Từ kiếm công việc thời vụ
Công việc được các cửa hàng tuyển dụng nhiều vào thời điểm này là các vị trí bán hàng, bảo vệ, vận chuyển hàng theo giờ, đóng gói sản phẩm… Mức thù lao phổ biến mà sinh viên nhận được từ các đầu việc dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/giờ.
Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM cho biết, những ngày này, sinh viên tìm đến trung tâm kiếm việc ngày càng đông, nhu cầu tìm việc làm thời vụ của các bạn tăng đến 200%. Những đầu việc thu hút sinh viên là làm thêm tại quán cà phê, chạy bàn cho nhà hàng hay bán hàng cho các cửa hàng quần áo, giầy dép, thực phẩm…
Nguyễn Thu Hiền, (năm thứ ba, khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ) cho biết, do nhà ở Bình Dương nên Hiền tranh thủ kiếm việc làm thêm đến giáp Tết rồi về. “Mình mới xin được công việc làm thêm tại cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Gia Trí, Q. Bình Thạnh. Nếu làm hai ca mỗi ngày, mình kiếm được 200.000 đồng. Mình tranh thủ làm để có tiền tiêu Tết, đỡ phải xin ba mẹ”.
Đi làm thêm trong những ngày cận Tết đối với nhiều bạn sinh viên không chỉ là kiếm thêm thu nhập mà còn là dịp để học hỏi kinh nghiệm trong việc ứng xử, giao tiếp. Nhiều bạn sinh viên coi đây là môi trường để trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống trước khi ra trường.
Nguyễn Lam Phương (năm thứ ba, Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) thì thường làm thêm tại CLB Kỹ năng cho bé vào cuối tuần. Nay có lịch nghỉ Tết, Lam đã tăng cường xin làm thêm vào các ngày trong tuần. Với thế mạnh biết hoạt náo trò chơi và tính tình vui vẻ, Lam đã dễ dàng kiếm thêm được các công việc làm thêm tại khu vui chơi tại trung tâm thương mại Vincom Thảo Điền Q. 2. “Mình chủ động tìm kiếm các công việc dạng này để nâng cao thêm nghiệp vụ vì mình học chuyên ngành về Công tác thiếu nhi. Nếu làm đến cận Tết thì mình cũng kếm được hơn 4 triệu đồng, sẽ có thêm chi phí sinh hoạt ngoài Tết”.
Với những sinh viên ở lại Sài Gòn đón Tết thì lại có nhiều lựa chọn trong việc kiếm các công việc làm thêm vào những ngày này. Nguyễn Xuân Thắng (ngành Điện Công nghiệp, trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM) lại kiếm được 2 công việc làm thêm. Ban ngày, Thắng làm nhân viên trông xe cho một cửa hàng tiện lợi ngay chỗ trường của mình, còn buổi tối thì Thắng xin được làm ngủ trông quán cho một nhà hàng tại Bình Quới - Bình Thạnh. “Do mình ở Quảng Bình, gia đình cũng khó khăn, hơn nữa, vừa rồi lại bị ảnh hưởng nặng bởi bão lụt nên Tết này mình xin ba mẹ không về để tiết kiệm tiền và tranh thủ kiếm việc làm thêm. May mắn mình kiếm được công việc cả ngày và đêm. Buổi tối, chủ yếu mình ngủ trông nhà hàng chứ cũng không vất vả gì lắm. Những ngày Tết, chủ nhà hàng sẽ trả lương gấp đôi ngày thường. Mình được ghỉ cả tháng Tết nếu cố gắng làm hết thời gian này cũng kiếm được 7 - 8 triệu đồng, đủ đóng học phí cho cả học kỳ sau. Tết thì rất nhớ nhà nhưng phải cố gắng khắc phục”, Thắng phấn khởi chia sẻ.
Đến tự kinh doanh các dự án
Nhóm của Nguyễn Hồ Mạnh Khanh (cựu sinh viên trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP. HCM) thì lên hẳn một dự án kinh doanh quà tặng mùa Tết, lấy tên “Quà tặng Lễ Tết”. Nhóm Khang cung cấp giải pháp, giúp khách hàng có đa dạng lựa chọn giỏ quà theo các phong cách khác nhau. “Trước khi chạy dự án kinh doanh này, nhóm mình đã phải ra nhanh nhất một trang web trọn vẹn về cả nội dung và hình ảnh. Việc chạy đua với thời gian để kịp bán hàng Tết cũng là áp lực không nhỏ. Nhóm phải thuyết phục đối tác đến tận nơi để trao đổi về mô hình mới. Nhóm cũng phải tìm thêm CTV bán hàng để hỗ trợ mang sản phẩm chia sẻ nhiều hơn đến mọi người thông qua group chuyên bán quà Tết trên mạng xã hội, tăng lượng tương tác trên Fanpage”, Mạnh Khang, phụ trách truyền thông dự án "Quà tặng Lễ Tết" chia sẻ.
Nhóm Khang cho biết, điểm đặc biệt của những giỏ quà tết Tân Sửu 2021 mà nhóm đang bán là mẫu giỏ quà được các họa sĩ Việt thiết kế mang đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam, có thể kết hợp lồng ghép chủ đề, đặc biệt là hình ảnh hay câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp. Mỗi giỏ quà là một tác phẩm riêng biệt hàm chứa thông điệp về tình cảm gia đình, lòng tri ân thầy cô, tình thân ái với bạn bè và mối quan hệ đối tác.
Hiện tại, những đơn hàng mà người tiêu dùng yêu thích, nhóm Khang phải liên hệ với những đối tác giao hàng, có phương án bảo hiểm cho sản phẩm để đảm bảo cho khách hàng quyền lợi tốt nhất.
Nhóm của Trần Xuân Nghĩa, trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM) thì kinh doanh các mặt hàng đặc sản Tây Nguyên. Nghĩa cho biết, từ một tháng trước, nhóm Nghĩa là các bạn sinh viên quê Gia Lai và đang học tại các trường đại học thuộc khối ĐHQG TP. HCM đã lên kế hoạch kinh doanh các mặt hàng đặc sản Tây Nguyên bán cho các bạn sinh viên làm quà Tết mang về cho gia đình. “Tụi mình thành lập Fanpage, in tờ rơi rồi đến các dãy ký túc xá phát cho các bạn đăng ký. Mấy bữa nay, tụi mình cũng nhận được đơn hàng đều đặn. Với đà này, ra Tết tụi mình sẽ tiếp tục kinh doanh các mặt hàng đặc sản tiếp", Nghĩa khoe.
Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên TP. HCM khuyến cáo các bạn sinh viên: “Để tránh bị lừa, mất tiền oan trong khi đi tìm việc làm, các bạn sinh viên hãy đến với những trung tâm việc làm uy tín của thành phố. Các bạn có thể đến đấy tìm việc làm và miễn phí hoàn toàn từ khâu tư vấn về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, tư vấn về kỹ năng tham dự phỏng vấn làm sao cho hiệu quả”.
Một số trung tâm giới thiệu việc làm uy tín tại TP. HCM:
- Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM (Địa chỉ: 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP. HCM).
- Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên (1A, Nguyễn Văn Lượng, Phường 6, Quận Gò Vấp, TP. HCM).
- Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên TP. HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM).
- Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (Lô E1, Khu Công nghệ cao, Xa Lộ Hà Nội, Phường Hiệp Phú, Quận 9, TP. HCM).