Cứ đam mê đi, sẽ làm được thôi
Không chỉ sinh viên các trường chuyên ngành, trong vài năm gần đây, phong trào sinh viên làm phim và sự ra đời của hàng loạt liên hoan phim sinh viên ở các trường đại học đã thổi làn gió mới vào phong trào điện ảnh. Nhiều đam mê nhưng trong lĩnh vực đặc thù như phim ảnh, sự khởi đầu nào cũng đầy trắc trở và ngần ngại.
Tốt nghiệp Đạo diễn trường ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2010, loay hoay với đủ thứ công việc liên quan đến điện ảnh, năm 2016 Lý Minh Thắng mới tự tin đứng vai trò đạo diễn cho bộ phim đầu tay mang tên Sài Gòn - Anh yêu em. Bằng tất cả say mê và mục tiêu đã ấp ủ bấy lâu, Lý Minh Thắng bắt tay vào làm đứa con tinh thần và ngay lập tức, bộ phim thành công vang dội với nhiều giải thưởng và còn được chiếu tại Sydney (Úc).
Kể lại câu chuyện đó, chàng cựu sinh viên Khoa Đạo diễn khuyến khích các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm phim: “bộ phim đầu tiên luôn là kỷ niệm đáng nhớ nhất với bất cứ người làm phim nào. Vì vậy hãy nuôi dưỡng để nó biến thành động lực cho hành trình dài phía trước. Lúc đó, như bất kỳ bạn trẻ nào bắt đầu làm phim, tôi có nhiều băn khoăn: Tôi sẽ kể câu chuyện như thế nào đây? Tôi sẽ chạm vào cảm xúc của người xem bằng cách nào? Hãy làm điều gì mà bản thân thấy thôi thúc và thuộc về mình nhất, cái gì là sở trưởng và mình hiểu nhất, luôn suy nghĩ về nó nhất. Chỉ có những thứ mình yêu thương nhất mới tạo năng lượng cho mình”.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. HCM kể: tôi bước vào điện ảnh bằng một trận… khóc đầy ấm ức ở một rạp phim tại Hà Nội. Người ta đuổi ra khỏi rạp vì chưa đủ 16 tuổi. Ngay lúc ấy tôi quyết tâm phải đi học điện ảnh bằng được, để được… xem phim miễn phí. Sau đó, tôi học Mỹ thuật tại trường Sân khấu Điện ảnh và làm công nhân trang trí cho đoàn phim sau khi tốt nghiệp. Nhưng giấc mơ điện ảnh vẫn chưa bao giờ kết thúc, tôi ấm ức và thi tuyển để du học bên Nga về mỹ thuật điện ảnh. Học xong về nước số phận đẩy đưa tôi thành… thầy giáo ở trường điện ảnh. Đầu những năm 1990, tôi vẫn thấy không ổn, vì ước mơ của mình là làm phim chứ không phải đi dạy nên xin thôi để đi làm phim. Bộ phim đầu tiên là Trang giấy trắng. Tôi làm phim khá muộn nhưng vẫn hạnh phúc vì mình đạt được ước mơ. Nếu các bạn trẻ yêu thích điện ảnh, cứ quyết tâm và đam mê đi, sẽ làm được thôi.
Bay cao như đại bàng, đừng lượn như se sẻ
Tuy nhiên, là dân “không chuyên”, rất nhiều người trẻ luôn bỡ ngỡ với hàng loạt câu hỏi: viết kịch bản và lời thoại ra sao? Làm sao để kể chuyện thật hay? Một đoàn phim kết nối với nhau thế nào để hiệu quả? Kịch bản hay hình ảnh quan trọng hơn? Hoặc thực tế như “bao nhiêu tiên để làm một bộ phim?”.
Cũng có những băn khoăn rất sinh viên: “Ở độ tuổi nào thì nên làm phim và chín muồi trong nghệ thuật?”. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Ngọc Bích đưa ra lời khuyên: Người ta chỉ tính được độ tuổi sinh học, độ tuổi nghệ thuật không đo được.
“Lúc bước vào trường sân khấu điện ảnh, tôi đã 34 tuổi, thi vào ngành đạo diễn. Các thầy đã hỏi tôi có hình dung những khó khăn và hạn chế của một đạo diễn nữ? Tôi đã thành thật trả lời mình đến đây vì muốn trở thành…biên kịch. Câu trả lời không ăn nhập gì nhưng thành thật ấy lại giúp tôi trúng tuyển”, chị kể. Theo chị: “Không có bắt đầu thì không thể biết khi nào chín muồi. Một khi bạn đã muốn làm phim, hãy cứ bắt đầu và đừng hỏi ở độ tuổi nào thì thích hợp. Hành trình đó tự khắc sẽ giúp bạn muốn làm điều gì?
Điều khiến nhiều nhà làm phim trẻ trăn trở nhất là tương lai sẽ ra sao khi sự sáng tạo luôn đối diện với môi trường điện ảnh vẫn còn nhiều khuôn khổ? PGS. TS. NGƯT Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM cho rằng hiện thực và sáng tạo là 2 mặt của chiếc lá. Sự sáng tạo giống con diều no gió, bay rất cao nhưng luôn bị buộc bởi sợi dây hiện thực ở mặt đất. Không phải ai đi cũng “nhìn”, và không phải ai nhìn cũng thấy, không phải ai thấy cũng cảm. Đạo diễn phải đặt mình vào khán giả, để thấy mình trong phim chứ không phải thấy mình trong… rạp.
Người trẻ làm phim hay lo sợ về kiểm duyệt. Nhưng nếu cứ băn khoăn cảnh này bị cắt, cảnh kia bị mổ xẻ v..v sẽ không thể làm phim. Hãy cứ tung bay trong sự sáng tạo. Bộ phim Ròm đoạt giải tại LHP Busan nhưng bị cấm chiếu tại Việt Nam đơn thuần do quy trình gửi phim dự thi không báo cáo Cục điện ảnh.
ThS. HS Phan Quân Dũng, giảng viên khoa Nghệ thuật trường ĐH Văn Lang cho rằng: “người trẻ bây giờ có đầy đủ điều kiện để làm phim. Sự phát triển công nghệ giúp các bạn dễ dàng có máy quay phim, thiết bị điện tử, phần mềm... hơn hẳn chúng tôi ngày xưa, có được cái máy nhắn tin đã ghê gớm. Nghề nào cũng vậy, cứ hỏi có tiền đâu mà làm thì chắc chắn không bao giờ làm. Cứ hết mình và thử thách đã, cứ có đam mê đã thì cái gì cũng có. Hay nói dí dỏm như Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Nếu sự sáng tạo là bầu trời thì các bạn hãy tung cánh bay thật cao, bay như sải cánh uy dũng của đại bàng chứ đừng lượn rụt rè như se sẻ”.