Lê Thanh Truyền quê ở thôn Trường An, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, phải sống trong một gia đình hạnh phúc không trọn vẹn khi mẹ bỏ đi, cha bệnh nặng và có em trai mắc chứng bệnh trầm cảm. Đang trong tuổi ăn, tuổi học, Tuyền phải trở thành lao động chính trong gia đình.
Năm lớp 11, cha anh qua đời. Từ đó, trong căn nhà lụp xụp chỉ còn hai anh em. Mỗi buổi sáng, anh phải dậy cho bò ăn, lo cho em đến trường. Ngoài giờ đến trường, anh tranh thủ đi làm thuê, về nhà thì phải làm việc nhà, chăm sóc cho đàn heo, đàn gà để bán có thêm thu nhập. “Gia đình mình từ ông bà, rồi đến ba đều đã khổ rồi, giờ mình không muốn mình lại nghèo khổ mãi như vậy nữa. Mình phải phấn đấu vươn lên để thoát khỏi sự nghèo khổ. Khó khăn rồi sẽ qua đi, chỉ có nỗ lực phấn đấu mỗi ngày để có một cuộc sống tốt đẹp mà mình mơ ước là ước muốn cháy bỏng của mình”, Truyền chia sẻ
Nuôi trong mình mơ ước thoát nghèo, Tuyền quyết tâm trở thành bác sĩ. Năm 2015, Truyền đã đạt 24,25 điểm và trúng tuyển vào ngành Y học dự phòng của trường ĐH Y Dược TP. HCM, anh là một trong số ít học sinh của trường THPT Số 1 Đức Phổ đạt được điều đó.
Lê Thanh Truyền luôn lạc quan trong cuộc sống và nỗ lực vươn lên trong học tập và công việc. |
Mang theo em trai lên vào Sài Gòn, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, Truyền hạn chế những khoản chi hay mua sắm không cần thiết. Anh đưa định mức chi tiêu cho mỗi tuần được dùng số tiền bao nhiêu, và ghi chép trong sổ theo một thói quen từ THPT.
Chàng sinh viên trường Y làm bất cứ việc gì được thuê, từ việc làm gia sư, phục vụ nhà hàng đến chạy xe ôm… anh đều nhận hết. Tuy phải làm nhiều đầu việc trang trải cuộc sống, nhưng anh không bao giờ quên nhiệm vụ chính là học tập. Nhờ thành tích xuất sắc, Truyền nhận được nhiều học bổng của Thành Đoàn TP. HCM, cùng nhiều tổ chức khác.
Gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Truyền luôn hết mình trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như hiến máu tình nguyện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Truyền đã tích cực tham gia hỗ trợ các F0 đang điều trị tại nhà. Anh không chỉ đưa thuốc tới tận nhà bệnh nhân, mà còn tận tình hướng dẫn cách sử dụng. Ngoài ra, anh còn là trưởng ban cố vấn của nhóm Học sinh, sinh viên Đức Phổ -chuyên giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Thanh Truyền chọn cho mình ngã rẽ riêng sau khi học xong tại trường ĐH Y Dược TP. HCM. |
Sau nhiều năm cố gắng, hiện anh đang làm quản lý tại YoungMed – cửa hàng kinh doanh về thời trang y tế cung cấp áo blouse, scrubs đồ mổ, sách y khoa... Tạo lập và phát triển thương hiện áo blouse là giấc mơ ấp ủ từ rất lâu của anh. Tuy học bác sĩ nhưng Truyền lại có niềm yêu thích kinh doanh trong lĩnh vực y tế. Một hướng đi hoàn toàn khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa, cùng khóa.
Thanh Truyền (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. |
“Mình lựa chọn dòng sản phẩm y tế để kinh doanh vì sự khác biệt và đặc thù của nó. Blouse thì chỉ người trong ngành Y mới đủ sự am hiểu và tinh tế để thiết kế, xây dựng và sản xuất. Nên sự cạnh tranh không quá khốc liệt và quy mô thị trường còn khiêm tốn. Với tệp khách hàng là những đồng nghiệp, bác sĩ, điều dưỡng… họ công tác trong ngành Y nên trình độ kiến thức cao, là lợi thế cho mình khi chăm sóc khách hàng, đồng thời giúp mình mở rộng các mối quan hệ trong tương lai, tạo tiền đề cho sự nghiệp sau này”, anh bộc bạch.
Thanh Truyền (bên phải) nhận nhiều giấy khen về những thành tích nổi bật trong hoạt động thiện nguyện. |
Hành trình 'vượt khó xóa nghèo' đã khiến Truyền đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu: “Mỗi người sinh ra đều đối diện với hoàn cảnh mà đôi khi mình thấy rằng khó khăn, nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, khó khăn ấy lại chính là cơ hội để mình phải liên tục phấn đấu hoàn thiện và trau dồi bản thân, để đủ vững vàng trước ‘bão giông và thử thách’. Nên dù cuộc sống có như thế nào, mình cũng phải luôn nỗ lực mỗi ngày, tin tưởng vào bản thân, lắng nghe để thấu hiểu, dám nghĩ dám làm để bước tới ước mơ’.