Nhóm thực hiện dự án “Pikabook” gồm 5 thành viên: Trần Tấn Tài (trưởng nhóm), Nguyễn Trần Minh Trung, Lê Duy Dương (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM), Ngô Huỳnh Khánh Đoan, Nguyễn Cửu Phúc Anh (trường ĐH Kinh tế TP. HCM). “Pikabook” bắt nguồn từ cụm “Pick a book”, nghĩa là mang sách đến cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, Khánh Đoan chia sẻ: “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến việc học tập và trao đổi của sinh viên là vô cùng khó khăn, nhiều bất cập. Nhóm mình muốn tạo ra một điểm chạm để có thể gắn kết mọi người thông qua những trang sách ý nghĩa, mang lại giá trị nhân văn cho xã hội. Chúng mình mong muốn giới trẻ có một môi trường lành mạnh để giao lưu, trao đổi, vừa nâng cao kiến thức, vừa hình thành được những mối quan hệ lâu dài”.
Dự án chủ yếu hướng đến đối tượng là các sinh viên các trường đại học có cùng khu vực sinh sống. |
Dự án “Pikabook – Đọc sách để kết nối” được nhóm bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 2/2022, trải qua hơn 3 tháng thực hiện, ý tưởng đã có MVP (minimum viable product: sản phẩm khả dụng tối thiểu). Thông qua “Pikabook”, người dùng có thể ghép nhóm đọc chung một cuốn sách, để lại chú thích và đặc biệt có thể tương tác với nhau qua phòng chat.
Trong cuộc thi “IU Startup Demo Day 2022”, nhóm thực hiện đã xuất sắc vượt qua 20 dự án vòng sơ khảo, lọt vào top 8 vòng thi chung kết và đoạt giải Nhì. “Mặc dù chỉ vừa mới thành lập được 12 tuần, nhưng chúng mình đã đạt được một thành tích khá ổn, mình rất vui mừng vì nỗ lực của nhóm cũng đã được công nhận, chỉ có chút nuối tiếc khi chưa đạt được giải cao nhất như mục tiêu đề ra”, Minh Trung bộc bạch.
Dự án “Pikabook – Đọc sách để kết nối” tổ chức talkshow trực tuyến: “Tái kết nối hậu COVID-19: Người trẻ có còn đọc sách cùng nhau?”. |
Quá trình thực hiện dự án, các bạn trong nhóm luôn cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ và được lắng nghe nhiều ý kiến, sự đồng hành của các giảng viên. Trong đó, các bạn trường ĐH Quốc tế sẽ phụ trách phát triển, nâng cấp và bảo mật ứng dụng; các bạn trường ĐH Kinh tế TP. HCM sẽ phụ trách mảng tài chính, vấn đề truyền thông, marketing và đặc biệt là vận hành dự án.
Nhóm dự án nhận giải Nhì chung cuộc trong cuộc thi khởi nghiệp 'IU Startup Demo Day 2022'. |
Duy Dương cho biết: “Việc lên ý tưởng dự án, đa phần phải làm việc thông qua nền tảng trực tuyến như Zoom, Zalo... Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, dự án gặp khó khăn ban đầu trong huy động vốn để đẩy mạnh mở rộng kho sách và cách thức liên hệ với các tác giả. Về mặt công nghệ, việc đưa hệ thống lên web gặp nhiều khó khăn không kém, chủ yếu là vấn đề bản quyền sách. Các biện pháp thông thường sẽ không thể giúp hệ thống chống lại việc dữ liệu bị đánh cắp và sử dụng với mục đích bất hợp pháp. Để giải quyết vấn đề này, nhóm chúng mình phải tự xây dựng một hệ thống dòng sách riêng biệt, nhằm đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về bản quyền. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian hoặc phải chi trả một lượng chi phí lớn cho bên thứ ba”.
Hiện tại, nhóm thực hiện dự án vẫn đang tiếp tục nâng cấp ứng dụng trên đa nền tảng, liên hệ với các tác giả sách cũng như đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền phần mềm. Dự kiến, đến đầu tháng Mười năm nay, nhóm sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp - CIC”.