Sớm nhận thức
Biết được ngành công nghiệp thời trang là ngành có lượng rác thải lớn thứ hai thế giới, trong khi bản thân là sinh viên ngành này, Kế Toàn mong muốn dùng khả năng vốn có và những kiến thức được đào tạo tại trường để tái chế quần áo cũ. Việc này nhằm hạn chế lãng phí trong lĩnh vực thời trang, đồng thời tái sử dụng quần áo cũ vào các mục đích khác nhau. Thế rồi, anh tranh thủ thời gian trống khi nhà trường cho sinh viên học tập trực tuyến tại nhà từ đợt COVID-19 đầu tiên để bắt đầu tìm hiểu về thời trang tái chế.
“Với mình, thời trang bền vững được hiểu là vòng đời của sản phẩm thời trang không mang ảnh hưởng xấu đến môi trường, ví dụ như: Thời trang làm từ nguyên, phụ liệu có nguồn gốc tự nhiên; quy trình sản xuất không hóa chất; sản phẩm được sử dụng lâu dài, không ảnh hưởng đến các loài động vật, có khả năng tái chế và khả năng tự phân hủy”, Kế Toàn chia sẻ.
Một bộ trang phục thời trang tái chế của Kế Toàn. |
Là “Gen Z” sớm nhận thức được tác hại của thời trang đối với môi trường, Toàn cố gắng đưa yếu tố bền vững vào trong thiết kế của mình, bằng cách lựa chọn vật liệu có phần trăm tự nhiên cao, không sử dụng hóa chất trong khâu xử lý chất liệu, không dùng lông và da thú, đồng thời tái sử dụng trang phục cũ để tạo thành nhiều mẫu mã mới lạ.
Tính đến thời điểm này, sau gần hết quá trình học tập tại trường, điều khiến chàng sinh viên năm cuối tự hào phải kể đến việc anh xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia bằng chính hoạt động thiết kế thời trang bền vững của mình. Ngoài ra, Toàn còn tham gia tư vấn, hướng dẫn cho nhiều workshop, cuộc thi về tái chế từ các sản phẩm thời trang tại các trường học và thương hiệu, trong đó có một thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản tại Việt Nam. Anh cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp hạn chế lượng rác thải ngành công nghiệp thời trang bằng việc tái chế quần áo”.
Việc mọi người đón nhận các thiết kế là niềm vui với Kế Toàn. |
Không cần quy chuẩn
Những vật liệu tưởng chừng phải bỏ đi như chai lọ, giấy, vải thừa... đều được Toàn nhận ra vẻ đẹp và giá trị riêng ở chúng. Là người thích bảo vệ môi trường và là nhà thiết kế thời trang tương lai, Toàn biết cách biến chúng thành nguồn cảm hứng to lớn để sáng tạo nên những bộ trang phục thời trang độc đáo, thú vị. Giờ đây, việc thiết kế thời trang của anh càng trở nên ý nghĩa khi nó vừa thỏa mãn đam mê, vừa góp sức bảo vệ môi trường. Nghiêm túc, chăm chỉ học hỏi và tình yêu sâu sắc dành cho thời trang là tinh thần làm việc của Kế Toàn.
Thông thường, Toàn sẽ tìm ý tưởng bằng cách tham khảo từ các nhà thiết kế, các thương hiệu thời trang để đưa ra thiết kế mới với sự hội tụ của hai yếu tố: Học hỏi cái hay của người khác và kích thích sự sáng tạo cá nhân. Những ý tưởng độc đáo có thể đến từ một loại hình nghệ thuật, một loại sinh vật hay bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống mà anh biết.
Toàn luôn cố gắng từng ngày để mang đến những trang phục ấn tượng. |
Khi sử dụng vật liệu tái chế, Toàn không lo lắng những hình dạng không theo quy chuẩn của chúng sẽ khiến mình gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện thiết kế. Bởi lẽ, với Toàn, sự sáng tạo trong thời trang không cần theo quy chuẩn nhất định, quan trọng là cách ứng dụng hình dạng vật liệu để tạo nên sản phẩm đẹp mắt. Một trong những thiết kế khiến Toàn tâm đắc là bộ trang phục nằm trong dự án nghiên cứu khoa học vừa rồi của anh. Phần chân váy của thiết kế có hơn 100 mảnh vải nhỏ ghép lại.
“Để tạo nên những sản phẩm thời trang tái chế đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, tính tái chế cao và tính ứng dụng thì mình phải liên tục học hỏi, tìm tòi qua mạng và cuộc sống xung quanh. Mình phải hiểu được nguyên liệu mình sử dụng và cách ứng dụng nó vào cuộc sống. Đặc biệt, mình phải tận dụng triệt để những nguyên liệu có thể tái chế, hạn chế tối đa nguyên, phụ liệu không cần thiết”, Kế Toàn cho biết.