Bốn năm với sứ mệnh “cho đi”
Dự án hình thành dưới tên gọi “Nhà của VUI”. Đây là “đứa con tinh thần” được ra đời bởi chị Đinh Hoàng Minh Ngọc (sinh năm 1991), vào năm 2017. Trong đó, dự án bao gồm 5 thành viên chủ chốt, 18 tình nguyện viên ngắn hạn. Đặc biệt, có thành viên đã đồng hành cùng “Nhà của VUI” từ lúc còn đi học đến sau khi tốt nghiệp ra trường. Tất cả đều cùng chung mục tiêu mang đến một bến đỗ cho bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh yếu thế bằng cách xây dựng những chương trình phúc lợi tốt nhất trong năng lực của mình. Nói về cơ duyên sáng lập, chị Minh Ngọc cho biết, qua vài lần gặp gỡ và trò chuyện với các bạn khuyết tật trong một số dự án phi lợi nhuận, chị nhận thấy tiềm năng phát triển cũng như những hạn chế ở họ trong việc tiếp cận một môi trường làm việc đúng nghĩa. Vì vậy, bằng kinh nghiệm có được cùng với tâm huyết tuổi trẻ, chị đã sáng lập nên “Nhà của VUI”. Vào thời điểm ban đầu, dự án cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt kinh phí. Chị Minh Ngọc chia sẻ: “Vì làm dự án xã hội phi lợi nhuận nên mọi hoạt động đều phải chi trả bằng ngân sách của riêng mình. Tuy vậy, “Nhà của VUI” đặt ra một nguyên tắc là không dùng hình ảnh của người khuyết tật để PR cho dự án”.
Dự án "Xưởng bay bổng" được ấp ủ nhằm đưa người khuyết tật đến gần hơn với xu thế phát triển của xã hội ngày nay. |
Chị Minh Ngọc chia sẻ thêm, dự án từ trước đến nay vẫn được vận hành trơn tru bởi những thành viên luôn làm việc hết mình. “Hơn nữa, nhiều người yêu thương bọn mình và sẵn lòng đóng góp để những hoạt động của dự án được diễn ra một cách tốt nhất có thể”, chị tâm sự.
Để làm việc với người khuyết tật, các thành viên “Nhà của VUI” phải lưu tâm một số quy tắc cần nhớ trong hành vi, thái độ, lời nói thường ngày và cả chữ viết. Theo chị Minh Ngọc, mỗi người khuyết tật sẽ đều có những khó khăn khác biệt về ngoại hình, năng lực, hoàn cảnh… Chị chia sẻ: “Điều quan trọng là cần phải nhìn nhận họ như những người bình thường khác và đề cao việc tôn trọng đối tượng thụ hưởng lên hàng đầu”. Chính vì vậy, “Nhà của VUI” luôn kiên nhẫn trong quá trình làm việc với người khuyết tật và nỗ lực để họ muốn tiếp thu, muốn thay đổi.
"Nhà của VUI" còn quảng bá sản phẩm của người lao động khuyết tật tại các doanh nghiệp. |
Được biết, “Nhà của VUI” từ khi thành lập đã thực hiện nhiều hoạt động với những nỗ lực đáng ghi nhận, bao gồm: Chuỗi sự kiện “Nhà mình” được tổ chức theo các dịp lễ nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của nhóm người yếu thế với cộng đồng mình đang sống, dịch vụ CSR dành cho doanh nghiệp trong việc tạo ra những buổi triển lãm trưng bày sản phẩm handmade của người khuyết tật, dự án “Vuitour” xây dựng một môi trường phát triển toàn diện cho trẻ em tại các mái ấm – nhà mở. Ngoài ra, “Nhà của VUI” còn sử dụng các kênh truyền thông để tạo nên những sản phẩm nổi bật, tiêu biểu là “Tuyệt kỹ 2019”, series phim tài liệu TIDI nhằm kể lại câu chuyện về nghị lực sống và tài năng của những người khuyết tật. Chị Minh Ngọc cho biết, từ một tổ chức phi lợi nhuận, “Nhà của VUI” giờ đây đã trở thành một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh hoạch định chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng một cách rõ ràng và hiệu quả.
Những sản phẩm handmade do người khuyết tật làm được "Nhà của VUI" bày bán trong một sự kiện. |
Nhịp cầu hy vọng “Xưởng bay bổng”
Được biết, ý tưởng cho dự án “Xưởng bay bổng” đến từ một thành viên “Nhà của VUI” vào năm 2020 và đã được chị Minh Ngọc yêu cầu bắt tay thực hiện. Dự án được triển khai với mong muốn mang lại một khóa đào tạo nghề chất lượng cho người lao động khuyết tật, cụ thể là ngành "animation", thuộc nhóm nghề thiết kế mỹ thuật đa phương tiện. Lý giải về nguyên nhân chọn ngành này, chị Minh Ngọc chia sẻ: “Tốc độ phát triển của nhóm ngành này ngày càng tăng nhanh vì đây là thời điểm các sản phẩm tích hợp đa phương lên ngôi. Hơn nữa, nhóm ngành không đòi hỏi việc đi lại nhiều, rất phù hợp cho người khuyết tật. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các công ty bắt buộc phải tận dụng tối đa công nghệ để duy trì hoạt động. Do vậy, nhóm ngành này ngày càng trở thành nhu cầu cấp bách và mang lại mức thu nhập cao”.
Những sản phẩm handmade do người khuyết tật làm được "Nhà của VUI" bày bán trong một sự kiện. |
Dự án dự kiến sẽ mở đơn tuyển sinh vào tháng 6/2021 và khóa đào tạo đầu tiên sẽ được triển khai một tháng sau đó. Số lượng thành viên trong lớp học gồm 8 - 10 người, thời gian của khóa học kéo dài 3 - 4 tháng, sau đó, các thành viên có thể tự lực đi xin việc làm ở môi trường thực tiễn. Điểm đặc biệt chính là dự án này sẽ trợ cấp học bổng miễn phí toàn phần cho học viên. Đây còn là bước thử nghiệm để “Nhà của VUI” khảo sát tình hình học tập ở người khuyết tật, trên cơ sở đó đề ra cách cải tiến phù hợp cho những khóa tiếp theo. Nói về mục tiêu dài hạn của dự án, “Nhà của VUI” cho biết, trong vòng 3 - 5 năm tới, “Xưởng bay bổng” sẽ trở thành lớp học đa ngành, nơi người khuyết tật có thể thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau để phát huy tối đa năng lực của mình.
“Mình hy vọng xã hội sẽ công nhận khả năng thật sự của người khuyết tật chứ không chỉ nhìn ở những công việc họ làm thường ngày như đi bán tăm, xin tiền… để rồi đánh giá không đúng về thực lực của họ. Chúng mình mong có thể tạo ra môi trường làm việc bình đẳng để họ tiếp cận, từ đó giúp họ chủ động hơn với những lựa chọn nghề nghiệp của bản thân trong tương lai”, chị Minh Ngọc chia sẻ.