Nguyễn Đức Ánh nhận bằng cử nhân xuất sắc chương trình đào tạo Tài năng Toán Tin, Khoa Toán – Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội hồi cuối tháng 9. Với điểm học tập 3.92/4.0, tương đương 9.8/10, cậu được công nhận là thủ khoa tốt nghiệp của khoa Toán – Tin.
“Tốt nghiệp không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho hành trình học tập và rèn luyện suốt đời… Hãy dùng kiến thức, kỹ năng để thực hiện ước mơ công nghệ, cống hiến cho khoa học và xã hội”, Đức Ánh phát biểu tại lễ tốt nghiệp.
Đức Ánh thay mặt các tân cử nhân, kỹ sư phát biểu. |
Đức Ánh và TS. Nguyễn Cảnh Nam - Trưởng khoa Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Chàng trai 22 tuổi là cựu học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2020, cậu trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội bằng kết quả từ kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) lần đầu tiên được tổ chức. Sau đó, cậu đăng ký dự thi và đỗ vào lớp tài năng ngành Toán Tin với điểm số suýt soát mà cậu gọi vui là "Á khoa từ dưới lên”.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong, Ánh nói cậu vẫn nhớ cái ngày bắt xe buýt đến trường để thi tuyển khi đang sốt 39 độ do bị sốt xuất huyết, hay khoảnh khắc nhận tin đỗ lớp tài năng khi đang nằm viện và phải bỏ lỡ buổi học đầu tiên của tân sinh viên.
Ánh khi mới nhập học Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Lớp Tài năng Toán Tin của Ánh chỉ có hơn 20 bạn nhưng đa số xuất phát từ các “trường chuyên lớp chọn”, số môn học và lượng kiến thức cũng nhiều hơn, khó hơn đại trà. Những lúc không hiểu bài giảng, Ánh thường giơ tay lên bảng để tương tác gần hơn với giảng viên và được giải thích, gợi ý từng bước. Hơn nữa, cậu nhận thấy khi đặt bản thân vào tình huống khó, não sẽ nhảy số rất nhanh để tư duy.
Ánh và các thành viên mảng Học tập và Nghiên cứu khoa học. |
Đến năm thứ hai, Ánh tham gia mảng Học tập và Nghiên cứu khoa học thuộc Liên chi Đoàn - Liên chi Hội Viện Toán ứng dụng và Tin học (nay là khoa Toán - Tin). Tại đây, cậu đứng lớp giảng bài, hướng dẫn các em khoá dưới cách học và ôn tập hiệu quả các môn đại cương như Đại số, Giải tích 3.
Cậu cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm trợ giảng, gia sư môn Toán cấp 2, ôn thi Toán chuyên vào lớp 10. Năm 20 tuổi, cậu đã là đồng tác giả sách Khám phá hình học phẳngdành cho học sinh phổ thông.
Đức Ánh và các bạn học cùng Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. |
Thế nhưng chàng trai Hà Nội tâm sự, cậu vốn dĩ thích học Văn và từng học giỏi Văn hơn cả Toán. Hồi cấp một, cậu thậm chí còn viết dòng tuyên bố hùng hồn “Ánh sẽ là nhà văn” vào một quyển sách được ông nội tặng. Đến bây giờ, cậu vẫn giữ thói quen viết blog để chia sẻ những chuyện thường nhật, kinh nghiệm học tập và trải nghiệm cá nhân.
“Mình thích viết lách và muốn chia sẻ thêm nhiều trải nghiệm tới mọi người. Đôi khi áp lực quá, mình viết vì muốn nhìn lại hành trình đã qua để tạo động lực cho chính mình”, Ánh viết trong phần giới thiệu blog.
Ánh thích đọc sách và gia đình cậu cũng khuyến khích văn hoá đọc. Vào sinh nhật hoặc dịp đặc biệt, cậu thường được bố mẹ tặng sách. Có một lần vì quá say mê, cậu đã hoàn thành đọc gần 500 trang sách trong 6 ngày, ngay giữa thời gian thi cuối kỳ căng thẳng ở Bách khoa.
“Mình phải cảm ơn sách rất nhiều bởi mỗi khi đọc một quyển sách là mình được sống một cuộc đời khác nhau. Sách giúp mình vượt qua những lúc thất bại trong học tập lẫn cuộc sống, cho mình thêm góc nhìn đa chiều và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Đọc sách là một điều thật sự tuyệt vời và mình thấy bản thân đã trưởng thành hơn”, tân thủ khoa tâm sự.
Ánh cùng gia đình trong ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp. |
Suốt thời sinh viên, học kỳ nào Ánh cũng đều nhận được học bổng, giải thưởng, huy chương các loại từ nhà trường, doanh nghiệp, trong các cuộc thi trong nước lẫn quốc tế. Ngoài việc gửi lại bố mẹ để đóng học phí, tiền học bổng được cậu dùng cho những sở thích cá nhân như thể thao hay âm nhạc.
Chàng trai tự hào khoe cây đàn piano Nhật cũ đặt ngay ngắn ở góc phòng, được mua bằng tiền tiết kiệm từ học bổng. Cậu thích hát, nghe nhạc và đang học chơi piano. Cậu duy trì cuộc sống lành mạnh bằng chạy bộ, bơi lội và chụp ảnh, dù cũng thú nhận “mình chụp không đẹp lắm nhưng mình thích chụp, đơn giản vì muốn lưu lại kỷ niệm”.
Mọi người thường nghĩ trông cậu khá hướng ngoại, sống chill và sở hữu loạt thành tích ấn tượng. Nhưng với Ánh, bốn năm sinh viên không chỉ là một đường thẳng tắp, mà là những nốt thăng trầm, đôi khi là sự tự tin không có cơ sở, lắm lúc lại tự ti đến thu mình.
Các bạn học lớp K65 Tài năng Toán Tin của Ánh. |
Ánh kể rằng, cậu nhận về số thư từ chối khi đăng ký các hoạt động học thuật và ngoại khoá nhiều hơn số thư chấp nhận, có những chương trình dù cậu rất tâm huyết nhưng chờ mãi không thấy hồi âm.
“Nhưng mình không sợ thất bại. Mỗi khi sợ hãi và lo lắng, mình lại nghĩ rằng nếu không sợ hãi thì mình sẽ làm gì, như vậy thì mình sẽ không đắn đo nữa”, cậu khẳng định.
Hiện Ánh làm việc tại một công ty phần mềm với công việc chính là nghiên cứu về những mô hình trí tuệ nhân tạo theo chương trình AI Residency. Cậu trúng tuyển và đã gắn bó với công việc này được 6 tháng, với sự hướng dẫn chính (mentor) từ Giáo sư bậc một Nguyễn Hùng Minh Tân, giảng viên khoa Toán, Đại học Quốc gia Singapore.
AI Residency là chương trình kéo dài hai năm do các công ty công nghệ lớn tổ chức, tuyển chọn các sinh viên tài năng, hỗ trợ các bạn nghiên cứu, làm việc và rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết trong môi trường quốc tế. Qua đó, chương trình tạo điều kiện để các bạn nộp học bổng tiến sĩ nước ngoài.
Mỗi ngày, Ánh đi làm bằng xe của công ty đưa đón ở nơi làm việc cách trung tâm Hà Nội hơn 20km. Tối về, cậu lại miệt mài dạy thêm một số lớp gia sư môn Toán và AI. Mục tiêu của Ánh là tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin ứng tuyển chương trình tiến sĩ các trường trong top 20 thế giới tại Mỹ hoặc Singapore.
Gửi thông điệp đến các độc giả trẻ của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Đức Ánh nói ngắn gọn: “Cuộc sống ngắn lắm, hãy làm những gì bạn cảm thấy hạnh phúc”.
Ảnh: NVCC