Cơ duyên với nghề phục dựng lồng đèn truyền thống
Chị Thủy nhớ lại khoảnh khắc bén duyên với nghề làm lồng đèn là lúc lần đầu tiên chị nhìn thấy mẫu lồng đèn thủ công xưa ở Hà Nội (được cho là từ năm 1920): “Tôi rất bất ngờ vì những sản phẩm tuy chỉ là đồ chơi thôi nhưng nó lại tinh xảo đến thế. Phải chăng việc tỉ mỉ khi làm một món đồ là cốt cách của người Việt Nam mình”.
Khi những chiếc lồng đèn tinh xảo, tỉ mỉ ngày xưa được thay thế bằng những chiếc lồng đèn nẹp sắt, làm từ nhựa, chóng vánh và mau chán như “mì ăn liền” ngày nay khiến vợ chồng chị Thủy cảm thấy tiếc nuối và hụt hẫng. Chị Thủy ngậm ngùi: “Rõ ràng, mùa lễ hội là lúc đặc tính của một quốc gia, một dân tộc được thể hiện rõ nhất, vậy mà ở hiện tại, Tết Trung Thu trôi qua chóng vánh vì những sản phẩm văn hóa ngày càng được thương mại hóa. Và tôi cũng băn khoăn về những đứa trẻ, không biết liệu một mai chúng có còn nhớ gì về quá khứ hay về văn hóa dân tộc không”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thủy - một trong hai nhà sáng lập KĐTC. (Ảnh: NVCC) |
Chị chia sẻ thêm lý do quyết định thành lập một cửa hàng đồ chơi văn hóa cũng một phần xuất phát từ mong muốn gia đình mình có được sự gần gũi và kết nối giữa các thế hệ. “Bà tôi năm nay đã 100 tuổi và đứa con nhỏ của tôi năm nay mới 21 tháng tuổi. Khoảng cách giữa 4 thế hệ là một khoảng cách rất xa. Nếu văn hóa, truyền thống bị lãng quên thì làm sao một gia đình có được sự kết nối với nhau, làm sao một đứa cháu ngày nay có thể hiểu được những vất vả mà ông bà đã trải qua để có được như hôm nay”.
Những người thợ gấp rút hoàn thành lồng đèn nhằm đáp ứng nhu cầu dịp lễ Trung Thu. (Ảnh: NVCC) |
Thuộc nằm lòng hai câu tâm huyết “Phi cổ bất thành kim” và “Ôn cố tri tân”, chị Thủy hiểu rằng, văn hóa dân tộc làm nên con người mình hôm nay. Nếu quên đi những chuyện trong quá khứ thì tương lai sẽ vô định, thiếu đi ý nghĩa và động lực sống. Vậy nên, có thể nói, truyền thống văn hóa con người Việt đã ăn sâu vào tâm trí của chị Thủy, từ đó, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ nhất để chị thực hiện những sản phẩm Trung Thu mang đậm tính văn hóa, tính dân tộc.
Từ những ý tưởng ban đầu đó, chị Thủy và chồng đã thành lập nên Khởi, nơi những món đồ chơi Trung Thu được phục dựng từ những mẫu truyền thống xưa.
Công đoạn lợp giấy kiếng vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến phần vẽ nên người thợ cần cực kỳ cẩn thận. (Ảnh: NVCC) |
Hy sinh tất cả vì nghệ thuật
Chị Thủy chia sẻ rằng, mỗi giai đoạn đều có một cái khó riêng nhưng trở ngại mà hai vợ chồng chị những tưởng đã không vượt qua được, đó là thời điểm tìm nguyên liệu phù hợp để phục dựng lại lồng đèn truyền thống. Chị nói: “Sự đứt gãy truyền thống quá lớn khiến tôi không tìm thấy tư liệu về vật phẩm, nhân chứng sống, văn bản ghi chép lại cách làm lồng đèn mà chỉ có thể nhìn qua hình ảnh. Sự mô phỏng, dựng lại đó chỉ mang tính tương đối chứ không thể chính xác được. Những bước đi đầu tiên của tôi đều là tự mò mẫm để đi. Sai và sửa rất nhiều. Việc tìm lại những đường nét xưa khá khó khăn”.
Sản phẩm "Tiến sĩ giấy" và cặp lồng đèn "Vọng Nguyệt" cũng được đông đảo người trẻ đón nhận. (Ảnh: NVCC) |
Theo đó, anh chị đã mua rất nhiều loại vật liệu khác nhau để thử nghiệm. “Hậu quả” là ngôi nhà anh chị ở nay đã biến thành một cái kho, xưởng.
Cũng có thời điểm anh chị mâu thuẫn, cãi nhau rất nhiều vì không đạt được sự đồng thuận trong việc làm lồng đèn: “Anh Sơn muốn có những sản phẩm có chất lượng cao nhất, hiệu quả nhất. Tôi đã tranh cãi lại là nếu như vậy thì liệu có đạt được độ tinh xảo của truyền thống hay không”.
May mắn thay, hai anh chị vẫn tìm được hướng giải quyết nhờ vào sự kết hợp nhiều phương cách để làm. Ví dụ như việc dùng dây rút và chỉ để thay cho các mối nối bằng thép hay sử dụng công nghệ laser trong cắt layer những chi tiết của lồng đèn. Điều này giúp việc làm thủ công vừa đẹp, tinh tế, cũng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách.
Mẫu lồng đèn “Cá chép hóa rồng” đang được nhiều người tìm mua. (Ảnh: NVCC) |
Tỉ mỉ trong từng công đoạn
Chị Thủy chia sẻ, thời gian để làm một cái lồng đèn cần đến 23,5 tiếng, bao gồm các công đoạn như: uốn, ráp khung trúc, lợp giấy kiếng, tô vẽ, căng dây treo và cân chỉnh. Ở công đoạn tạo khung, chị sử dụng sợi trúc thay cho mây, tre hoặc thép. “Trong khi sợi thép mang tính lạnh thì sợi trúc mang tính ấm, tự nhiên hơn và phù hợp với không khí ấm cúng, sum họp của Tết đoàn viên như Lễ Trung Thu”, chị Thủy bộc bạch.
Ngoài sợi trúc thì giấy kiếng cũng là nguyên liệu không thể thiếu khi làm lồng đèn. Các người thợ sẽ tự tay dán miếng giấy kiếng lên khung và dùng máy khò để làm căng. Sau đó, họ tự tay vẽ những hoa văn long, lân, quy, phụng, hoa lan, hoa cúc, tranh Đông Hồ… lên giấy kiếng. Đây là công đoạn vô cùng kỳ công, tinh tế, đòi hỏi người thợ phải cực kỳ cẩn thận. Chị Thủy chọn đi “con đường khó, mất nhiều thời gian và công sức hơn”, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ và máy móc.
Khởi cho ra mắt món đồ chơi mang tên “Cặp lồng đèn Vọng Nguyệt”, một chiếc được ghi “Vọng”, chiếc còn lại là “Nguyệt”, ghép lại là “Vọng Nguyệt” (Ngắm Trăng). Nghe chị giải thích, chúng tôi biết được rằng loại lồng đèn này ngày xưa rất được trẻ con yêu thích, thường mang đi rước cỗ lúc trăng rằm nhưng ngày nay rất hiếm khi gặp được khung cảnh ấy.
Mẫu lồng đèn mới ra mắt năm nay của xưởng KĐTK mang tên “Cự Giải”. (Ảnh: NVCC) |
Chị Thủy và các thành viên còn phục dựng “Tiến sĩ giấy” mô phỏng theo mẫu và kích thước xưa. Để tạo nên sự mới mẻ, Khởi đã thiết kế áo bào theo mẫu áo của quan triều Nguyễn. Chị Thủy chỉ tay vào từng hộp nhựa đựng hàng trăm chi tiết được làm thủ công của mẫu "Tiến sĩ giấy". Phải cần đến 3 tháng để dán hơn 500 chi tiết, tạo nên thành phẩm cuối cùng. Vì mất nhiều thời gian nên Khởi chỉ có thể cho ra 30 "Tiến sĩ giấy" sau suốt 3 tháng làm việc liên tục, mỗi ngày 9 tiếng, quần quật từ sáng đến tối. “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là 100 cái nhưng không hoàn thành được”, chị Thủy nói.
Chị chia sẻ thêm: “Nếu được bảo quản kỹ lưỡng không tiếp xúc trực tiếp với nắng, mưa thì lồng đèn có thể để từ 2 - 3 năm là chuyện bình thường, hoặc thậm chí lâu hơn”.
Chị Thủy và các cộng sự của mình đang hướng đến việc cắt giảm các chi tiết để sản phẩm đơn giản hơn. Nhờ vậy, chị có thể tổ chức những buổi workshop giới thiệu và hướng dẫn các bạn trẻ các bước làm lồng đèn. “Sau buổi workshop, tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu quá trình cho ra đời lồng đèn của Khởi không đơn giản như việc dán giấy lên mặt phẳng mà còn nhiều hơn thế nữa”, chị Thủy cho biết.
Nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, KĐTK đã phối hợp cùng nhà thiết kế Trương Tấn Linh thiết kế 2 bộ trang phục dân tộc tại cuộc thi sắc đẹp Miss Grand Việt Nam 2023 và Mrs. Celebrity International 2023. Trong khuôn khổ cuộc thi Mrs. Celebrity International 2023, tổ chức tại Malaysia, trang phục dân tộc của Việt Nam mang tên “Bầu cua vui hội” đã giành được giải thưởng “Best Costume Award” (tạm dịch: Trang phục dân tộc đẹp nhất).