Kiên cường và bản lĩnh
Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia (THPT QG) 2019 và 2020, Hạnh lần lượt đạt được 22,75 điểm và 25,5 điểm khối C00, số điểm thấp hơn so với điểm chuẩn nên việc Hạnh đỗ HVBP là điều chưa thể. May mắn một lần nữa “ngủ quên” với chàng trai Đắk Lắk khi tại Kỳ thi THPT QG 2021, Học viện Tòa án, nơi cậu đang theo học vào thời điểm đó, do dịch bệnh nên phải “bế quan toả cảng”, vì vậy, việc về quê để tham gia kỳ thi THPT QG là điều không thể.
Tuy nhiên, với Hạnh lúc đó: “Mình vẫn không ngừng nuôi ý chí chinh phục cánh cửa đỗ HVBP. Mình vẫn muốn được thực hiện ước mơ của mình dù đó là lần cuối cùng”, Hạnh nhớ lại.
Hạnh đã theo học tại Đại học Tây Nguyên và Học viện Toà án trước khi đỗ Học viện Biên phòng. |
Nửa năm là sinh viên ngành Sư phạm Văn Trường Đại học Tây Nguyên và hơn 2 năm là sinh viên Học viện Tòa án. Đó là khoảng thời gian đầy áp lực và căng thẳng với chàng trai Đắk Lắk khi cậu phải dung nạp cùng một lúc hai lượng kiến thức: “Ban ngày mình học trên giảng đường, phải tiếp thu các kiến thức của ngành mình đang theo học. Ban đêm là thời gian mình ôn tập kiến thức để thi THPT QG. Trong quá trình học tập, mình luôn lâm vào tình trạng quá tải và xuất hiện nhiều bệnh lý liên quan tới sức khỏe"- nam sinh kể.
Nam sinh luôn lạc quan, tích cực trong quá trình ôn thi đầy căng thẳng. |
“Một ngày mới của mình bắt đầu lúc 6 giờ sáng để đọc lại các kiến thức của môn Ngữ văn. 8 giờ sáng, mình đến giảng đường và buổi chiều đến 16 giờ. 17 giờ mình trở về phòng và sẽ học trực tuyến môn Ngữ văn với cô giáo. Đến 21 giờ, khi buổi học kết thúc, bữa cơm tối của mình mới được bắt đầu”, Hạnh kể thêm.
Tận dụng hết quỹ thời gian rảnh để tập trung ôn thi đại học với mục tiêu cao nhất là đỗ vào ngôi trường đại học mà cậu bạn mong muốn. Chính vì vậy mà Hạnh đã đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là hy vọng, đến áp lực, lo lắng, thất vọng và cuối cùng là vỡ oà trong hạnh phúc.
Chiến thắng
Biết tin “chiến thắng” khi vừa hoàn thành xong bài kiểm tra tại Học viện Tòa án bởi tin nhắn của một người bạn đồng hương: “Vỡ oà, vui sướng là cảm xúc của mình lúc đó khi khi bước đầu mình đã thực hiện được ước mơ”, Hạnh nói trong sự hạnh phúc.
“Thật sự mình đã khóc và muốn ôm mẹ, gia đình ngay lúc đấy. Hơn ai hết, gia đình đã đi qua cùng mình rất nhiều giai đoạn và đây cũng chính là nơi luôn mong chờ tin tốt từ mình. Trong gia đình, anh trai luôn là người vực dậy tinh thần, động viên mình và tôn trọng mọi quyết định của mình”, nam sinh chia sẻ.
Chàng trai Đắk Lắk trong một lần vào thăm Học viện Biên phòng. |
Nhớ lại thời khắc con trai gọi điện về thông báo kết quả, phụ huynh Trần Thị Minh vẫn không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Khi Hạnh báo tin đã đỗ đại học, tôi rất vui và tự hào về con trai mình bởi sự nỗ lực của con đã được đền đáp xứng đáng sau những tháng ngày đèn sách.”
“Gia đình mong con hãy vững bước trên con đường con chọn, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng là người chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, mẹ của Hạnh nhắn nhủ.
Nhắc đến cậu học trò tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thái Bình, cô giáo H Như Niê Siêng nói: “Hạnh là cậu học trò rất chăm chỉ, chịu khó và có nhiều hoài bão, đã thích gì là làm cho bằng được. Tuy hơi muộn nhưng Hạnh đã chạm tới được ước mơ. Bây giờ, Hạnh phải luôn nỗ lực rèn luyện và học tập thật tốt để không phụ lòng gia đình, thầy cô và bạn bè.”
Hạnh đã sẵn sàng để bắt đầu một hành trình mới ở phía trước. |
Có thể nhiều người sẽ cho rằng: Tyche, vị thần của sự may mắn, đã không bỏ quên Hạnh trong lần thi đại học thứ 4 này. Nhưng nếu như Hạnh cứ “trượt dài” trong sự thất vọng của bản thân sau kết quả thi đại học năm 2019, 2020 và lý do khách quan vào năm 2021 mà không nỗ lực và cố gắng thì chưa chắc vị thần Tyche đã “giám hộ vận may” cho Hạnh.
Sau hơn 1000 ngày miệt mài đi tìm câu trả lời “Con đường binh nghiệp có thực sự chọn mình hay không?” thì giờ đây, Hạnh đã sẵn sàng để bắt đầu một hành trình mới với một tinh thần kiên cường, bền bỉ và luôn hướng về phía trước: “Hãy đi và đi tiếp vì ở cuối con đường kia sẽ cho bạn một lỗi rẽ tươi mới của cuộc đời”, Hạnh kết lời.