Hơn hai năm qua, người dân bản Pang Cáng, xã Suối Giàng đã quá thân thuộc với hình ảnh “bà giáo Liên” trong bộ trang phục truyền thống của người Mông, lưng đeo “lu cở” (gùi), tay cầm máy tính đến lớp. Nằm giữa lưng chừng mây, ở độ cao gần 1400m, mỗi tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần, lớp học của cô Liên lại sáng đèn. Tiếng đọc bài, tiếng giảng dạy của cô trò tạo thành thanh âm rộn rã cả một vùng.
Cô giáo Chu Thị Tú Liên trên đường đến lớp. |
Lớp học của cô Tú Liên dạy ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Mông và tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được cô dạy kỹ năng sống và tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống bản địa. Đặc biệt, lớp học ấy hoàn toàn miễn phí.
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thuộc vùng 135 (vùng đặc biệt khó khăn) với 98% tổng số người dân là người dân tộc H-Mông. |
Nghe câu chuyện về cô giáo Tú Liên, tôi lập tức vượt hơn 200 cây số từ Hà Nội để đến thôn Pang Cáng với hy vọng gặp cô Liên và trải nghiệm lớp học. Từ thị xã Nghĩa Lộ đến lớp học chừng 14km, hầu hết là những cung đường đèo dốc, uốn khúc, tôi phải cố gắng đến trước năm giờ chiều bởi nếu muộn hơn, sẽ vô cùng nguy hiểm vì không có đèn đường. Khó khăn là vậy nhưng cung đường này đã trở thành con đường quen thuộc của cô Liên hai năm qua. Dù chưa gặp nhưng với những lần xe tôi ì ạch lên dốc, tôi đã thầm thán phục cô giáo này.
Tuy đường đi hiểm trở nhưng hai bên đường, cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ: những đồi chè xanh uốn nảy lộc trải dài khắp sườn đồi, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ như những chiếc gương trời, và giữa nền xanh ấy, cả một đồi hoa đào nở rộ tô thắm sắc xuân…
Đồi hoa đào bung sắc xuân giữa núi rừng Tây Bắc. |
Trời chập tối, tôi đến thôn Pang Cáng thì nhận được điện thoại của cô Liên, đầu dây bên kia là một giọng nói rất hào sảng. Cô thông báo rằng, vì là ngày Tết nên lớp học sẽ chuyển sang buổi sáng, sớm mai, cô sẽ từ thị xã lên bản sau. Và thế là tôi nghỉ lại một đêm tại Suối Giàng.
Lớp học gieo những “mầm xuân”
Tôi cuối cùng cũng gặp cô giáo Liên, vừa kịp chào hỏi, cô đã vội chuẩn bị cho giờ học. Gần 7 giờ sáng, những tia nắng đầu tiên vắt qua sườn núi, hoà vào làn sương thành từng vệt dài. Trong các thôn bản, những thanh âm rộn ràng của ngày Tết vang lên. Tôi ngồi trước cửa lớp học cùng cô giáo Liên chờ các em học sinh tới lớp.
Niềm vui đến lớp ngày Tết của học sinh “lớp học Bà Liên”. |
Con đường từ cổng thôn Pang Cáng đến lớp học dài chừng 3 cây số, băng qua những đồi chè Shan Tuyết cổ thụ. Thấp thoáng trên đoạn dốc, tôi đã thấy những đứa trẻ tíu tít rủ nhau đi học, chúng dừng ở từng nhà, nói chuyện râm ran. Ngày Tết, các em mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, đính những vòng bạc nhỏ lấp lánh. Trên tay các em cầm theo quyển vở và cả cây sáo mèo (loại sáo truyền thống của dân tộc H-Mông). Tôi hiếu kỳ, đánh đố các em rằng vừa đi vừa thổi một bản được không, thế là âm hưởng “Xuân về trên bản Mông” vang lên, theo chân các em đến lớp.
Khúc nhạc Xuân về trên bản Mông ngân vang trên đường đến trường. |
Cô Liên đứng ở cổng nhà, đón các em. Như thường lệ, học sinh của cô sẽ chào “hello teacher!” hoặc “good morning grandma!” thay vì chào bằng tiếng Việt, thói quen này được cô Liên rèn cho các em từ những ngày đầu để các em có phản xạ dùng Tiếng Anh tốt hơn.
Lớp học gồm các em từ 9 đến 13 tuổi. Dù là ngày Tết nhưng nhận được thông báo mở lớp học, hầu hết các em đều tới lớp. Cô giáo kết nối máy tính vào chiếc màn hình lớn, tìm giáo án bài giảng hôm nay. Những đứa trẻ trong lớp chia nhau trải chiếu, lấy bàn và đồ dùng học tập. Chỉ vài phút, lớp học đã ổn định. Như thường lệ, buổi học bắt đầu bằng màn múa hát, khuấy động không khí. Các em nhảy múa trên nền nhạc Family Song, vừa vận động cơ thể, vừa học tiếng Anh. Tiếng cười nói rộn vang một vùng. “Bà giáo” Liên cùng trang phục người Mông như hòa vào cùng các em nhỏ. Giữa cô trò như không hề có khoảng cách, có lẽ đó là thứ giúp lớp học “bà Liên” đông đúc những năm qua.
Lớp học bắt đầu bằng những ca khúc khởi động sôi nổi. |
Rồi cô giáo kiểm tra từ vựng đã học. Cô đọc nghĩa tiếng Việt và trò viết bằng tiếng Anh. Các em cặm cụi viết rồi thi nhau giơ bảng, mỗi lần kiểm tra đáp án là một lần “bà ơi, đúng chưa ạ!”. Cô giáo Liên không đưa ra ngay đáp án đúng và gợi ý qua các hoạt động đã học để các em nhớ dần. Tri thức được gieo mầm qua những nét viết nguệch ngoạc như thế.
Từ nhân duyên đến tình yêu con trẻ
Tranh thủ lúc các em ôn bài, tôi hỏi cô Liên về nhân duyên nào mà cô vượt đèo núi, mở lớp học, cô Liên kể: “Được tỉnh nhà giao nhiệm vụ viết cuốn sách giáo dục văn hoá địa phương, cô lên mảnh đất này trải nghiệm và tìm tư liệu văn hoá của người Mông. Trong khi tìm hiểu văn hoá địa phương, cô tiếp xúc với những đứa trẻ và thấy các em đang thiếu thốn rất nhiều, các em luôn dè dặt, các kỹ năng sống yếu kém. Đưa ra những phép tính nhỏ hay đọc những mẩu truyện ngắn, nhiều em không làm được. Ngay cả chữ Mông, dù được học trên lớp nhưng về nhà các em cũng quên hết. Đặc biệt là nhiều yếu tố văn hoá đang bị bào mòn, mất đi giá trị ban đầu. Điều đó thôi thúc cô phải làm một điều gì đó giúp các em.”
Bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. |
“Thời gian đầu, lớp học chỉ có ba em là con của công nhân hợp tác xã, sau đó, cùng với sự vận động, tuyên truyền của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, có thời điểm, lớp học lên tới 60 người. Cô phải chia lớp học theo năng lực cho phù hợp. Lớp học có rất nhiều em ham học hỏi, trải nghiệm. Mỗi lần lớp học phải nghỉ, các em thường hỏi: Bà ơi hôm nay không học ạ, con không muốn ở nhà?”
Qua lời kể của cô tôi biết thêm rằng, trong lớp học của cô Liên, nhiều em hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, có một em bị bệnh máu trắng, em Thuỳ mà tôi vừa gặp có bố đang phải chạy thận; một em đến lớp năm thì phải thay tuỷ sống, cô Liên đang gửi ngân hàng tiết kiệm và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho các em, đã có đơn vị cam kết hỗ trợ em rồi. Vì thuộc vùng 135 nên các em trong lớp đa phần đều thuộc hộ nghèo.
Mang đổi mới, sáng tạo đến bản làng
Cô giáo Tú Liên nổi tiếng trong tỉnh là một nhà giáo sáng tạo, đến Pang Cáng, cô tiếp tục dùng khả năng ấy để tạo niềm vui cho các em. Cô giáo Liên kể: “Cô phải thay đổi hình thức học liên tục để thu hút các em. Ngoài giờ trên lớp, cô tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục cho các em. Cô tổ chức cho các em thi đọc sách rồi thi kể chuyện, ai kể tốt có thưởng. Rồi cô tổ chức thi rung chuông vàng, thi làm mèn mén, quà tết… Chơi mà học, học mà chơi, các em rất thích những hoạt động như thế. Biết các em rất thích chơi lego, cô vận động các nhà tài trợ tặng lego cho các em và tổ chức cuộc thi lắp ghép, xây căn nhà mơ ước. Qua những hoạt động đó, mình biết ước mơ của các em và biết cách khích lệ các em cố gắng học tập để thực hiện ước mơ của mình.”
Kết thúc tiết học Tiếng Anh, các em chuẩn bị khèn, sáo để học văn hoá. Dưới bóng nắng đầu xuân, cô và trò cùng đến với một sân khấu nhỏ trên đỉnh đồi, cách lớp học chừng 300 mét. Sân khấu này là nơi các em được tự do thể hiện mình, mang những nét văn hoá đặc sắc của người Mông giới thiệu với du khách. Cô Liên lưu sẵn bài nhạc yêu thích của đám trẻ vào máy tính. Rồi từ chiếc loa nhỏ, tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo và cả tiếng cười của các em hoà với núi rừng. Tôi thấy cô Liên cười tươi, rạng ngời. Cô vẫn hay ghi hình đám trẻ này và “khoe” với mọi người rằng các em là học sinh lớp học bà Liên.
“Bà giáo Liên dạy các em về trà Shan Tuyết.” |
Giữa tiếng cười rộn rã của các em, cô Liên nói với tôi: “Chẳng ngờ được mấy năm trước các em là những đứa trẻ dè dặt, sợ hãi trước mọi thứ, các em chỉ biết đi tra ngô thôi, các em giờ đã tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều."
Tôi thấy trong lớp có nhiều em học rất nhanh trong đó có Vàng A Tu. A Tu năm nay 13 tuổi, là học sinh của lớp học bà Liên 2 năm nay. Tôi ấn tượng với A Tu một điều nữa là em thổi sáo mèo rất hay và đặc biệt là thần thái tự tin, phiêu theo giai điệu của em. A Tu thủ thỉ với tôi: “Từ ngày có lớp học bà Liên, chúng em thường ra đây để vui Tết. Em thấy rất vui. Ở đây em được học tiếng Anh, học nhạc cụ, học về trà và những nét văn hoá bản địa, em thấy tự tin hơn rất nhiều. Mai sau chúng em sẽ phát triển quê hương mình. Em cảm ơn bà và các thầy cô đã dạy chúng em.”
Em Vàng A Tu, học sinh lớp học “bà Liên” thổi hồn cùng cây sáo mèo truyền thống.” |
“Cô luôn tìm cách dạy sao cho cho các em hào hứng nên luôn có những tiết mục hiện đại kết hợp với yếu tố văn hoá bản địa bởi nếu gò bó quá các em sẽ không thích. Cô còn kết nối với các trường học, những địa phương khác để các em có cơ hội giao lưu, tự tin và trưởng thành hơn và đặc biệt là tự hào về những nét văn hoá độc đáo của mình” – Cô Liên chia sẻ.
Lớp học ngày Tết kết thúc bằng việc thưởng trà, điều này cũng không quá xa lạ với các em. Cô Liên dạy các em phân biệt các loại trà, dạy về văn hoá uống trà bởi cây trà Shan Tuyết vốn gắn liền với đời sống con người Suối Giàng, Yên Bái bao đời nay. Cô Liên nói với tôi rằng, dạy cho các em về Trà, trước tiên, các em có thể phụ giúp gia đình mình. Xa hơn, hiểu giá trị của trà để các em tự hào về quê hương và có thể phát triển ở chính quê hương mình.
Lớp học ngày xuân kết thúc trong niềm hân hoan, các em nhỏ tặng tôi những lá trà tự hái. Tôi cùng cô Liên trở về lớp học, giờ cũng là căn nhà của cô. Dọc đường đi, nhiều người dân vẫy tay chào “bà Liên” và tranh thủ “mời bà ăn Tết”. Tôi lại hỏi cô Liên về những ngày đầu đến với Suối Giàng.
“Sự trưởng thành của trò là món quà ý nghĩa nhất đối với cô”
“Những ngày đầu đến Suối Giàng cũng là những ngày khó khăn nhất, từ một vùng hoang sơ, cô cho san đồi và chỗ đất trống, cô dựng lên một chiếc phòng để cho các em nhỏ học vào buổi tối. Thương mẹ, các con của cô không đồng ý cho mẹ đi.”
Đoạn đường từ thị xã Nghĩa Lộ đến bản Pang Cáng dài khoảng 14km với hơn 12km là đường đèo dốc cheo leo. Đêm xuống, đoạn đèo hoàn toàn không có đèn, chưa kể đến khi thời tiết khắc nghiệt. Cô Liên lên đây vào thứ sáu hằng tuần, có thời điểm cô phải sáng đi tối về khi ngôi nhà còn đang xây dựng.
Chia sẻ về những khó khăn khi bám lớp nơi rẻo cao Tây Bắc, cô Liên tâm sự: “Tôi thấu hiểu những khó khăn của các thầy cô giáo đang bám bản, mang con chữ, mang tri thức đến với người đồng bào. Cuộc sống thôn bản khó khăn, phụ huynh gần như không quan tâm gì đến con cái nên vận động đi họp phụ huynh cũng đã khó. Mưa dầm thấm lâu, cô muốn thông qua các hoạt động của lớp học để thay đổi nhận thức của người dân. Cô lập nhóm hội phụ huynh và thông báo trên điện thoại ngày, giờ các con đi học, các con học những gì và ra về lúc nào. Nhiều phụ huynh cũng đã thay đổi, quan tâm các em nhiều hơn.
Với các em, ngày đầu đến đây, các em rất yếu về những kỹ năng sống, đơn giản như việc bảo vệ đồ của mình, đồ của người khác. Nhiều em mặc áo đi chơi, khi về thì bỏ lại, các em sợ khi thấy người lạ, ngại ngùng khi đứng trước các bạn…Cô phải dạy cho các em những kỹ năng nhỏ nhặt nhất.”
“Cô cũng phải học tiếng Mông chứ không mình dạy bên trên, ở dưới đám trẻ trêu mình lại không biết.” – Cô giáo Liên cười.
Giờ đây khi thấy các em mạnh mẽ, vững chắc hơn rất nhiều, cô cảm thấy rất vui. Các em cũng đã ý thức được truyền thống tôn sư trọng đạo, mỗi dịp lễ, các em lại trình diễn văn nghệ làm quà cho các thầy cô.”
Yêu là cho đi
Về đến lớp học, bên bếp lửa, cô Liên mời tôi chén trà Shan Tuyết. Cô thủ thỉ: “Với cô, yêu là cho đi, bởi vậy nên cô không bao giờ nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân mà chỉ nhận những đồ dùng cần thiết cho các em. Cô hy vọng các em trân trọng những tấm lòng đó, sau này các em quay về giúp đỡ địa phương, giúp đỡ được nhiều người khác.”
“Nhiều người hỏi rằng tôi được gì, tôi nói vui thế này. Nhiều vị lên đây, trên đường đi đôi khi chẳng ai biết, nhưng thấy bà Liên thì ai ai cũng chào, cũng hỏi thăm, học sinh sẽ “hello Teacher”. Tôi thấy mình rất giàu, giàu tình cảm của bà con” – Cô và tôi lại cười.
Hoàng hôn nơi rẻo cao Tây Bắc. |
Rồi trong tiết trời đầu xuân, Cô Liên chia sẻ với tôi những dự định, mong ước trong năm mới rằng Suối Giàng sẽ có một khu bảo tồn, trưng bày, bảo tồn những nét văn hoá của người Mông, sẽ có lớp dạy tin học và tiếp tục mời những giáo viên dạy trực tiếp và trực tuyến để rèn tiếng anh cho các em.
“Tâm nguyện của cô là gì?” – Tôi hỏi.
“Cô mong muốn, ít nhất có 10 em học sinh thạo tiếng Anh, nắm rõ văn hoá bản địa, cô sẽ đồng hành với các em cho đến khi xong đại học để các em quay về bản, phát triển quê hương, xây dựng đất nước.”
Hoàng hôn dần buông xuống, sương lại giăng kín Suối Giàng. Tôi lại vượt một chặng đường dài để trở về Hà Nội, và tôi biết, có một chặng đường dài hơn nơi mây vờn đỉnh núi kia, trong những “mầm xuân” của “bà Liên”, sẽ có những bông hoa nở rộ một vùng Tây Bắc.
“Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”, chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong xin chúc cho các thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục, giảng dạy một năm mới nhiều sức khoẻ, nhiệt huyết và thành công!