Là một người luôn đề cao, coi ước mơ như kim chỉ nam cho tất cả những kế hoạch và quyết định quan trọng, không ít lần mình phải tự hỏi bản thân: “Mục tiêu của mình là gì và mình sẽ trở thành ai giữa cuộc đời này?”. Có lẽ ai cũng từng ít nhất một lần băn khoăn như thế khi bước vào cột mốc đầu tiên của tuổi trưởng thành.
Việt Phương- Học viện Ngoại giao |
Khi ước mơ không như mơ ước
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường cấp 3, mình đã mơ ước đỗ Ngoại giao và vẽ ra những ngày tháng đại học sôi nổi, tự do, thậm chí có chút “nghịch ngợm” cùng với những người bạn thân. Nhưng hiện thực chẳng “hồng” như mình nghĩ.
Cú sốc đầu tiên mình gặp phải là “peer pressure” - áp lực từ các bạn đồng trang lứa. Trước đó, mình chỉ là một học sinh với thành tích học tập tạm ổn, khá rụt rè trong giao tiếp. Khi gặp môi trường mới với quá nhiều bạn đến từ trường chuyên lớp chọn, có thành tích “khủng” và năng động trong các hoạt động ngoại khoá, mình bị choáng ngợp, không biết phải làm thế nào để theo kịp các bạn.
Khi đã dần quen với môi trường và bạn bè mới, mình nhận ra rằng mình không phù hợp với ngành học hiện tại. Bản thân là người luôn đặt ra mục tiêu và thực hiện theo kế hoạch, nên khi mọi thứ đi “lệch hướng” mình hoang mang như đứng giữa ngã ba mà không biết rẽ hướng nào.
Biến áp lực trở thành động lực
Môi trường học tập tại Ngoại giao không những đòi hỏi sinh viên phải liên tục trau dồi, mở rộng vốn kiến thức, có cái nhìn đa chiều mà còn cần nâng cao các kỹ năng mềm và tích cực tham gia các hoạt động. Nhờ đó, mình đã học được cách chấp nhận những thiếu sót và dần dần thay đổi bản thân.
Mình mạnh dạn đăng ký vào DVC - CLB Tình nguyện ở trường và trở thành Trưởng ban hậu cần, ngoài ra mình còn là một trong những thành viên ban tổ chức của cuộc thi DAV’s Leaders (“Thủ lĩnh sinh viên Học viện ngoại giao”), IC Master (“Nhà truyền thông tài ba”)... Với nhiều người đây có lẽ chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với mình đây chính là những bước tiến để giúp mình dần hoàn thiện hơn.
Nhờ tham gia những hoạt động này, mình đã mở rộng được vòng tròn bạn bè, có thêm những người quý mến, yêu thương và luôn sẵn sàng giúp đỡ mình. Qua những sự kiện mà mình đã tham gia tổ chức, mình cũng “bỏ túi” được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích phục vụ cho công việc cũng như cuộc sống. Những chương trình tình nguyện khiến mình hiểu được rằng, không chỉ ở những vùng núi xa xôi giáp biên giới của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hoá,... mới có những hoàn cảnh khó khăn, mà ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội vẫn có rất nhiều mảnh đời cần được giúp đỡ. Mỗi chuyến đi, mỗi lần chứng kiến thêm nhiều cuộc đời, tiếp xúc với nhiều nét văn hoá khác nhau là mỗi lần mình học được bài học mới về sự tôn trọng, đoàn kết và lan tỏa yêu thương.
Để đam mê dẫn lối
“Có hối hận vì đã chọn trái ngành hay không?” là câu hỏi mình thường xuyên nhận được. Câu trả lời của mình là không, vì theo mình mọi việc đều là duyên, không có trải nghiệm nào là lãng phí cả. Các trải nghiệm quý giá mình tích cóp được trong những năm tháng Đại học giúp mình nhận ra rằng bản thân mỗi người đều có ưu, nhược điểm và giá trị riêng biệt.
Lắng nghe ý kiến mọi người, thừa nhận, tôn trọng sự khác biệt của người khác và phát huy những ưu điểm của bản thân chính là cách mình tìm ra đam mê hiện tại. Dù không phải chuyên ngành học của mình nhưng mình cảm thấy rất hứng thú với ngành truyền thông và đã có kế hoạch cũng như đang cố gắng học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm giúp mình phát triển trong tương lai.
Cô giáo dạy Văn của mình từng nhấn mạnh nhiều lần câu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Trước khi quá muộn, mình muốn cống hiến hết sức để có một tuổi trẻ thật rực rỡ, tự do là chính mình. Con đường phía trước chắc chắn sẽ có không ít thử thách, gian truân nhưng mình hi vọng có thể vượt qua hết những khó khăn đó để hiện thực hóa những giấc mơ, dự định mà mình đang ấp ủ.