Từ tình yêu Ngữ văn
Đối với những người khiếm thị, việc học hành là một điều gì đó vô cùng xa vời, khó chạm tay với tới. Vân nhớ lại những ngày tủi cực khi biết rằng mình vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy anh sáng như mọi người: “Từ nhỏ, những người thân trong gia đình đã không ủng hộ việc học của mình”.
Bích Vân cũng đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy gian nan trên hành trình theo đuổi con chữ. Xa gia đình lên TP. HCM lúc 5 tuổi, Vân sống với tình yêu thương và sự dạy dỗ của các cô, các mẹ ở mái ấm Nhật Hồng dành cho trẻ khiếm thị thuộc giáo xứ Thị Nghè ở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ở đây, Vân được dạy chữ nổi, dạy cách tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt như những trẻ bình thường. Vân có thể tự tắm gội, giặt đồ và rửa chén khi lên 7 tuổi. Để tiếp tục theo đuổi ước mơ, lên THPT, Vân theo học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh và rồi trở thành sinh viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) như bây giờ.
Thời học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Q. Bình Thạnh, Vân cũng từng được cô giáo chủ nhiệm đề xuất chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn. Nhận lời đề nghị đó Vân đã rất ngạc nhiên nhưng cũng đầy phấn khởi vì từ trước tới giờ chưa có tiền lệ chọn những học sinh khiếm thị đi thi học sinh giỏi như Vân. Tuy nhiên, lần đó Vân không thể tham dự kỳ thi vì hội đồng thi không thể bố trí phòng riêng và bộ phận cán bộ coi thi riêng để hỗ trợ cho Vân. “Sau lần đó mình như được tiếp thêm sức mạnh. Chính cô giáo chủ nhiệm là người truyền cảm hứng cho mình học Văn để sau này có một nghề nghiệp ổn định trong tương lai”, Vân nhớ lại.
Hành trình đến giảng đường
Suốt 3 năm trên giảng đường, Vân gặp không ít những khó khăn. Năm đầu tiên Vân ở mái ấm Nhật Hồng - Bình Thạnh. Ngày ngày, Vân bắt đi xe buýt di chuyển hơn 40 km để học tại trường ĐH KHXH&NV cơ sở Linh Trung - Thủ Đức. Tuy quãng đường xa là thế nhưng Vân vẫn lên lớp chăm chỉ gần như không nghỉ buổi nào trừ những ngày đau bệnh. Thương Vân sức khỏe yếu, mấy mẹ ở mái ấm Nhật Hồng định xin chuyển cho Vân chỗ ở đến một trung tâm bảo trợ gần trường Vân học. Tuy nhiên, Vân muốn tự mình thu xếp việc học và cuộc sống khi bản thân mình còn có thể. Nghe bạn bè chia sẻ, Vân đã làm đơn xin vào KTX Cỏ May (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM). “Để được ở đây mình đã đến trình bày và bổ sung giấy tờ nhiều lần. Cũng may BQL ký túc xá Cỏ May ưu ái đã hỗ trợ mình có chỗ ở miễn phí và còn có thêm chi phí ăn uống hằng ngày. Nhờ vậy mà mình cũng giảm bớt được phần nào gánh nặng chi phí ăn học”.
Ở KTX Cỏ May, mỗi ngày Vân đi bộ đến trường mất khoảng 15 phút. Đối với người bình thường thì không là vấn đề nhưng với Vân việc di chuyển qua con lộ đông xe đi lại thì là vấn đề trở ngại không nhỏ: “Đôi lúc, cũng sợ xe lớn ngoài đường và những lúc trời mưa cũng sợ đường bị ngập nhưng mình luôn tự động viên phải cố gắng hơn. Cũng may, mình ở chung phòng với 7 bạn cùng trường nên các bạn đã hỗ trợ dẫn mình đi học. Những bữa kẹt quá không có ai đi cùng thì mình tự đi một mình. Đi nhiều rồi cũng thành quen. Lúc muộn quá hoặc có công việc gấp quá thì mình đặt Grap đi”, Vân tâm sự.
Vân cũng luôn duy trì thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Điểm trung bình thường trên 7,5. “Đặc thù học Văn tụi mình điểm sẽ không cao. Năm nay KTX Cỏ May xét học bổng phải từ 8,0 trở lên. Mình mới được 7,9 nên cũng khá lo lắng. Nhưng bản thân sẽ cố gắng hết sức”.
Với điểm học tập trong bình cao, Vân cũng nhận được một số học bổng của một số công ty về trường trao tặng. “Học bổng của trường thì mình đủ điểm xét tuy nhiên lại không đủ các điều kiện mà trường đề ra như gia đình phải có sổ hộ nghèo và thuộc diện con em dân tộc thiểu số. Cũng nhờ học bổng nhận được từ các công ty trao tặng mà mình có tiền đóng học phí. Chi phí mẹ cho thì mình để dành sinh hoạt và dùng để mua tài liệu học tập”, Vân cho biết.
Lấy khó khăn làm động lực
Hoàn cảnh gia đình hiện tại của Vân cũng chẳng khá gì nếu không nói là còn nhiều khó khăn. Mẹ Vân thì làm công ăn lương phụ bán hàng. Ba Vân thì làm Y tá. 2 ba mẹ Vân do không hợp nên đã không còn sống cùng nhau. Vân tâm sự: “Từ nhỏ mình đã sống gần gũi hơn với mẹ hơn nên cảm thông với vất vả của mẹ. Tuy phần lớn thời gian của mình sống ở mái ấm Nhật Hồng (TP. HCM) nhưng lòng mình luôn hướng về mẹ. Mẹ đã vất vả lo cho hai chị em mình ăn học. Và với mình, mỗi lần được về nhà thăm mẹ là bản thân mình như được tiếp thêm sức mạnh sẵn sàng cho chặng đường nhiều khó khăn phía trước”.
Vân cũng gặp không ít khó khăn trong việc học. Trước khóa Vân không có sinh viên khiếm thị theo học nên cô không xin thể xin được nguồn tài liệu “chuyển đổi” từ các anh chị đi trước. Mình phải tự mò mẫn chuyển sang chữ nổi hoặc chuyển qua dạng audio để nghe. “Trước khi bước vào giảng đường đại học mình không lường hết những khó khăn mà mình sẽ gặp phải trong việc học. Học Văn phải đọc nhiều nên việc chuyển sang tài liệu qua dạng chữ nổi cũng là cả vấn đề. Tuy có phần mềm hỗ trợ việc chuyển đổi nhưng tùy thuộc vào từng loại sách mà tỉ lệ sai số khi chuyển sẽ khác nhau. Cũng may mình luôn tìm thấy sự hứng thú trong việc học nên mình lại tìm cách khắc phục vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, việc nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn trên lớp, trong khoa và cả sự truyền cảm hứng của các thầy cô đã là động lực to lớn đối với mình”, Vân bộc bạch.
Vân cũng có khả năng đọc bằng tay trái. Nhờ vậy mà tấc độ ghi nhớ của Vân cũng nhanh hơn. “Thông thường những người khiếm thị đa phần đọc bằng tay phải. Cũng may từ nhỏ mình tập bằng hai tay nên giờ cũng thuận tiện hơn. Trên lớp mình vừa phải ghi tốc ký vừa phải ghi âm lại các bài giảng của thầy cô để chỗ nào ghi không kịp còn có thể nghe lại”, Vân cho biết.
Trong gần ba năm học, Vân cũng nhiều lần tìm kiếm các công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành học của mình. Ở các vòng phỏng vấn qua điện thoại cô đều đáp ứng được hết những yêu cầu nhưng khi Vân cho biết mình bị khiếm thị thì những chỗ tuyển dụng đều từ chối nhận. “Lúc đó thì cũng hơi buồn nhưng rồi bản thân mình lại tự lên dây cót tinh thần chắc là cơ hội phù hợp chắc chưa đến. Với mình mục tiêu lớn nhất là trở thành giáo viên dạy Ngữ văn cho học sinh khiếm thị”, Vân lạc quan chia sẻ.
“Mình vẫn luôn lấy hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để cố gắng. Mình mong ước, sau này ở Kiên Giang quê mình có trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị để mình có thể về và góp công sức dạy môn Ngữ văn cho các em học sinh có hoàn cảnh giống mình”, Bích Vân chia sẻ.