Màu sắc trong hoạt động dự án
Dự án hướng đến hoạt động cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục ở khu vực nông thôn. Hai thành viên của dự án đồng thời cũng là sáng lập viên của dự án “Nhà du hành mạng thông thái – The Wise Cybernaut” nhằm giúp nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng dành cho các bạn học sinh, đặc biệt là học sinh THCS ở nông thôn.
Nhóm dự án đã chọn thư viện tại Gia Bắc vì mong muốn có cơ hội đến gần hơn với những khó khăn trong giáo dục ở vùng nông thôn, thực nghiệm giáo án mà nhóm đã đề ra, mang đến những trải nghiệm học tập, vui chơi với những đề tài mới mẻ cho các bạn học sinh và cũng là cơ hội để thành viên trong dự án tìm hiểu thêm về văn hóa, đời sống của đồng bào K'ho tại địa phương.
Hai bạn trẻ Đức Anh và Thanh Hiền là thành viên sáng lập của dự án. |
Dự án gồm hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn đầu diễn ra trong 3 tuần (từ ngày 27/3 đến 11/4), nhằm kêu gọi đóng góp hiện vật và hiện kim từ cộng đồng. Về mặt hiện kim, dự án đã sử dụng số tiền quyên góp để mua thêm một số đầu sách mới mà thư viện đang có ít hoặc thiếu để các bạn học sinh đến thư viện có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, dự án còn mua thêm nhiều dụng cụ học tập, sổ tay, cọ vẽ, đồ chơi, túi vải và quà tặng khác cho các em, tạo điều kiện để các em được thỏa sức phát triển đam mê học tập và rèn luyện.
Giai đoạn thứ hai cũng diễn ra trong 3 tuần (từ ngày 19/4 đến 8/5), đây là giai đoạn tham gia tình nguyện trực tiếp tại thư viện cộng đồng EVG Gia Bắc. Tại đây, dự án đã vận dụng những nền tảng kiến thức, nội dung, bao gồm video, hình ảnh và truyện tranh xây dựng được dự án “Nhà du hành mạng thông thái - The Wise Cybernaut” để tạo nên không gian tìm hiểu và thảo luận với hơn 20 bạn học sinh tại địa phương về những lợi ích của mạng Internet, một số rủi ro trên mạng thường gặp với độ tuổi của các em, giới thiệu và giải thích về nguyên tắc "Không kết bạn với người lạ" trên không gian mạng.
Những đầu sách của thư viện cộng đồng do Đức Anh và Thanh Hiền thành lập. |
Ngoài ra, nhóm dự án cũng đã thực hiện thêm ba buổi học tiếng Anh giao tiếp về các chủ đề như là giới thiệu bản thân, các quốc gia trên thế giới, và thói quen hàng ngày cho những các em học sinh nông thôn tại đây.
Những trải nghiệm hiện thực
Thông qua chuyến đi tình nguyện này, nhóm dự án nhận thấy rằng các bạn học sinh tại khu vực Gia Bắc rất hiếu động và ham học hỏi nhưng các em chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận với trang thiết bị công nghệ để bổ trợ cho quá trình học tập, đặc biệt là sự tự học, các em chưa được tiếp cận với nhiều thông tin về các cơ hội học tập và nghề nghiệp để phát triển bản thân trong tương lai.
Phạm Nguyễn Đức Anh (cựu sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, thành viên dự án) chia sẻ: “Trải nghiệm lần này đã cho mình hiểu thêm về triết lý giáo dục mà thư viện đang theo đuổi; những khó khăn thực tế khi sáng lập, quản lý và điều hành một thư viện cộng đồng ở khu vực vùng sâu vùng xa; và những thay đổi tích cực mà thư viện cộng đồng EVG đã mang lại cho sự học và cuộc sống của các em học sinh người K’ho”.
Đức Anh đang chia sẻ kiến thức tiếng Anh bổ ích cho các em học sinh nơi đây. |
Chị Nguyễn Thanh Hiền (cựu sinh viên khoa Kinh tế Môi trường, trường ĐH Tài Nguyên và Môi Trường TP. HCM, thành viên còn lại của dự án) chia sẻ thêm: “Mình hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa các bạn tình nguyện viên biết đến mô hình thư viện EVG tại Gia Bắc và Trà Vinh, và sẽ đóng góp thời gian đến với các thư viện này để mang lại thêm nhiều tiếng cười và tri thức cho các bạn học sinh địa phương, và mong mô hình thư viện cộng đồng này sẽ được nhân rộng ở các vùng nông thôn khác nữa”.
Thư viện cộng đồng EVG Gia Bắc đặt tại thôn Ka Sá, xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Gia Bắc là một xã vùng xa rất khó khăn nằm biệt lập tại một ngọn núi với trên 3.000 người, 97% là người dân tộc K’ho với điều kiện sống và tiếp cận giáo dục còn hạn chế. Thư viện bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2020 theo mô hình của thư viện cộng đồng EVG tại Phong Thạnh (Trà Vinh).