Tết ở miền Bắc: “Chắc chắn không thể nào quên được hương vị béo ngậy, đậm đà của thịt đông, tan chảy ra trên những hạt cơm trắng nóng hổi”.
Chàng trai 21 tuổi đến từ vùng đất Thái Bình, hiện đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại thương, Thân Công Bình, hào hứng chia sẻ về niềm vui ngày Tết ở miền Bắc với những món ăn đậm đà hương vị truyền thống.
Nam sinh bày tỏ: “Mỗi khi Tết chuẩn bị tới, trong lòng mình lại háo hức rộn ràng vì sắp được trở về nhà để quây quần cùng gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân, họ hàng, và đặc biệt nhất là được thưởng thức những món ăn mà chỉ ngày Tết mới có.”
Thân Công Bình - chàng trai 21 tuổi đến từ vùng đất Thái Bình, hiện đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại thương. |
“Trong số những món ăn ấy, có lẽ vị trí số một trong bảng xếp hạng của mình chính là thịt đông - một món ăn tuy đơn giản nhưng thấm đậm đặc trưng cũng như hương vị của miền Bắc.
Mình không nhớ sự mê thích thịt đông của mình xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn không thể nào quên được hương vị béo ngậy, đậm đà của thịt đông, tan chảy ra trên những hạt cơm trắng nóng hổi. Mùi thơm của thịt hòa cùng với làn hơi nóng của cơm bốc lên nghi ngút luôn khiến mình không thể chối từ.
Nhắc đến Tết thì chắc chắn cũng không thể không nhắc tới bánh chưng. Sự dẻo thơm của gạo nếp kết hợp cùng hương vị bùi bùi của đậu xanh và cái béo ngậy của thịt mỡ tạo nên một hương vị đặc trưng của Tết, không thể lẫn đi đâu được. Không những thế, bánh chưng còn có thể được rán lên, tạo ra một món ăn ngoài giòn trong dẻo, vẫn thơm béo và ngọt bùi như vậy, thậm chí còn hơn!
Để nói về ẩm thực miền Bắc có lẽ mình sẽ nói cả ngày luôn mất.” - Công Bình chia sẻ.
Nam sinh hào hứng chia sẻ về mâm cơm ngày Tết của gia đình mình. |
Tết ở miền Trung: “Tuy mất mát đau thương là thế nhưng cái Tết ở đây vẫn rất đầy đủ và cầu kỳ như mọi vùng miền khác của đất nước.”
Còn với Ngô Diệu Chi, cô gái đến từ miền Trung và hiện đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Thương Mại, niềm vui ngày Tết chính là sự xoa dịu cho những đau thương, mất mát của vùng đất quanh năm vất vả vì bão lũ, thiên tai.
Ngô Diệu Chi (sinh viên năm nhất Trường Đại học Thương Mại) trong bức ảnh Tết cùng mẹ và chị tại quê hương miền Trung. |
Nữ sinh bộc bạch: “Có lẽ vì bão lũ, thiên tai quá nhiều mà số người đi tìm kiếm cơ hội ở những thành phố lớn rất đông. Ngày thường đường xá trống vắng nhưng đến những ngày cận tết, đâu đâu trên những con đường lớn nhỏ đều tấp nập người qua lại. Tuy mất mát đau thương là thế nhưng cái tết ở đây vẫn rất đầy đủ và cầu kỳ như mọi vùng miền khác của đất nước.”
“Đặc biệt những món ăn ở quê được chuẩn bị rất kỳ công, ví dụ như bánh Tét. Nếu như bánh Chưng là quốc hồn ngày Tết của Việt Nam, thì người miền Trung có loại bánh khác mang hương vị đặc trưng so với khu vực sống. Đó là bánh Tét. Bánh Tét vừa có mùi thơm ngào ngạt của vị nếp mới, vừa đậm đà hương vị quê hương của thịt mỡ, lá dong.
Lá dong ở đây không phải là người dân tự trồng mà họ đã phải vất vả lặn lội vào trong rừng sâu, nơi cây dong mọc tự nhiên thành từng vạt lớn, người ta cắt, bó lại thành từng bó lớn, quang gánh đưa về. Có lẽ vì thế mà vị bánh quê rất đặc biệt, ăn miếng bánh, vị ngon và thơm dẻo làm người ta nhớ mãi không quên.” - Diệu Chi hào hứng chia sẻ về điều đặc biệt của ngày Tết ở miền Trung.
Những chiếc lá dong làm bánh Tét được người dân miền Trung vất vả thu hái từ trong rừng sâu. |
Tết ở miền Nam: “Mỗi tấm ảnh như một lần “check-in” mà người trẻ bọn mình vẫn thường làm, nhưng với gia đình, nó lại ý nghĩa hơn vô ngần”.
Nguyễn Phúc Thắng, chàng trai đến từ Bình Dương, hiện đang là sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao cho biết bản thân đã mong chờ từng ngày, từng giờ để được quay về quê hương đón Tết cùng người thân.
Nguyễn Phúc Thắng - chàng trai đến từ Bình Dương, hiện đang là sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao. |
Phúc Thắng cho biết: “Dẫu là một Gen Z chính hiệu, mình vẫn cảm nhận được rất rõ nét “mùi vị" của cái Tết Nguyên đán mỗi dịp về quê. Mỗi độ Tết đến, khắp phố phường, hàng quán đều tràn ngập sắc xuân: từ sắc vàng tươi thắm của hoa vàng đến những gói quà rực rỡ sắc màu. Mọi người nô nức sắm sửa, dọn dẹp chờ ngày Tết đến. Tết ở Bình Dương thật sự rất ấm áp, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.”
“Mình cũng không rõ các bạn bè ở vùng miền khác thế nào, nhưng riêng ở Bình Dương và tại gia đình mình, Tết nào cũng vô cùng đặc biệt.
Gia đình mình có truyền thống chụp ảnh vào ngày mùng 1 Tết. Ngay sau khi ăn xong, tất cả thành viên cùng nhau chụp những bức ảnh gia đình kỉ niệm. Năm dài tháng rộng, mỗi lần nhìn lại lại thấy những “mầm non” mới, nhưng cũng thiếu vắng đi những người đã về với trời đất, với tổ tiên.
Mỗi tấm ảnh như một lần “check-in” mà người trẻ bọn mình vẫn thường làm, nhưng với gia đình, nó lại ý nghĩa hơn vô ngần.” - nam sinh quê Bình Dương tự hào chia sẻ về ngày Tết nồng ấm tình thân ở quê hương mình.
Bức ảnh của cả gia đình nam sinh được chụp vào ngày mùng 1 Tết. |
(Ảnh: NVCC)