Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn trả lời câu hỏi trên một cách tự tin và đầy ấn tượng, bảo đảm ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Không chỉ nêu “tốt” hoặc “không tốt”, hãy cho ví dụ
Nhà tuyển dụng việc làm ở Bình Dương, Đồng Nai hay TPHCM đều rất bận rộn và họ sẽ không dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu từng ứng viên. Do đó, điều quan trọng khi xuất hiện trong cuộc phỏng vấn là phải tạo ấn tượng tốt, khiến bản thân nhanh chóng được chú ý và nhà tuyển dụng không thể bỏ qua bạn.
Chính vì vậy, nếu bạn chỉ nói với người phỏng vấn rằng bạn có khả năng xử lý căng thẳng tốt là không đủ. Hãy đưa ra ví dụ về những tình huống gây áp lực trong quá trình làm việc trước đây, cũng như cách bạn đã giải quyết chúng.
Khi đưa ra những ví dụ cụ thể, thì nhà tuyển dụng thực sự bắt đầu xem xét bạn một cách nghiêm túc. Họ có thể nhận thấy rằng bạn là một chuyên gia giàu kinh nghiệm và bạn sẵn sàng đối mặt với bất kỳ áp lực công việc nào đến với mình.
“Lúc còn làm việc ở công ty B, tôi đã được giao một dự án rất quan trọng vào phút cuối. Và, vì sếp cũng các đồng nghiệp của tôi đều bận rộn, tôi phải tự mình xử lý tất cả các khâu… Mặc dù ban đầu mọi việc rất khó khăn, nhưng sau đó, tôi bình tĩnh lại và vạch ra một kế hoạch… Điều này giúp tôi giải quyết dự án và đáp ứng thời hạn của mình một cách hiệu quả”.
Nói rằng áp lực khiến bạn hào hứng hơn
Hãy nói với người phỏng vấn rằng, áp lực có thể thúc đẩy bạn thực sự cố gắng, chú tâm làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế là, một ít áp lực sẽ khiến não chúng ta hoạt động tập trung và có hiệu quả hơn. Đôi khi, áp lực còn khiến chúng ta hồi hộp và phấn khích. Nếu điều đó đúng với bạn, hãy nói với nhà tuyển dụng. Đó sẽ là câu trả lời được đánh giá cao vì nó cho thấy rằng bạn thực sự có niềm đam mê với công việc mà bạn đã chọn.
Hãy nói rằng nhờ áp lực, bạn trưởng thành hơn
Đối phó với những tình huống căng thẳng có thể dạy cho bạn những kỹ năng quý giá như quản lý thời gian, tổ chức sắp xếp, giải quyết vấn đề…
Đây đều là những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên tiềm năng. Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này, hãy cho thấy nhờ áp lực mà bạn được “tôi luyện” để trở thành mình của ngày hôm nay. Nếu không có áp lực hay bất kỳ thử thách nào, bạn khó có thể thực sự phát huy những điểm mạnh của bản thân.
Nếu áp lực là thứ bị người khác coi là điều tiêu cực, thì đối với bạn nó là một điều cực kỳ tích cực vì bạn đã hoàn thành công việc tốt nhất của mình khi bạn đang bị căng thẳng và áp lực.
Luôn chuẩn bị tốt cho các tình huống ngoài dự kiến
Bạn có thể mở rộng câu trả lời của mình xa hơn một chút bằng cách nói rằng, vì bạn luôn có phương án dự phòng, chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ ngoài mong đợi, nên bạn thường ít khi bị áp lực.
Bạn có thể nói như sau: “Mặc dù luôn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt nhưng tôi cũng hiểu rằng, không có điều gì thể dự đoán chắc chắn 100%. Vì thế, khi lập kế hoạch công việc, tôi luôn chừa ra một phần thời gian cho các trường hợp ngoại lệ. Tôi đã quen với việc này khi còn là nhân viên tổ chức sự kiện ở công ty A. Nếu tình cờ xảy ra một tình huống căng thẳng, kỹ năng tổ chức và sự linh hoạt giúp tôi vượt qua nó một cách khá dễ dàng”.
Có đầu óc nhạy bén
Khéo léo thể hiện rằng, bạn là người có thể nắm bắt mọi vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác và đưa ra những phản ứng phù hợp, do đó bạn có thể xử lý tốt những tình huống căng thẳng trước khi nó trở nên phức tạp. Đây cũng là một trong những câu trả lời thông minh nhất. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên có đầu óc nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt hơn là những người tư duy máy móc, rập khuôn.
Dĩ nhiên, bạn không thể nói sai sự thật trong một cuộc phỏng vấn, do đó bạn phải rèn luyện để thực sự trở thành người có tư duy vượt trội, và phải tự tin vào bản thân để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy điều đó.
Hãy đơn giản và chân thật
Cuối cùng khi trả lời một câu hỏi như thế này, đừng quá cố gắng tạo ấn tượng với người phỏng vấn. Đôi khi ngay cả những câu trả lời đơn giản cũng có thể giúp bạn tạo ấn tượng tốt, nếu bạn thể hiện chân thật, tự nhiên thay vì “gồng mình”, giả tạo.
Trên đây là những gợi ý giúp bạn có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng khi trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn xử lý căng thẳng như thế nào?”. Bạn có thể “biến tấu” câu trả lời cho phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp cũng như phong cách riêng của mình, nhưng đừng quên mục tiêu của bạn là khiến cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn luôn bình tĩnh, suy nghĩ logic và làm việc hiệu quả. Bằng cách đó, họ sẽ cảm thấy tin tưởng rằng, bạn cũng có thể đối phó với căng thẳng, áp lực công việc khi trở thành nhân viên trong đội nhóm của họ.