Giải pháp ngăn chận nguy cơ phạm tội của người trẻ

Ngăn chặn nguy cơ phạm tội của người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
Ngăn chặn nguy cơ phạm tội của người trẻ
SVVN - Sáng 15/4, báo Thanh Niên đồng hành cùng Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội”.  

Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng các nhóm thanh thiếu niên hành xử kiểu côn đồ, manh nha hình thành các băng nhóm gây nguy cơ bất ổn cho xã hội, trong đó có cả một số học sinh, sinh viên tham gia và xảy ra ở ngay trong môi trường giáo dục. Không ít vụ việc đã dẫn đến hậu quả đau lòng, thậm chí gây chết người.

Những con số “biết nói”

Tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP. HCM đã báo cáo các số liệu cụ thể về thực trạng bạo lực trong giới trẻ. Ông cho biết, từ năm 2018 đến hết quý I năm 2021, toàn thành phố ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện từ cướp tài sản, trộm cắp tài sản… cho đến các hành vi đặc biệt nghiêm trọng như mua bán và tàng trữ trái phép ma túy, hiếp dâm, giết người. Các đối tượng thực hiện những hành vi đó chủ yếu là nam giới.

Điển hình trong năm 2020 vừa qua là vụ việc “Băng áo cam” chấn động xảy ra tại quán ốc Hương (Phường An Lạc A, quận Bình Tân) vào ngày 5/6/2020. Thông qua điều tra và xử lý, công an đã xác định có trên 150 đối tượng có tham gia vào sự việc này với 3 tội danh: Hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự nơi công cộng.

Ngăn chặn nguy cơ phạm tội của người trẻ ảnh 1

Rất đông các bạn trẻ đến tham dự buổi tọa đàm.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến các hành vi khôn lường trong một bộ phận người trẻ ngày nay, Thiếu tá Hùng cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên có thể xuất phát từ gia đình. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, cha mẹ bận rộn giao thiệp với các mối quan hệ xã hội nên ít có thời gian chăm sóc gia đình. Còn đối với những gia đình khó khăn, cha mẹ cũng lao vào mưu sinh, kiếm sống mà không có thời gian tìm hiểu hay chia sẻ với con cái. Vì thế, họ khó phát hiện khi con cái mình bỏ học, lêu lổng hay bị những kẻ xấu dụ dỗ. Các hoạt động sinh hoạt dành cho học sinh – sinh viên được các đoàn thể tổ chức chưa thực sự thu hút sự tham gia của các em. Trong khi đó, thời đại kỉ nguyên số mang đến sự phát triển về công nghệ nên ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống của các em là không nhỏ”.

Trải nghiệm thật đến từ người trong cuộc

Ông Đinh Minh Phương là phụ huynh của em Đinh Minh Tuấn, học sinh lớp 12A4, trường THPT Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp). Tuấn là một trong hai học sinh của trường bị bắt đi hành hung bởi một nhóm người lạ mặt ngoài trường. Ông Phương cho biết, ông vô cùng bức xúc và không ngờ rằng sự việc ấy lại xảy đến với con mình. Ông khẳng định, con trai mình và băng nhóm côn đồ kia không có xích mích gì với nhau. Băng nhóm đó chỉ muốn đánh đập, hành hung Tuấn để bắt một người khác ra mặt vì người ấy quen biết với Tuấn.

Ngăn chặn nguy cơ phạm tội của người trẻ ảnh 2

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD - ĐT TP. HCM phát biểu.

Là phụ huynh của nạn nhân, ông Phương bày tỏ: “Tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục phối hợp cùng nhà trường sớm đưa ra các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra”.

Về phía nhà trường, thầy Nguyễn Minh Trí, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đốc Binh Kiều chia sẻ: “Sự việc xảy ra cũng khiến nhà trường bất ngờ. Sau sự việc đáng tiếc này, nhà trường nhận lấy trách nhiệm và đã cố gắng nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh bằng cách tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hướng dẫn kĩ năng giao tiếp với người khác cho các em. Các em cũng cần biết chọn bạn mà chơi. Nhà trường đảm bảo chú ý đến các em khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, gia đình cũng cần kết hợp với nhà trường để nắm bắt tình hình các em ngoài giờ lên lớp".

Đánh giá thực trạng dưới góc độ tâm lý người trẻ

Là người biên soạn và giảng dạy bộ môn Kỹ năng sống “Nhận diện và đối phó với các tình huống nguy hiểm”, Tiến sĩ Tâm lý học Đào Lê Hòa An cũng đã nghiên cứu sâu về cái tôi ở giới trẻ và cách thể hiện của các bạn trẻ trên mạng xã hội.
Khi thực hiện một cuộc khảo sát hơn 20 nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường, ông bất ngờ trước hành động đứng im tại chỗ cho người khác liên tục hành hung mình của các nạn nhân ấy thay vì lựa chọn bỏ chạy. Câu trả lời đến từ việc các em sợ mang nhục khi xung quanh mình là hàng chục chiếc điện thoại đang được sử dụng để livestream. Có thể khẳng định, cái tôi và mong muốn thể hiện bản thân của các em ở lứa tuổi này là rất lớn, nhất là trên thế giới “ảo”. Cách đây rất lâu, trào lưu “Việt Nam nói là làm” cũng đã rộ lên trong giới trẻ. Hành vi của các bạn này bị chính cộng đồng mạng thúc đẩy, bức ép.

Ngăn chặn nguy cơ phạm tội của người trẻ ảnh 3

Ông Đinh Minh Phương, phụ huynh em Đinh Minh Tuấn chia sẻ về câu chuyện của con trai.

Tiếp đến, việc các mối nguy cơ nhen nhóm nhưng không được ngăn chặn, giải quyết tận gốc ngay từ đầu cũng là vấn đề đáng quan ngại. Hiện nay, các chuyên viên tâm lý được đào tạo ra trường sớm thì họ chưa đủ kinh nghiệm, kĩ năng để giải quyết các vấn đề tâm lý ở tuổi vị thành niên một cách hiệu quả nhất. Còn những người đã dày dặn kinh nghiệm thì họ cũng không đủ thời gian cho chuyện đó. Do vậy, TS Đào Lê Hòa An nhận thấy chúng ta cần tận dụng lợi ích của AI (Trí tuệ nhân tạo) để xây dựng một mạng lưới tư vấn tâm lý online – nơi tập hợp tất cả các chuyên viên tâm lý trên cả nước. Có như vậy, khi học sinh, sinh viên gặp bất cứ vấn đề gì cũng có thể được kết nối và giải đáp nhanh chóng. Thực tế, các chương trình đào tạo kĩ năng sống ở các trường học còn thiên về hình thức hay chỉ nói chung chung về lý thuyết suông. Hơn nữa, các định hướng giá trị sống của các bạn trẻ bị lệch lạc vì ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội. TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia Tâm lý học tội phạm thẳng thắn: “Chưa bao giờ mà xã hội lại có chuyện một kẻ giang hồ được tôn làm thầy. Không chỉ gia đình, nhà trường mà chính các bạn trẻ cũng cần nhìn nhận lại mình".

Kết thúc buổi tọa đàm, Nguyễn Phương Hoa (năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Khi được xem video về nạn bạo lực, mình thấy khá là sốc khi biết được những người phạm tội nằm trong độ tuổi rất trẻ, thậm chí đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Mình từng chứng kiến cảnh bạo lực học đường từ năm THCS, khi đó đã kịp thời báo nhà trường giải quyết, mà nguyên nhân mâu thuẫn chỉ là va chạm nhẹ hay nói điều khiến người kia cảm thấy không hài lòng. Giải pháp thiết thực cho vấn đề này mình nghĩ tới đó là sự linh hoạt trong các biện pháp khuyên nhủ, răn đe, giáo dục và phạt nặng. Quan trọng là phải hiểu được tâm lý cụ thể của từng đối tượng, từ đó sẽ tìm ra hình thức giải quyết phù hợp”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.