Đào Đức Anh là sinh viên năm cuối của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Gia đình chính là động lực lớn nhất
Đức Anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi hơn người khác nhưng luôn được gia đình yêu thương và ủng hộ hết mình. Đức Anh tâm sự rằng: “Xuất phát điểm chưa tốt thật sự không phải là một rào cản đối với mình. Ngược lại mình cảm thấy vô cùng biết ơn và tự hào về những người thân trong gia đình vì họ đã luôn dành những điều tuyệt vời nhất cho mình. Dẫu khó khăn, nhưng chưa một lúc nào gia đình để mình phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Trong việc học tập, những người thân của mình lại có cách để giúp đỡ, ủng hộ mình hết lòng. Bởi vậy, mình thấy rằng mình là một đứa trẻ may mắn và hạnh phúc, phải cố làm sao để những người thân yêu của mình cảm thấy yên lòng".
18 tuổi, Đức Anh bước vào năm đầu của đại học, tiến vào thủ đô học tập và bắt đầu cuộc sống tự lập, đây cũng chính là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với Đức Anh. Rời xa mái nhà và những người thân thương, bản thân phải tự rèn luyện cho mình sự tự lập, tự giác và kiên trì ở nơi đất khách. Lúc đầu, Đức Anh rụt rè và bỡ ngỡ trước môi trường sống mới và mọi thứ xung quanh. Không theo được cách học mới, nam sinh bắt đầu hoài nghi về năng lực của bản thân, thu mình lại không dám thử bất cứ điều gì. Đức Anh không biết mình nên bắt đầu từ đâu và thích nghi như thế nào. “Những ngày đầu là những ngày vô cùng khó khăn đối với bản thân mình, ở bất cứ đâu và làm gì mình cũng cảm thấy mình là người tệ nhất trong đó”, Đức Anh chia sẻ.
Đối diện với khủng hoảng đó, gia đình là những người luôn ở bên cạnh và ủng hộ Đức Anh hết mình. Tình yêu gia đình và nội lực của chàng trai ý chí đã giúp Đức Anh có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình, lấy lại sự tự tin để tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và những giá trị tốt đẹp. Đối với Đức Anh, những khó khăn thử thách lúc này chỉ là phép thử để bản thân trở nên cứng rắn hơn, là cơ hội giúp mình tiến lên phía trước. “Dần dần mình nhận ra khó khăn lớn nhất chính là chiến thắng bản thân mình, mọi khó khăn được hình thành và quyết định dựa trên bản tâm của mỗi chúng ta, nếu chúng ta coi đó là cơ hội thì nghiễm nhiên không còn khó khăn nữa. Có lẽ đời đổi thay khi chúng ta thay đổi, những thành tựu của bản thân mình đã được ươm mầm kể từ khi bản thân trân trọng từng cơ hội nhỏ trong cuộc sống”, Đức Anh vui vẻ tâm sự.
Trái thơm quả ngọt của sự nỗ lực
Với những thành tích đạt được trong năm học vừa qua, Đức Anh được mọi người đánh giá là một người chăm chỉ, có tính kỷ luật. Chính vì vậy trong quá trình học tập tại trường, ‘Tuổi trẻ Nhân văn’ này đã có thành tích học tập và quá trình rèn luyện vô cùng xuất sắc. Là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của lớp, Đức Anh luôn đạt học bổng khuyến khích học tập thường niên của trường hàng kỳ. Đây cũng chính là khoản thu để Đức Anh đỡ đần gia đình về học phí và làm triển khai các kế hoạch học tập ngoài chương trình đào tạo khác. Đức Anh còn đạt học bổng Pony Chung trị giá 600 USD/ sinh viên được tài trợ bởi quỹ học bổng Pony Chung, dành cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đào Đức Anh trở thành Á vương 1 cuộc thi USSH GRALENT 2023. |
Đặc biệt, trong ‘Tài sắc Nhân văn - USSH GRALENT 2023’- một cuộc thi với quy mô và giá trị lớn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bằng sự nỗ lực và tài năng của mình, Đức Anh đã xuất sắc vượt qua rất nhiều thí sinh tài giỏi, chinh phục ban giám khảo để chạm tay vào ngôi vị ‘Á vương 1’ với giải thưởng lên đến 77.000.000 VND. Cuộc thi đã mở ra cho Đức Anh rất nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển bản thân một cách toàn diện. Vinh dự hơn khi Đức Anh là đại diện khu vực miền Bắc và trường ĐH KHXH&NV, là thành viên của đội “Tuổi trẻ Nhân văn” tham gia cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và Quyền sở hữu trí tuệ, lần thứ IV – 2024”
Đào Đức Anh vinh dự nhận học bổng Pony Chung. |
Học từ những điều nhỏ nhất
Đối với Đức Anh những thành tích bản thân đã đạt được ở hiện tại không phải là điểm dừng mà là những động lực để bản thân tiếp tục cố gắng hơn. Đức Anh mong muốn được trở thành nhà quản lý giỏi, vì vậy phải học hỏi từ những điều bé nhỏ nhất. Đức Anh có cơ duyên được gặp gỡ và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình đi thực tập thực tế theo yêu cầu của Khoa. “Do yếu tố đặc thù mà Khoa mình được đi thực tập 4 lần trong quá trình học Đại học, mỗi một lần được đi thực tập chính là một lần mình học hỏi và tích lũy. Mình đã đi thực tập tại doanh nghiệp tư nhân và ở cơ quan nhà nước, tổ chức công lập. Mình đã được rèn luyện nhiều về khả năng ứng xử, giao tiếp, đối nhân xử thế; góc nhìn về những vấn đề xoay quanh bản thân trong cuộc sống của mình cũng được mở rộng", Đức Anh chia sẻ.
Đào Đức Anh cùng top 16 thí sinh USSH GRALENT tham gia hoạt động từ thiện. |
Để rèn luyện kỹ năng quản lý của mình, Đức Anh chia sẻ về việc nắm giữ các chức vụ trong lớp: “Trong năm học thì mình hầu như mình không đi làm mà mình tập trung vào việc học tập và quản lý lớp. Mình nắm giữ chức vụ lớp trưởng của lớp chính khóa và hầu hết các lớp môn học mình tham gia, điều này khiến mình khá bận rộn và mình coi điều này như công việc làm thêm của mình. Khi làm lớp trưởng hay giữ chức cán bộ ở trong lớp, bạn phải bao quát rất nhiều thứ đồng thời cũng mang trong mình nhiều trách nhiệm hơn, nhưng mình biết ơn vì điều đó, làm lớp trưởng không chỉ một lớp chính khóa giúp mình có thêm nhiều cơ hội giao tiếp với các giảng viên, quản lý nhiều thành viên ngoài lớp mình hơn, điều này giúp mình cải thiện kỹ năng giao tiếp và năng lực quản lý ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường”. Có thể thấy đây là một tư duy rất tiến bộ và hiệu quả của một nội lực phi thường, Đức Anh biết mình thiếu gì và cần gì để tiếp tục thêm thắt và học tập.
Khi nhận được câu hỏi “Với Đức Anh như thế nào là người có ích cho xã hội và cậu sẽ làm gì để trở thành một người như vậy?”, Đức Anh đã không ngần ngại tâm sự rằng: “Thật khó nói khi phải như thế nào mới là người sống có ích trong xã hội, đối với bản thân mình, đầu tiên phải là người ngoan ngoãn hiếu thảo với gia đình, gia đình là một phần của xã hội, mỗi gia đình bình yên, hạnh phúc đều đem năng lượng này truyền tới xã hội. Tiếp theo chính là có lòng thương cảm, thương những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, thông cảm với những lỗi lầm của người khác, đừng vội phê phán vì đôi khi những thứ xảy ra trong cuộc sống chính là tấm gương để quán chiếu lại bản thân mình, giúp bản thân mình hoàn thiện hơn. Cuối cùng là không gây tổn hại tới xã hội, chỉ cần thực hiện những hành động nhỏ như không vứt rác bừa bãi, tuân thủ luật giao thông... cũng đã là có ích cho xã hội rồi. Ba tiêu chí trên chính là cơ sở, tiền đề để thực hiện những hành động lớn lao hơn, gia đình bình yên thì bản thân mới an tâm nỗ lực, cống hiến cho xã hội; lòng thương cảm tạo nên hoạt động hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn và gắn kết những mối quan hệ; ý thức không gây tổn hại cho xã hội tạo nên sự trân trọng, ý muốn bảo vệ xã hội – môi trường”.
Đào Đức Anh chụp ảnh cùng các bạn trong cuộc thi ‘Sinh viên sáng tạo quyền sở hữu trí tuệ’. |
Đức Anh còn là một cậu bạn có tấm lòng yêu thương, giàu lòng nhân ái, ngoài những giờ học tập Đức Anh cùng các bạn của mình lan tỏa những điều nhỏ nhưng tràn đầy ấm áp: “Mình thường cùng một số bạn bè tham gia phát bữa sáng, bữa tối cho các bác vệ sinh môi trường, người vô gia cư hàng quý, hàng tháng; trong cuộc thi ‘Tài sắc Nhân văn’ mình được tham gia chương trình tình nguyện ‘Xuân yêu thương’; tổ chức trại hè, tiệc hoạt náo dịp trung thu, Tết thiếu nhi cho các em nhỏ trên địa bàn mình học tập và làm việc. Đây chỉ là những điều nhỏ bé nhưng mình luôn luôn biết ơn và hạnh phúc khi những điều ấy có thể góp phần giúp xã hội của chúng ta ngày càng đẹp hơn”.
(Ảnh: NVCC)