Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
Thương mại điện tử là quá trình tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại thông qua những phương tiện điện tử hiện đại, theo đó, các hoạt động giao dịch, mua bán, quảng bá được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi kinh doanh.
Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Thương mại điện tử được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực còn khá mới mẻ và đầy tiềm năng này ở Việt Nam cũng như quốc tế.
Sinh viên ngành này được trang bị khối kiến thức về kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, nắm bắt chức năng và vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh cụ thể trong giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, khai báo hải quan, thanh toán, vận tải và bảo hiểm hàng hóa.
Đặc biệt, sinh viên được trang bị kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng và chữ ký số trong quản trị mạng, bảo mật và bảo toàn thông tin.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Thương mại điện tử còn được trang bị các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng viết – tiếp thị nội dung, kỹ năng kiểm tra và phân tích dữ liệu, kỹ năng thiết kế đồ hoạ – website, kỹ năng phát triển website, kỹ năng tối ưu hoá tìm kiếm (SEO)…
Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm
Học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được học tập với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Đức, Pháp, Bỉ, Úc, Nhật Bản…
Thực hiện nguyên lý “Lấy người học là trung tâm”, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung đã và đang mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước: Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Tây Ban Nha, Bỉ, Đài Loan… và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế như: Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), SEARCA, JICA, GTZ, UNDP, Ford Foundation, AIDA, SPF… Ngoài ra, Học viện và Khoa đã, đang hình thành mạng lưới liên kết rộng khắp với các công ty nhằm tăng cường hoạt động thực hành và việc làm cho sinh viên.
Theo học tại Học viện, sinh viên được học tập trong một ngôi trường có hệ thống cơ sở vật chất khang trang với hệ thống phòng học thông minh, phòng thực hành máy tính, hệ thống thư viện, khu liên hợp thể thao và khu ký túc xá hiện đại.
Cơ hội, vị trí việc làm trong ngành Thương mại điện tử
Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử rất rộng mở do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Thương mại điện tử và sự gia tăng đầu tư kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vào loại hình “hái ra tiền” này.
Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể dễ dàng xin việc tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể làm việc tại nhiều vị trí như:
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoặc ứng dụng thương mại điện tử.
– Giảng viên giảng dạy trong lĩnh vực thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
– Nhân viên hoặc quản lý tại các công ty cung cấp giải pháp về thương mại điện tử.
– Nhân viên quản lý hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm tại các công ty phần mềm.
– Nhân viên tư vấn thiết kế các giải pháp về mạng, phát triển hệ thống thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu.
– Làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, hàng năm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Ngày hội việc làm, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Tại Ngày hội việc làm, có khoảng 4.000 đến 6.000 người tìm được việc làm.