Nhạc kịch kiểu sinh viên

Nhạc kịch kiểu sinh viên
SVVN - “Nếu ai đó hỏi chúng mình rằng, trường bạn có điều gì ấn tượng nhất thì chúng mình sẽ không ngần ngại trả lời ngay: CLB Nhạc kịch là niềm tự hào, là điểm nhấn đáng nói nhất”, Trương Kim Nhung (khoa Ngữ văn) tự hào nói về câu lạc bộ nhạc kịch trẻ không chuyên đầu tiên dành cho sinh viên được thành lập tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM.

Đưa nhạc kịch và văn học đến với nhiều người hơn

TS Phan Thu Vân (giảng viên khoa Ngữ văn) là người đã khởi xướng thành lập CLB Nhạc kịch, trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Những năm tháng tu nghiệp tại Trung Quốc, có dịp tham dự những buổi trình diễn nhạc kịch ấn tượng của sinh viên ĐH Bắc Kinh, cô Thu Vân đã ấp ủ ý tưởng thành lập một sân chơi tương tự cho các bạn sinh viên tại trường mình.  

Ban đầu, CLB chỉ gồm một nhóm sinh viên tham gia diễn cho tiết mục văn học nước ngoài, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập khoa, với trích đoạn trong tác phẩm Những người khốn khổ. Buổi diễn thành công đã tạo thêm sự hào hứng. Từ khoảng 10 thành viên ban đầu, câu lạc bộ dần mở rộng quy mô, lên đến 40 thành viên như hiện nay. Không dừng lại ở đó, từ những tiết mục nhỏ, câu lạc bộ tổ chức hẳn các đêm diễn riêng biệt và hoành tráng. Tính đến thời điểm hiện tại, CLB Nhạc kịch trường ĐH Sư phạm TP. HCM đã có 2 đêm công diễn lớn mang tên “Đêm văn học nước ngoài”, lấy chất liệu từ các tác phẩm văn học nổi tiếng đã từng được chuyển thể như: Những người khốn khổ, diễn ra vào tháng 5/2017, hay Nhà thờ Đức Bà Paris, diễn ra vào tháng 12/2018.

Nhạc kịch kiểu sinh viên

Lê Trường Vũ (trưởng câu lạc bộ) cho biết: “Qua những buổi diễn thành công và được nhiều người biết đến như vậy, tụi mình biết đã không hoài công sức và mục đích”.  Theo Vũ, câu lạc bộ không chỉ quy tụ những bạn có chung đam mê mà hướng đến một sân chơi dành riêng cho sinh viên, đưa thể loại nhạc kịch và văn học đến với nhiều người hơn. Nhạc kịch như loại hình nghệ thuật chứa đựng sự đặc sắc rất riêng và khi kết hợp cùng văn học sẽ mang đến cho người xem những hiểu biết sâu sắc hơn về các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, dưới một dạng khác với phim hoặc sách.

Đậm chất sinh viên

Một số thành viên như Nguyễn Hài Vân, Phương Mai, hay Dương Trà Mi... dù đã tốt nghiệp, rời ghế giảng đường, tất bật với cuộc sống cơm áo nhưng vẫn quay trở lại “truyền lửa”, kinh nghiệm, tận tình hướng dẫn lớp đàn em, hoặc phụ giúp truyền thông, trang điểm, hay chuẩn bị các công việc trước đêm diễn…

Để có nguồn kinh phí hoạt động, câu lạc bộ phải đến nhiều doanh nghiệp xin tài trợ, không ít lần bị từ chối thẳng thừng nhưng các thành viên chưa bao giờ bỏ cuộc. Các thành viên còn tổ chức bán vé mức giá “sinh viên” từ 10.000 - 15.000 đồng, bán áo thun, logo hoặc móc khóa kỷ niệm đêm diễn. Để tiết kiệm, đạo cụ, phục trang, các bạn đều tự làm thủ công. Đôi khi, để khắc phục những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, còn phải dựa vào sự nhanh trí của mọi người. Quỳnh Như (thành viên câu lạc bộ) kể: “đêm diễn Những người khốn khổ khi sắp tới đoạn nhân vật Eponine của mình ra sân khấu hát thì gặp vấn đề về kỸ thuật với micro, may mắn có bạn Trường Vũ nhanh trí đứng trong cánh gà giả giọng nữ để hát đỡ cho mình hai câu đầu, trước khi sự cố được khắc phục để mình có thể diễn bình thường”…

Lê Trường Vũ cho biết, kịch đã khó, nhạc kịch càng khó và đòi hỏi nhiều thứ hơn. Các thầy cô bên cạnh việc đóng góp ý kiến còn giúp đỡ câu lạc bộ viết kịch bản, xây dựng kịch, hoặc cho mượn những bản phối thanh từ nước ngoài để dịch sang lời Việt. Các thành viên phải viết lại lời để ghép nhạc sao cho thật hoàn hảo… Bên cạnh đó, việc “lệch giờ” học và thiếu không gian diễn tập đủ rộng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của câu lạc bộ. Không ít lần nhóm phải dựng cảnh ngoài công viên đến tận tối mịt để xử lý xong một phân đoạn khó. Nhưng vượt qua tất cả, các thành viên đều cho rằng, chưa bao giờ các bạn nản chí hay lụi tắt đam mê trong nỗ lực đem lại những đêm diễn ấn tượng, phục vụ sinh viên, thầy cô và công chúng yêu nhạc kịch.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).