Một lần xem Tuồng
Đúng 20 giờ, trước số nhà 64 phố Mã Mây, thanh âm của trống cổ truyền, của đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh lại ngân vang, mở màn cho đêm diễn của các diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nằm trên tuyến phố đi bộ, đông đảo người qua lại, sân khấu nhỏ ấy lúc nào cũng thu hút lượng lớn khán giả dõi xem. Có những người đã quen với lịch diễn của đoàn, cứ đến ngày, đến giờ là chủ động tới, thậm chí có khán giả đã thuộc cả câu thoại, lời hát.
Buổi diễn vào thứ 6 và Chủ Nhật hằng tuần của các diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam. |
Những buổi diễn ấy không bán vé, bất kỳ ai đi qua cũng có thể dừng chân, thưởng thức môn nghệ thuật đặc biệt này. Đó cũng chính là cách mà những người nghệ sĩ nỗ lực, cố gắng đưa hình ảnh của Tuồng đến gần hơn với quần chúng, đặc biệt là những người trẻ. Điều đáng buồn là nhiều bạn trẻ vội lắc đầu, xua tay khi nghe tới chữ “Tuồng”, nghe tiếng nhạc cụ dân tộc dù chưa một lần nghiêm túc cảm nhận nó. Đó cũng là nỗi niềm của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Hải Vân – một diễn viên gạo cội hơn 30 năm sống với nghề chia sẻ khi nói về những người trẻ tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu truyền thống. “Không riêng gì Tuồng mà Chèo hay Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay đều gặp khó khăn chung đó là sự lép vế trước những làn sóng văn hoá mới của giới trẻ. Cuộc sống ngày càng hiện đại hoá, các bạn trẻ có thể ngồi ở nhà và tìm kiếm được cả thế giới tuy vậy mà có rất ít người tìm đến môn nghệ thuật này. Ở ngay sân khấu này, tôi thấy nhiều bạn trẻ bất ngờ và thốt lên rằng tại sao bây giờ mới biết đến Tuồng và rõ ràng là chỉ một lần xem, các bạn trẻ ấy bị cuốn hút” – NSƯT Hải Vân chia sẻ.
Sân khấu dựng ngay trên đường thu hút nhiều khán giả trong nước và quốc tế. |
Như vậy, giới trẻ ngày nay là những người tiếp cận dễ dàng nhất với nghệ thuật sân khấu truyền thống khi nhiều vai diễn kinh điển, nhiều vở kịch huyền thoại đều được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật cũng đổi mới, cập nhật thông tin, lịch diễn trên nền tảng số, tuy nhiên dễ nhận thấy lượng người trẻ quan tâm còn khá khiêm tốn.
Đời sống văn hoá theo từng thời kỳ khác nhau đã tác động lớn đến nghệ thuật sân khấu truyền thống. NSƯT Hải Vân nhớ về thời đỉnh cao của Tuồng: “Những năm đầu thế kỷ 21, các loại hình phương tiện giải trí chưa bùng nổ như bây giờ, người dân ít có cơ hội được xem chúng tôi diễn và đoàn phải đi tới từng địa phương. Vé lúc nào cũng hiếm, buổi diễn luôn chật kín người. Ngày nay, dù có vô vàn cách tiếp cận nhưng đa phần người trẻ lại hời hợt với nghệ thuật truyền thống dù họ chưa một lần xem.”
Mặt nạ Tuồng – Dấu ấn riêng của nghệ thuật sân khấu Việt Nam
Tuồng hay còn gọi là hát bội, là môn nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Tuồng được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân hàng trăm năm qua mà chỉ cần nhìn vào hoá trang, trang phục của người nghệ sĩ là nhận ra ngay.
Mặt nạ tuồng – nét riêng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. |
Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, Tuồng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt trong cách hoá trang mặt nạ. Những chiếc mặt nạ tuồng do tự tay những người nghệ sĩ vẽ ra trên khuôn mặt mình với những đường nét khoẻ khoắn, màu sắc tươi mới, nét vẽ linh hoạt theo các vai diễn và mỗi diễn viên tuồng được học hoá trang và trang điểm bài bản ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Mặt nạ trong tuồng chính là linh hồn của từng nhân vật trong mỗi vở, chỉ cần nhìn vào mặt nạ là biết nhân vật ấy thiện hay ác, trung hay nịnh, tiểu nhân hay quân tử… Mặt nạ tự hoạ có tính tượng trưng cao, mang một vẻ đẹp rất riêng nhờ màu sắc và bố cục các mảng nét.
Nhìn vào cách hoá trang khuôn mặt là có thể nhìn rõ tính cách nhân vật. |
Khác với kịch Noh – một loại hình kịch nghệ truyền thống của Nhật Bản sử dụng nhiều loại mặt nạ (Nomen) làm sẵn và được diễn viên đeo lên; Tuồng mang chất riêng khi sử dụng mặt nạ do chính các nghệ sĩ tự hoạ trên khuôn mặt mình. Chia sẻ thêm về điều này, NSƯT Hải Vân nói: “Kịch Noh của Nhật Bản hay một số thể loại kịch cổ điển của các nước phương Tây sử dụng mặt nạ làm sẵn để lột tả nhân vật nhưng Tuồng chưa bao giờ dùng mặt nạ sẵn. Với diễn viên tuồng, chúng tôi biểu đạt vui, buồn, cười, khóc một cách trực tiếp, thể hiện rõ nội tâm nhân vật và nên nhớ đôi khi bản chất của một nhân vật có thể toát ra chỉ từ cái nháy mắt, nhếch mày và điều ấy mặt nạ có sẵn không thể làm được.”
Mặt nạ tuồng khi hoá trang bằng màu sắc đã thu hút người xem, nhưng khi kết hợp với biểu cảm sinh động trên gương mặt người diễn thì lại tạo ra một tác phẩm sống động vô cùng. Có thể nói mặt nạ tuồng là những tác phẩm nghệ thuật, là tài sản, di sản vô giá mà ông cha ta sáng tạo nên.
Thay đổi hướng tới người trẻ
Trước sự “lạnh nhạt” của những người trẻ, nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và Tuồng nói riêng đã có sự cách tân để hướng tới thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi. Nói về sự thay đổi, cũng theo NSƯT Hải Vân, sự thay đổi bắt nguồn từ việc đào tạo thế hệ diễn viên trẻ đến sự đổi mới trong kịch bản sao cho bám sát thời đại. Mỗi một diễn viên khi bắt đầu học đều được các thầy, cô dạy những vai mẫu, kỹ năng cơ bản như nói lối, hát, diễn…một cách thuần thục. Khi nắm vững được những nét đặc trưng của tuồng và thể hiện trọn vẹn các vai, diễn viên có thể sáng tạo thêm lối diễn mang phong cách riêng của họ, tuy nhiên vẫn phải nằm trong một khuôn khổ chung của tuồng. “Là một diễn viên tuồng, điều đầu tiên phải nắm vững đặc tính, bản chất của nhân vật và tiếp đó là thể hiện sao cho đúng với bản chất ấy. Làm sao để khi bước ra sân khấu, người diễn làm cho khán giả hiểu được ngay đâu là đào, đâu là kép, đâu là trung, là nịnh…sau đó rồi mới cần đến sự linh hoạt, sáng tạo thêm trong cách thể hiện nhân vật của nghệ sĩ, biết thức thời với thời đại” – NSƯT Hải Vân chia sẻ.
NSƯT Lê Hải Vân (bên trái) trong vở Ngũ biến. |
Theo từng giai đoạn lịch sử, Tuồng có sự phát triển ở những đề tài và ngôn ngữ mới. Nhiều đề tài, kịch bản mới bám sát đời sống xã hội để phục vụ nhu cầu của khán giả nhưng những gì thuộc về cổ điển sẽ được bảo toàn nguyên vẹn, không cách tân, không pha trộn. Ở những đề tài mới, tuy nội dung có bám sát hiện đại nhưng những nét của Tuồng phải thể hiện một cách chính xác, trọn vẹn và rõ ràng: hát lối không thể nhầm với thể loại hát khác, lối diễn múa võ của Tuồng không thể lẫn với cách diễn hiện đại.
Lối diễn đặc sắc trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội". |
Nhắc đến hai từ “Truyền thống” là nhắc đến những gì được truyền lại và nối tiếp qua nhiều thế hệ. Tuồng nói riêng và nghệ thuật sân khấu dân gian nói chung đã có sự cách tân, tuy nhiên luôn đảm bảo được sự kế thừa những giá trị cốt lõi mà ông cha ta để lại. Sự cách tân ấy có chăng là nằm trong việc phát hiện đề tài mới bám sát đời sống còn với những nét nguyên bản, đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật là thứ cần phải bảo tồn vẹn nguyên, giữ đúng bản chất.
Khán giả trẻ nghĩ gì?
Thần thái của nữ diễn viên trong vở tuồng kinh điển Hồ Nguyệt Cô hoá cáo. |
Sân khấu nhỏ của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại số 64 phố Mã Mây dựng lên với bao tâm huyết của đội ngũ cán bộ, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên khi giữ và lan toả hơi thở của tuồng, của nghệ thuật truyền thống đến nhiều thế hệ. Và những nỗ lực ấy đã thực sự truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ. Bạn Mai Phương Thuý – sinh viên K64 khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống: “Tình cờ xem một vở diễn tại phố đi bộ mà từ đó mình nên duyên với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuồng cho mình những cảm nhận sâu sắc về thế giới nội tâm nhân vật và điều mình đặc biệt yêu thích ở tuồng đó là sự tinh tế, chỉn chu trong từng chi tiết. Từng bước chân, từng động tác tay hay đơn giản là đảo mắt được các nghệ sĩ thể hiện sinh động, rõ ràng; sự tỉ mỉ ấy đã giữ chân mình lại và xem hết từ vở này qua vở khác. Từ tuồng mình bắt đầu tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống và giờ mình yêu thích thêm bộ môn Chầu văn.”
Rõ ràng, xu hướng tìm về những giá trị văn hoá cội nguồn, về nghệ thuật truyền thống đang nhen nhóm trong thế hệ trẻ. Trước sự du nhập ồ ạt văn hoá, người trẻ giờ đã tiếp cận một cách có chọn lọc và cũng đã phần nào dành sự ưu tiên cho văn hoá Việt.
Niềm tin về sự trở lại
Đã và đang có những tín hiệu tích cực của những người trẻ trong việc tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống. NSƯT Hải Vân trải lòng: “Cũng như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản, nhiều loại hình trên thế giới cũng đã gặp tình trạng như nghệ thuật sân khấu truyền thống của nước ta bây giờ nhưng rồi lại thăng hoa, bởi khi mà đất nước phát triển, cuộc sống của mỗi người được đảm bảo rồi, con người ta luôn có xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về những thứ gọi là truyền thống. Tôi tin nghệ thuật tuồng sẽ còn mãi với thời gian, nghệ thuật truyền thống sẽ không bao giờ biến mất.”
Trước dòng chảy dữ dội của nghệ thuật giải trí hiện đại với sự du nhập của nhiều loại hình mới, tuồng cũng đang cựa quậy trở lại một cách mạnh mẽ như một xu hướng văn hoá tất yếu của thời đại. Nghệ thuật sân khấu truyền thống chứa đựng bao nét đẹp văn hoá, tinh hoa của người Việt liệu, môn nghệ thuật được coi là “quốc hồn quốc tuý” của dân tộc liệu sẽ lại thăng hoa hay chỉ là đốm lửa le lói, sự trăn trở ấy đang đợi những người trẻ trả lời.