“Dám nghĩ dám làm”
Chia sẻ về ý tưởng khởi nguồn của MOH, Huyền Mai cho biết: “Ý tưởng nhen nhóm từ rất lâu, khi mình nhận ra mọi người ở tỉnh lẻ, nếu muốn đi khám bác sĩ tâm lý sẽ phải di chuyển lên các trung tâm lớn như ở Sài Gòn hoặc Hà Nội và điều này sẽ làm tốn thời gian, công sức cũng như chi phí đi lại. Lúc đó, mình nghĩ là tại sao lại không làm một ứng dụng có thể kết nối giữa bệnh nhân với bác sĩ, chuyên gia trên lĩnh vực tâm lý. Hơn thế, cả mình và những người bạn xung quanh đều gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần, những lúc như vậy, tụi mình thật sự rất cần một người có thể lắng nghe và giải đáp cho mình. Đó là lý do mà MOH đã ra đời”.
Trịnh Huyền Mai (Founder dự án MOH). |
Nói về những người bạn đồng hành cùng mình trong dự án MOH, Mai chia sẻ: “Nhóm của mình không phải chỉ có 6 người như mọi người vẫn biết mà đó là công sức của 20 người dành cho cuộc thi, có những người không quản khó khăn vẫn luôn âm thầm ở đằng sau giúp nhóm. Lúc đầu, chỉ là 3 người thôi, tụi mình cũng không được dạy kỹ càng bài bản như những startup khác, cũng phải bận đi làm, đi học nhưng cùng chung mục tiêu, chung chí hướng, như một cơ duyên tất cả tìm đến nhau, đều luôn nỗ lực học hỏi, trao dồi để hoàn thiện hơn”.
Các thành viên của dự án: Ngô Ngọc Quỳnh, Nguyễn Quốc Tuấn, Trịnh Huyền Mai, Đoàn Thục Quyên, Lê Minh Châu (từ trái qua). |
Bước đi đầu đáng nhớ
Nhóm bạn trẻ năng động đến từ các trường đại học khác nhau với quyết tâm, sự tự tin, dũng cảm cũng như đam mê cháy bỏng đã không ngại mang ý tưởng MOH ra thử sức ở các cuộc thi nhằm học hỏi, trao dồi. “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V” không phải là cuộc thi đầu tiên mà dự án MOH “chinh chiến”. Trước đó, MOH đã đoạt giải Nhất ở cuộc thi 'VinUniversity Big Idea Competition' vào tháng Tư năm trước. Lần này, MOH tiếp tục chinh phục giải Ba cuộc thi “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V” do Bộ GD - ĐT tổ chức.
Chia sẻ về những dự định tương lai với MOH, nhóm cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và làm việc với các cố vấn về mô hình kinh doanh. Đồng thời, nhằm giúp cho dự án có thêm độ sâu, độ rộng và phát triển hơn trong cộng đồng, đặc biệt là với những người trẻ, nhóm tiếp tục phát triển MOH thông qua việc kết nối với các bạn nghiên cứu sinh ở khoa tâm lý của các trường đại học. Ngoài ra, MOH dự định sẽ sản xuất blog cũng như những bài đăng trên các trang mạng xã hội để lan tỏa thông điệp về sức khỏe tinh thần. Cuối cùng, 'The Inner Peace Podcast' thuộc nhánh của MOH vẫn sẽ tiếp tục lên sóng với các khách mời đặc biệt tạo nên góc nhìn đa chiều về sức khỏe tâm lý.
MOH lên nhận giải tại cuộc thi “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V”. |
Hiện tại, Huyền Mai vẫn cố gắng học cách cân bằng giữa việc học, việc làm và cả sức khỏe. “Cả nhóm luôn tâm niệm rằng: mình là những người mang đến thông điệp về sức khỏe tinh thần nên trước tiên chính bản thân mình phải ổn. Nên nếu đang cảm thấy mệt mỏi, tụi mình sẽ dừng chân lại, nghỉ ngơi, nạp thêm động lực để bước tiếp. Chúng mình đi chậm nhưng đi chắc. Chỉ khi đó mọi người mới có đủ sức cống hiến cho cộng đồng. Và sẽ tuyệt vời hơn khi mà dự án của MOH giúp ích một phần nào đó cho xã hội”.