Năm 18 tuổi, Lê Công Thành quyết định chọn Úc là nơi để viết tiếp tương lai cho bản thân. Ban đầu sang Úc, Công Thành theo học ngành Thiết kế Đồ họa theo mong muốn của gia đình. Tuy nhiên, sau 8 tháng gắn bó với lĩnh vực này, Công Thành cảm thấy không phù hợp.
Tự cảm thấy bản thân là người phù hợp với công việc năng động và đòi hỏi tư duy y học nhiều hơn, thế nên Công Thành quyết định chuyển sang học ngành Y tá. Kể từ quyết định lần đó đến nay anh đã gắn bó được 3 năm với ngành học này. Anh cho rằng, đây chính là quyết định đúng đắn nhất đối với bản thân từ trước tới giờ.
Công Thành tâm sự: “Những ngày mới sang Úc điều làm mình trăn trở nhất đó chính là làm sao mình có thể hòa nhập vào nền văn hoá của Úc. Sự khác biệt về ngôn ngữ, giáo dục, lối sống luôn tạo ra một rào cản rất lớn khi mình vừa đặt chân qua Úc. Tuy nhiên, mình là một người hòa nhập nhanh nên khoảng một năm, mình đã thích nghi với cuộc sống xứ người”.
Hiện tại, ngoài việc học Công Thành còn đang làm phụ tá tại một bệnh viện công ở Sydney. Tuy nhiên, Công Thành vẫn chưa được phép cho thuốc bệnh nhân bởi anh vẫn chưa có được chứng nhận và kiểm tra bởi Hiệp hội Y tại Úc. Nhưng đổi lại, anh được tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm từ những y tá, bác sĩ đi trước tại bệnh viện. Ngoài ra, việc phụ tá còn giúp Công Thành có thêm chi phí tự trang trải cuộc sống một mình tại Úc.
Công Thành rất tự hào khi được khoác trên mình trang phục y tá. |
Công Thành quan niệm y tá là một nghề đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ nhưng điều này không có nghĩa là nam giới không làm được. "Không hẳn phụ nữ sẽ làm tốt hơn nam giới, vì nghề nào cũng đòi hỏi sự yêu nghề, tâm huyết làm nghề. Ở Úc, có rất nhiều y tá nam, điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho hệ thống y tế vì họ có thể làm những công việc nặng nhọc, đòi hỏi kỹ năng cao mà phụ nữ khó đảm đương được”, Thành cho biết.
Nhắc đến khó khăn Công Thành chia sẻ: “Mình nghĩ, khó khăn lớn nhất trong công việc là làm sao để duy trì được sự nhiệt tình và tâm huyết với công việc. Nhiều đồng nghiệp của mình đã giải nghệ sớm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác vì không đủ lửa để tiếp tục đam mê. Y tá là một nghề thách thức sức bền về thể chất và cả tinh thần nên mình nghĩ đây sẽ là nỗi lo lớn nhất của mình. Ở thời điểm hiện tại, mình hoàn toàn đặt niềm tin và lòng nhiệt huyết vào bản thân”.
Công Thành đi làm trong giai đoạn COVID-19 bùng phát ở Úc. |
Dù phải vừa đi học vừa phải đi làm nhưng Công Thành luôn thu xếp chu toàn cả hai. Với anh, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thành khóa học cử nhân một cách trọn vẹn. “Học tập và công việc thường bổ sung cho nhau, nhưng mình thường dành ra 1 -2 ngày trong tuần để thư giãn, để bản thân không làm việc quá sức. Mình sẽ phân bổ thời gian còn lại ít nhiều tùy vào bài tập ở trường nhiều hay ít”, Công Thành nói.
Công Thành tin rằng việc cố gắng từng ngày chính là con đường đi đến gần nhất với sự thành công mà anh đang theo đuổi. |
Hiện tại, Công Thành vẫn đang cố gắng để hoàn thành chương trình đại học vào cuối năm và sẽ có một công việc ổn định vào năm sau. Công Thành dự định học cao hơn chuyên ngành Hồi sức cấp cứu vì đây là một chuyên ngành mà anh luôn ước mơ từ khi vào năm nhất đại học. Trong tương lai, Công Thành mong muốn trở thành một người giảng dạy cho các thế hệ y tá sau này.