạn trẻ thu gom và đem tái chế thành các vật dụng hữu ích, có giá trị sử dụng cho tất cả mọi người.
Hoạt động “Đổi rác lấy cây” được các bạn trẻ tổ chức vào mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng. |
Đều đặn vào mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng, các bạn trẻ nhóm Green Life lại tổ chức một buổi workshop hoặc sự kiện “Đổi rác lấy cây” để người dân mang rác đã phân loại từ nhà đến quy đổi thành sao và nhận “phần thưởng” là những chậu cây xanh.
Với định hướng và mục tiêu hoạt động cụ thể, mỗi loại rác được thu gom về sau các sự kiện đều đã được nhóm bạn trẻ này định sẵn “một cuộc đời” mới.
Chia sẻ về dự án môi trường này, anh Hoàng Qúy Bình, thành viên sáng lập của nhóm Green Life cho biết, để có thể thu gom và tái chế hiệu quả các loại rác thải, đồng thời tạo ra những vật dụng hữu ích, có giá trị sử dụng cho mọi người từ việc tái chế nhóm đã liên kết với rất nhiều nhà máy có công nghệ hiện đại để xử lý và tái chế.
Các loại rác được thu gom bao gồm bìa catton, giấy, báo, vỏ hộp sữa, vỏ chai nhựa, kim loại, thiết bị điện tử. |
Đơn cử như các loại bìa catton, giấy đã qua sử dụng, sau khi thu gom về từ các sự kiện hàng tháng sẽ được vận chuyển đến Công Ty TNHH JP Corelex - một công ty Nhật Bản (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có nhà máy tái chế giấy với công nghệ hiện đại để tái chế thành những cuộn giấy đa năng, giấy vệ sinh không lõi. Như vậy giấy đã qua sử dụng sẽ tiếp tục một vòng đời mới, không chỉ giúp hạn chế lãng phí giấy mà còn mang lại những sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị sử dụng cho người dân.
Các bạn tình nguyện viên phân loại rác đã thu gom. |
Còn với các loại nhựa khó tái chế sau khi được thu gom sẽ được chuyển đến nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 – URENCO 11 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đến đây, chúng lại tiếp tục được phân tách. Những nhóm nhựa ít thành phần tạp chất, không chứa màng nhôm, kim loại sẽ được tái chế thành viên đốt RPF. Viên đốt này được dùng thay thế than khoáng trong các lò đốt công nghiệp, vừa giúp tận dụng lượng rác thải, khí thải ra cũng thải ít CO2 hơn so với than khoáng. Những nhóm nhựa có nhiều tạp chất, có chứa màng nhôm, kim loại sẽ được đem tới lò đốt để đốt thành tro, tro thu được trộn với một số thành phần khác để tạo thành gạch xây dựng.
Rác thải nhựa. |
Túi bóng. |
Vỏ hộp sữa. |
Ngoài ra, các vỏ chai nhựa bỏ đi cũng được nhóm thu gom và tái chế thành những đôi tất xinh xắn. Quy trình làm ra một đôi tất thân thiện với môi trường bắt đầu bằng công đoạn thu thập chai nhựa, rửa sạch và loại bỏ tạp chất. Sau đó, các chai được cắt nhỏ, nung ở nhiệt độ nhất định để tạo thành các hạt nhựa. Cuối cùng, hạt nhựa này sẽ được kéo thành sợi Polyester tái chế và dệt thành những đôi tất.
Tất tái chế. |
Hình thành lối sống xanh, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
Sau gần 4 năm hoạt động, Green Life đã thu hút gần 140,000 người theo dõi và quan tâm đến hoạt động môi trường, nhóm đã trao đi hơn 100,000 cây xanh, và tiếp cận hàng triệu người để truyền tải thông điệp sống xanh - bảo vệ thiên nhiên.
Anh Hoàng Qúy Bình cũng cho hay là những người trẻ yêu thiên nhiên, chúng mình thấy rằng việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, hình thành lối sống xanh là vô cùng cần thiết.
“Green Life ra đời với mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại rác, hình thành thói quen xanh, tiêu dùng bền vững thông qua hoạt động “Đổi rác lấy cây” và những sự kiện khác của nhóm.”
Trong suốt quá trình hoạt động, bên cạnh một số giải thưởng nhóm đã đạt được như Youth for Impact, Youth for Community, Giải Nhất Giải thưởng Thanh niên kiến tạo, Giải Nhì Thử thách sáng tạo Việt Nam, Giải Á Quân 2 Khởi nghiệp cùng Kawaii, các bạn trẻ nhóm Green Life đã cùng nhau thu gom được hơn 500 tấn rác giúp cho hơn 10,000 cây xanh không bị chặt, đồng thời tiết kiệm rất nhiều nguồn tài nguyên nước, dầu, điện khác thông qua việc tái chế.
Từ những đồ dùng kim loại bỏ đi cùng với bìa catton, giấy vụn không còn dùng đến, bạn Nguyễn Đình Tân (Sinh viên Trường ĐH Dược Hà Nội) đã đổi được những chậu cây xinh xắn tại sự kiện “Đổi rác lấy cây” được Green Life tổ chức vào cuối tuần tại sân trường ĐH Dược Hà Nội.
Các bạn trẻ tham gia đổi rác. |
Tân chia sẻ: “Mình gom được 6kg giấy và 6kg kim loại đến đổi cây xanh. Mình biết đến dự án và các chương trình sự kiện của Green Life từ một người bạn của mình. Cá nhân mình cảm thấy đây không chỉ là hoạt động giúp mình có ý thức hơn trong việc tự xử lý và phân loại rác ở nơi mình sống mà còn là một hoạt động vô cùng ý nghĩa góp phần lan tỏa, xây dựng lối sống xanh bền vững, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.”
Rác đã phân loại cũng là một dạng tài nguyên, hãy cho rác thêm nhiều cuộc đời mới. Trước khi phân loại chúng ta hãy cùng nhau giảm rác, tái sử dụng, tiêu dùng có trách nhiệm và quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.