“Sau khi kế hoạch khởi nghiệp với chuỗi bán nước mía thất bại, tôi làm một công việc văn phòng và cuối tuần đi phượt ở các vùng núi phía Bắc. Những chuyến đi đã khiến tôi muốn lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong hành trình của mình, tôi tích góp mua lại một chiếc máy ảnh cũ. Và cũng từ đây, tôi bén duyên với nghề ảnh…”, Nguyễn Văn Hùng, 32 tuổi, chủ tiệm ảnh Thanh Xuân tâm sự.
Thợ chụp ảnh dạo
Năm 2013, chiếc máy cũ có giá 8 triệu đồng được Cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng, Học viện Ngân hàng mua lại với mục tiêu ban đầu là ghi lại những kỷ niệm trong hành trình chinh phục những điểm đến mới của bản thân.
“Những bức hình chụp ở Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa… đều là những khoảnh khắc trong cuộc sống bình dị của người dân, cảnh vật nơi đây. Tôi trân trọng những vẻ đẹp chân thật ấy và cất giữ mãi album khi chuyển từ Hà Nội về Bắc Giang làm kế toán cho một công ty xây dựng gần nhà, không có nhiều thời gian để đi phượt. Lâu lâu thấy chiếc máy ảnh cũ ở yên trên giá, tôi nhớ quá lại đem ra chụp phong cảnh, hình ảnh bố mẹ, người thân. Khi nhận thấy các bạn trẻ ở Bắc Giang có nhu cầu chụp hình nhiều mà chỗ tôi ở chưa có ai chụp ảnh (năm 2014), tôi nhận các đơn chụp chơi cho các em học sinh với giá từ 20.000 – 30.000 đồng”, anh kể.
Để có thể làm đẹp hơn hình ảnh cho khách, Hùng tự tìm hiểu và học hỏi trên mạng cách chỉnh sửa, dần dần các kỹ năng được nâng cao, Hùng được biết đến nhiều hơn ở lứa tuổi học trò. Các bạn nhờ người thợ đụng này đi chụp ảnh chơi, ảnh kỷ yếu. “Đơn hàng nhiều thêm vào cuối năm học, hết lớp này đến lớp khác, tôi không có đủ thời gian để nhận thêm nên quyết định nghỉ công việc văn phòng hiện tại để tiến sâu vào nghề nhiếp ảnh”, Hùng cho biết.
Làm nghề lưu giữ kỷ niệm cho các bạn học sinh khiến anh thấy thoải mái, hạnh phúc. |
Thời gian đầu theo nghề, Hùng đối mặt với nhiều khó khăn khi không có kinh phí để mua sắm đồ nghề chuyên nghiệp và không được bố mẹ không ủng hộ bởi dạo trước tôi đã từng khởi nghiệp không thành công. Anh thợ ảnh 9X đã tự xoay xở khắp nơi để có thể hoàn thiện tiệm ảnh đầu tiên của mình.
“Tôi vẫn nhớ vẻ mặt e dè của đứa bạn thân lúc tôi vay tiền, đắn đo mãi rồi nó cũng đưa cho tôi số tiền tiết kiệm đang có để tôi có thể khởi nghiệp lần nữa. Bên cạnh đó, nụ cười, sự hồn nhiên đáng yêu của các bạn học sinh khiến tôi muốn giúp các bạn lưu giữ những kỷ niệm tuổi học trò. Lúc đấy, tôi chỉ biết cố gắng thật nhiều để không phụ lòng của mọi người, ai đặt đơn ở xa, hay giá cao nhất chỉ 150.000 đồng cho một buổi chụp tại nhiều địa điểm tôi cũng nhận”, anh nói.
Sau gần 3 năm kiên trì theo đuổi để thực hiện hóa ước mơ khởi nghiệp, năm 2017, tiệm ảnh đầu tiên của Hùng chính thức được mở ra. Thời gian này, khách tìm đến Hùng rất đông, công việc chụp ảnh của anh không chỉ còn là để kiếm thêm thu nhập mà còn đem đến nguồn thu nhập ổn định.
Khách đường xa tìm đến “Chú Hùng”
Ngoài việc nhận các đơn chụp hình, Hùng còn xây dựng các kênh truyền thông trên mạng xã hội và tập trung hướng dẫn mọi người các kỹ năng chụp ảnh. Anh cho biết để có được như hôm nay là nhờ từng được học các kỹ năng miễn phí, do đó, khi có chút kinh nghiệm trong nghề, anh muốn chia sẻ đến các bạn có chung đam mê và lan tỏa, truyền động lực cho những ai có mong ước đến với nghề nhiếp ảnh.
Anh Hùng nhận được nút Bạc của YouTube khi thực hiện nhiều video hướng dẫn chụp hình ý nghĩa, được nhiều người yêu thích. |
Những video ngắn có nội dung độc đáo, cách truyền đạt vui vẻ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Chỉ trong một đêm sau sản phẩm đầu tiên, anh đã có hơn một triệu lượt xem và lượt người theo dõi tăng nhanh chóng. Và cũng từ đó, nhiều người đã liên hệ anh và bày tỏ mong muốn được theo học các khóa học bài bản về chụp hình.
“Có đôi bạn vượt gần 600 km từ Quảng Bình ra Bắc Giang, tìm đến tôi nhờ chụp hình cưới sau khi theo dõi các sản phẩm của tôi. Tôi rất bất ngờ khi điều mình làm được quan tâm và ủng hộ, đây là một cách để tôi có động lực tiếp tục và đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành của bản thân, một sự thành công trong ước muốn khởi nghiệp của mình”, anh tâm sự.
Anh Hùng đi khắp nơi để ghi lại những bức hình cho mọi người. |
Đáng chú ý, không chỉ có những hành khách vượt hàng trăm cây số ra Bắc Giang để được Hùng chụp hình mà còn có nhiều học viên từ xa đến để tham gia lớp học đào tạo của anh.
Lê Văn Long, 23 tuổi, đang sống ở Đà Lạt vừa bắt đầu hành trình đến Bắc Giang để theo đuổi khóa học do chú Hùng giảng dạy. “Em cũng có ước mơ mở được một tiệm ảnh riêng của mình ở Đà Lạt và đã tìm kiếm rất nhiều nơi dạy kỹ năng chụp, chỉnh sửa ảnh, nhưng khi theo dõi kênh 'Chú Hùng' với những đạo cụ đơn giản, hướng dẫn các clip chụp ảnh biến hóa thu hút cũng như phối màu rất đẹp, em quyết định khăn gói ra Bắc Giang để được chú truyền đạt kinh nghiệm”, Long nói.
Chàng trai Bảo Lộc cũng nhận được sự hỗ trợ học phí, chỗ ở trong thời gian tham gia khóa học. Long hy vọng, sau khi hoàn thành có thể trở về quê mở một tiệm ảnh nhỏ, kiếm ra tiền và nuôi sống bản thân bằng chính đam mê của mình.
Hiện tại, Hùng đang sở hữu kênh TikTok có hơn 1 triệu người theo dõi với hàng loạt video triệu view trên mạng xã hội. Anh còn là ông chủ của một cửa hàng áo cưới, ba tiệm ảnh ở Bắc Giang, Hà Nội và Bắc Ninh cùng một team chuyên chụp kỷ yếu với hơn 20 người phục vụ khách toàn miền Bắc.
“Thời gian tới, tôi mở thêm studio ở Hà Nội để phục vụ khách hàng, xây dựng kế hoạch trở thành nhóm chụp kỷ yếu được yêu thích nhất miền Bắc. Đặc biệt, tôi chú trọng đến chương trình đào tạo cho các bạn có đam mê chụp hình”, anh nói.