Lý do đặc biệt khi học và làm trái ngành
Nguyễn Trà My, 20 tuổi, hiện theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Ngoại thương. Sớm xác định mục tiêu trở thành một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, dù yêu thích lĩnh vực kinh doanh và marketing, cô lại theo học một chuyên ngành khác.
Nguyễn Trà My là sinh viên năm ba Trường Đại học Ngoại thương. |
“Mình nhận thấy kinh doanh và marketing cần trải nghiệm thực chiến hơn là những lý thuyết sách vở, nên mình chọn ngành Tài chính - Ngân hàng để được học những kiến thức bài bản, chuyên sâu về kinh tế, tài chính. Bên cạnh đó, mình tích cực tham gia các cuộc thi về kinh doanh và marketing để trau dồi kỹ năng và thỏa mãn đam mê”, cô cho biết.
Nói được làm được, ngay từ năm hai, Trà My đã đảm nhận vị trí Trưởng nhóm Kinh doanh (Sales team leader) của Tổ chức thanh niên thế giới tại Việt Nam (AIESEC in Vietnam). Năm 2022 là một năm đại thắng của Trà My khi cô liên tiếp đạt thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi về kinh doanh và marketing:
- Top 13 cuộc thi “Doanh nhân tập sự Warm-up”, tổ chức bởi CLB Kỹ năng doanh nhân (ACTION Club), Trường Đại học Ngoại thương cơ sở TP.HCM
- Quán quân cuộc thi phát triển kinh doanh “Rocket to Business Development”, tổ chức bởi CLB Doanh nhân trẻ Tiên phong (Dynamic NEU), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Quý quân cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh thực tế “Nielsen Case Competition”, tổ chức bởi tập đoàn đa quốc gia Nielsen Việt Nam
Với kinh nghiệm phong phú, Trà My được mời là đại sứ, mentor của nhiều cuộc thi sinh viên. |
Trà My từng có thời gian làm việc tại FPT Software ở vị trí Thực tập sinh Marketing sự kiện và vinh dự trở thành đại sứ, người hướng dẫn (mentor) cho nhiều cuộc thi sinh viên.
Đạt được một số thành tích nhất định và là cựu sinh viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng Trà My không có nhiều kinh nghiệm trong các chương trình giao lưu đa quốc gia hay được tổ chức ở nước ngoài. Bởi vậy mà khi mới đọc thông tin về JENESYS, biết được đây là một sự kiện ngoại giao rất lớn giữa các nước khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản với quy trình tuyển chọn gắt gao, cô cảm thấy bản thân chưa “đủ trình” để đăng ký. Thậm chí khi đã gửi đơn ứng tuyển, cô cũng không kỳ vọng nhiều về kết quả.
“Mình đã nghĩ dù kết quả có ra sao thì đây vẫn là một cơ hội để mình tiếp cận gần hơn chương trình. Quá trình chuẩn bị hồ sơ đã giúp mình hiểu thêm về những yêu cầu mà Ban tổ chức đang tìm kiếm ở một đại biểu, để có thể nỗ lực và hoàn thiện bản thân hơn”, cô nói.
Kinh nghiệm ứng tuyển chương trình JENESYS
Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Trà My cho biết quá trình tuyển chọn đại biểu tham gia Chương trình giao lưu lãnh đạo thanh niên ASEAN – Nhật Bản trong khuôn khổ JENESYS có hai vòng chính: Vòng 1 được tổ chức bởi Trung ương Đoàn phía Việt Nam, gồm hai vòng phụ: Xét duyệt hồ sơ và Phỏng vấn. Sau khi vượt qua vòng 1, các ứng viên tiềm năng sẽ tiếp tục bước đến vòng 2 trả lời các câu hỏi và viết luận từ ban tổ chức JENESYS.
Trà My (thứ 5 từ phải qua) và các đại biểu JENESYS Việt Nam chụp ảnh với bà Vũ Thị Liên Hương - Phụ trách Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. |
Trà My đánh giá vòng phỏng vấn với Trung ương Đoàn và vòng viết luận là khó nhất. Trong vòng phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh, cô và các bạn ứng viên phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng như kiến thức về khu vực ASEAN. Cô nhận xét mình thể hiện chưa thật sự tốt ở vòng này, nhiều khoảnh khắc lúng túng và trả lời sai một câu hỏi. Cô thừa nhận việc này là do bản thân chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ về tình hình kinh tế - xã hội của các quốc gia, cũng như chưa quan tâm nhiều đến các quan điểm chính trị - ngoại giao.
Trà My (ngoài cùng bên phải) cùng các giảng viên sau khi tham dự bài giảng của Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat). |
Bên cạnh những khuyết thiếu đó, Trà My nhận thấy bản thân có một số lợi điểm nhất định để nổi bật ở vòng phỏng vấn. Đầu tiên là sự tự tin - một yếu tố không thể thiếu và gần như tiên quyết đối với mục tiêu của JENESYS là tìm kiếm những “thanh niên lãnh đạo trẻ”. Thứ hai, cô sở hữu nhiều kỹ năng cốt lõi như tranh biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và có góc nhìn đa chiều do từng tiếp xúc với bạn đồng trang lứa từ nhiều môi trường khác nhau. Đây chính là điều khiến Ban tuyển chọn có thể đặt niềm tin vào cô trong sứ mệnh mang lại những sáng kiến gần gũi, hiệu quả và phù hợp với một khu vực đang phát triển rất nhanh như ASEAN. Tất cả những điều trên đều được tích lũy thông qua việc cô không ngại “dấn thân” trong nhiều cuộc thi lớn, nhỏ trước đó.
Trà My thảo luận cùng bạn bè quốc tế cùng nhóm nghiên cứu Phát triển đô thị tại JENESYS 2022. |
Tại vòng viết luận từ JENESYS, Trà My được yêu cầu trả lời các câu luận ngắn từ 200 đến 300 từ. Các câu hỏi yêu cầu ứng viên nêu nguyện vọng cá nhân và giải thích vì sao bản thân phù hợp với chương trình. Ngoài ra, các ứng viên cũng cần lập kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ khi về nước sau chương trình.
Ấn tượng về đất nước và con người Nhật Bản
Trong một tuần tại Nhật Bản, Trà My được đi tham quan hai thành phố là Tokyo và Fukuoka. Cô rất thích Tokyo vì sự văn minh, hiện đại, nhịp sống nhanh của thành phố này rất hợp với tính cách hoạt bát và năng động của cô. Địa điểm làm cô ấn tượng hơn cả là Đại học Tokyo, không chỉ bởi lịch sử lâu đời của ngôi trường được mệnh danh là “Harvard của Nhật Bản”, mà còn bởi kiến trúc cổ kính mang phong cách Anh quốc và khuôn viên gần gũi với thiên nhiên.
Trà My trong chuyến tham quan Đại học Tokyo. |
Còn Fukuoka lại giúp Trà My hiểu biết thêm về vấn đề phát triển đô thị. Đây là một trong những thành phố được Nhật Bản tập trung đầu tư và khai thác từ những năm 1970 do có cảng biển ở vị trí thuận tiện giao thương với Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đã khiến thành phố từng phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề. Sự ô nhiễm nghiêm trọng đến mức trẻ em đi học mặt dính đầy bụi, quần áo có lúc phải giặt 5 lần/ngày vì cứ phơi ngoài trời là bám bẩn, nước biển chuyển màu cam, người dân không thể nhìn rõ bầu trời vì đã bị khói đen phủ kín.
Trà My tại chùa Sensoji - ngôi chùa cổ nhất tại Tokyo. |
“Điều này khiến mình liên tưởng chặt chẽ đến tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá. Khi được nghe giảng về những giải pháp của chính quyền Fukuoka, mình đã quyết tâm rằng khi trở về nước, mình có thể tìm cách tuyên truyền để triển khai những giải pháp đó, để người dân không còn phải hứng chịu những hậu quả của ô nhiễm môi trường nữa”, cô giãi bày.
Trà My tại thành phố cảng Fukuoka. |
Hoạt động mà Trà My thích nhất là trải nghiệm văn hoá trà đạo và gấp giấy Origami tại nhà cổ. Đây là khoảnh khắc cô cảm nhận rõ nhất những nét thú vị trong văn hoá của Nhật Bản. Từng cử chỉ thong thả, động tác chậm rãi trong trà đạo và gấp giấy Origami đều thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng và duy mỹ của con người xứ Phù Tang. Cũng tại đây, cô đã mua rất nhiều khăn tay và bánh mochi để làm quà cho gia đình và bạn bè với mong muốn chia sẻ chút hương vị của Nhật Bản.
Cô và các đại biểu trải nghiệm văn hoá trà đạo Nhật Bản. |
“Trong văn hoá trà đạo, mọi người dùng khăn tay để lau bát uống trà và dụng cụ khuấy trà. Mình chọn món quà này vì những chiếc khăn tay được thêu nhiều hoạ tiết đặc trưng như võ sĩ Sumo, hoa anh đào, núi Phú Sĩ”, cô lý giải.
Chuyến đi của cô đã không thể trọn vẹn nếu thiếu đi những người bạn cùng đoàn. Trước khi gặp và làm quen với 9 đại biểu khác, cô đã nghĩ mọi người sẽ rất nghiêm túc và lạnh lùng vì đều là những cá nhân xuất sắc, sở hữu bảng thành tích nhìn qua cũng thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, khi được gặp và làm việc cùng, cô cảm thấy tự hào nhiều hơn vì các đại biểu Việt Nam không chỉ giỏi giang mà còn thân thiện, có phong thái chuyên nghiệp và luôn được các bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, khen ngợi.
Những chiếc khăn tay nhiều ý nghĩa mà Trà My đã mua về làm quà. |
Tổng kết hành trình JENESYS của tuổi 20, Trà My nói: “Trước khi tới Nhật Bản, mình đã nghĩ đây là một đất nước tuân thủ nguyên tắc đến mức cứng nhắc. Tuy nhiên, khi đến đây và được tiếp xúc với rất nhiều người Nhật, mình hiểu thêm rằng đó là lý do quan trọng đã đưa đất nước của họ phát triển như ngày nay. Mình cũng rất biết ơn đoàn Việt Nam vì đã luôn sát cánh bên nhau, quan tâm và yêu thương nhau hết mực. Chúng mình đã có những buổi đi chơi thật vui vẻ và nhiều kỉ niệm không thể nào quên trên đất Nhật. Sau khi về Việt Nam, chúng mình vẫn thường xuyên hỏi thăm và giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
JENESYS (Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youths) là chương trình dành cho sinh viên đại học và sau đại học các nước ASEAN, Đông Timor và Nhật Bản. Chương trình được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu thanh niên, sinh viên giữa Nhật Bản và cộng đồng ASEAN, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hướng đến củng cố và phát triển quan hệ giữa Nhật Bản và các nước. JENESYS 2022 được tổ chức vào đầu năm 2023 đánh dấu việc tái khởi động chương trình sau giai đoạn triển khai trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. JENESYS 2022 gồm 2 sự kiện chính: Chương trình Lịch sử hợp tác phát triển ASEAN – Nhật Bản vào tháng 1/2023 và Chương trình Giao lưu lãnh đạo thanh niên ASEAN – Nhật Bản vào tháng 2/2023.