Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng:

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh/thành phố về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khẳng định: 'Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực'.

Phối hợp thông suốt, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Báo cáo kết quả công tác phối hợp với Bộ GD - ĐT trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết: Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an cũng đã phối hợp với công an địa phương đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi, cũng như tập huấn về phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật trên toàn quốc.

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi ảnh 1

Đại diện Bộ Công an trao đổi tại Hội nghị.

Về công tác y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương thông tin: Bộ Y tế đã chỉ đạo các sở Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ kỳ thi, đảm bảo cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa. Chủ động các phương án liên quan đến cháy nổ, tai nạn giao thông, bão, lũ lụt. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa Hè; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian diễn ra kỳ thi tại các điểm thi; thành lập các đội cơ động chống dịch và sẵn sàng triển khai ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã tập trung toàn bộ nguồn lực về cơ sở vật chất, con người thực hiện công tác tổ chức để Kỳ thi diễn ra an toàn, đúng Quy chế. Nhấn mạnh đặc thù của tỉnh Cà Mau là vùng sông nước, ông Nguyễn Minh Luân chia sẻ, những tuyến đường bộ, vai trò của cha mẹ học sinh được phát huy, sáng tạo, sẵn sàng bố trí xe đưa, đón các em học sinh đến điểm thi. Còn các thí sinh ở vùng sông nước thì địa phương đã bố trí phương tiện đường thủy để các em đến địa điểm thi được thuận lợi.

“Thời tiết mưa nhiều nên chúng tôi quán triệt tinh thần phải đảm bảo an toàn cho các thí sinh; đảm bảo an toàn giao thông; chỉ đạo các nhà trường giữ mối liên hệ chặt chẽ với thí sinh. Tiên lượng trước các tình huống để ứng phó kịp thời. Đồng thời, đảm bảo sẵn sàng các điều kiện để tổ chức một kỳ thi thành công, nghiêm túc, an toàn, hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi ảnh 2

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến 63/63 tỉnh/thành phố.

Năm 2024, số lượng thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Ninh tăng 10% so với năm ngoái. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, với số lượng thí sinh lớn, địa bàn rộng, có nhiều địa hình khác nhau như vùng biên giới, vùng hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thông suốt từ cấp Tỉnh đến cấp Huyện, thành lập Ban Chỉ đạo thi các cấp, đảm bảo an ninh, an toàn ở tất cả các điểm thi. Sở GD - ĐT đã tổ chức điều động hơn 2.700 nhân sự "tinh nhuệ", có trách nhiệm tham tổ chức thi ở các khâu. Đồng thời, cũng đã lên các phương án dự phòng ở tất cả các khâu thực hiện.

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT luôn là hoạt động quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, vì diễn ra trên quy mô toàn quốc, các vùng miền khác nhau, số lượng lớn học sinh dự thi, lực lượng tham gia tổ chức lớn. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực.

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi ảnh 3

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

Điều này được thể hiện qua công tác chuẩn bị chủ động từ sớm, từ xa và hết sức tích cực của các địa phương. Từ việc ban hành hệ thống văn bản, thành lập bộ máy chỉ đạo các cấp, phân công công việc kịp thời, trách nhiệm; tới việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thực tế triển khai, tăng cường cơ sở vật chất, triển khai hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ và chủ động truyền thông về Kỳ thi.

Để việc tổ chức Kỳ thi đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, cốt lõi về công tác chỉ đạo, công tác phối hợp, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và công tác truyền thông.

Đối với công tác chỉ đạo, Thứ trưởng yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, chỉ đạo từ cấp Trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề.

Về công tác phối hợp, Kỳ thi diễn ra với quy mô toàn quốc, số lượng nhân lực đông, nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công an, Y tế, Đoàn Thanh niên… Công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả và không chồng chéo.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác chuẩn bị, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị cho Kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu thì càng triển khai thuận lợi bấy nhiêu.

Đối với công tác tổ chức thực hiện, Thứ trưởng lưu ý, các nhân sự được phân công phải thực hiện công việc đúng khâu, đúng quy chế. Đặc biệt là các quy trình, từ quy trình về chuyên môn, quy trình về xử lý các tình huống bất thường, quy trình báo cáo... đều phải tuyệt đối tuân thủ.

Nhấn mạnh yêu cầu công tác truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu công tác này phải thực hiện chủ động, kịp thời, truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, quy mô, áp lực của Kỳ thi. Trong quá trình truyền thông, các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương cần phản ánh đúng tinh thần của Kỳ thi, có những trường hợp cần cảnh báo, răn đe nhưng cũng tránh áp lực, căng thẳng cho Kỳ thi.

Với một Kỳ thi có hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia công tác thi, theo Thứ trưởng, không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường, do vậy, các địa phương cần tiên lượng trước và chủ động phương án dự phòng.

Với phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không thể dự thi, Thứ trưởng chỉ đạo, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh dự thi. Đối với thí sinh ở vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông, phương tiện, chịu ảnh hưởng của mưa bão, cần tạo điều kiện để các em đến được điểm thi trước.

Tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời cũng lưu ý các địa phương về công tác vận chuyển, in sao đề thi; công tác coi thi, chấm thi; công tác nhân sự.

“Các đơn vị, địa phương xác định rõ tính chất tầm quan trọng của công việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng để Kỳ thi diễn ra đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi. Các lực lượng từ công an tới các thầy cô giáo, bằng khả năng nghiệp vụ và bằng khả năng quan sát đã được tập huấn cần hết sức trách nhiệm để phát hiện và phòng ngừa.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Những sai lầm phổ biến mà sinh viên mới khởi nghiệp thường mắc phải

Những sai lầm phổ biến mà sinh viên mới khởi nghiệp thường mắc phải

SVVN - PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo & Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) tiếp tục trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp trong sinh viên.
Điều quan trọng nhất một sinh viên cần chuẩn bị để bắt đầu hành trình khởi nghiệp

Điều quan trọng nhất một sinh viên cần chuẩn bị để bắt đầu hành trình khởi nghiệp

SVVN - Mở đầu cho loạt bài viết chào đón các tân sinh viên năm học 2024-2025, Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong mời bạn gặp gỡ PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo & Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI).
Tiến sĩ Lưu Trần Toàn: Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn

Tiến sĩ Lưu Trần Toàn: Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn

SVVN - Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong trò chuyện với tiến sĩ Lưu Trần Toàn về các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho tân sinh viên. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng đọc hiểu, tư duy phản biện và quản lý thời gian, đồng thời chia sẻ cách lựa chọn tài liệu và phương pháp nghiên cứu hiệu quả. 
Nữ tiến sĩ Việt nhận Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp

Nữ tiến sĩ Việt nhận Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp

SVVN - 'Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp là vinh dự to lớn của một người sống đời bình thường, làm công việc bình thường là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đó là chia sẻ đầy xúc động của TS Phan Thị San Hà - nguyên Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM), nguyên Giám đốc Trung tâm Châu Á nghiên cứu về Nước (CARE) khi được trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Palmes académiques) của Chính phủ Pháp.
Trường THCS Giảng Võ chính thức trở thành thành viên của mạng lưới chương trình dạy tiếng Pháp đạt chuẩn quốc tế

Trường THCS Giảng Võ chính thức trở thành thành viên của mạng lưới chương trình dạy tiếng Pháp đạt chuẩn quốc tế

Ngày 18/9, trường THCS Giảng Võ tổ chức lễ gắn biển ‘Trường có chương trình dạy tiếng Pháp đạt chuẩn quốc tế’ (LabelFranceducation) do Cơ quan phụ trách Giáo dục của Pháp tại nước ngoài (AEFE) cấp cho các trường song ngữ có chất lượng giảng dạy tiếng Pháp đạt chuẩn quốc tế trên thế giới.
Hỗ trợ sinh viên Sư phạm bị thiệt hại sau cơn bão số 3

Hỗ trợ sinh viên Sư phạm bị thiệt hại sau cơn bão số 3

SVVN - Để tiếp tục hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ sớm ổn định việc học tập, Bộ GD - ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng Sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên.
Trường THPT Chuyên KHXH&NV: Thầy và trò góp gần 100 triệu gửi sinh viên 'nhân văn' gặp khó khăn, thiệt hại do bão lũ

Trường THPT Chuyên KHXH&NV: Thầy và trò góp gần 100 triệu gửi sinh viên 'nhân văn' gặp khó khăn, thiệt hại do bão lũ

SVVN - Sáng 16/9, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Sau 2 tiếng phát động, gần 100 triệu đồng được quyên góp, số tiền này sẽ được gửi đến chính những sinh viên của Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN đang gặp khó khăn, gia đình thiệt hại do bão lũ.