Triển khai từ tháng 4/2021, phạm vi khảo sát tại quận Tân Bình (TP. HCM), dự án hướng đến mục tiêu khảo sát mức sử dụng năng lượng của người dân từ hoạt động, hành vi thường ngày để xây dựng lên bộ cơ sở dữ liệu. Sau khi khảo sát, dựa trên những thông tin, dữ liệu thu thập được nhóm sẽ đánh giá các hành vi sử dụng năng lượng. Nhóm đưa ra tính toán về lượng phát thải CO2 từ các hoạt động thường ngày và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
Điểm khác biệt của dự án này là nhóm hướng đến kiểm kê, một đề tài khá mới và ít người thực hiện. Nhóm cho rằng, kiểm kê lượng khí thải là “gốc rễ” của quản lý chất lượng không khí. Vì vậy, nhóm hướng tới việc tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh khí thải trong quá trình hoạt động, sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, tạo nền tảng để các nhà quản lý hoặc người cần sử dụng các dữ liệu đó có thể phát triển sản phẩm hoặc tìm ra giải pháp tốt sau khi xem qua dữ liệu kiểm kê.
Dự án mong muốn giúp mọi người hiểu được và biết cách sử dụng hiệu quả năng lượng tránh phát thải gây ô nhiễm môi trường. |
Thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng một năm, gồm hai giai đoạn chính là giai đoạn thực hiện phỏng vấn khảo sát và xử lý số liệu, giai đoạn tính toán kết quả và đề xuất các giải pháp. Phạm Hùng Cường (thành viên Air For Fun) chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của dự án là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP. HCM hiện nay nên quá trình phỏng vấn, khảo sát, thu thập dữ liệu của dự án bị trì hoãn. Trong quá trình thực hiện, dự án giúp chúng mình tăng khả năng làm việc nhóm, tư duy, sắp xếp thời gian và nội dung công việc, biết thêm nhiều kiến thức mới mẻ về môi trường”.
Nhà tài trợ chính của dự án là của Quỹ AEIF và người hỗ trợ nhóm thực hiện dự án là TS. Nguyễn Lữ Phương (giảng viên trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM). Nguyễn Kiều Khanh (thành viên Air For Fun) bày tỏ: “Dự án mong muốn giúp mọi người hiểu được và biết cách sử dụng hiệu quả năng lượng tránh phát thải gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ môi trường (không khí) trở nên trong sạch và bền vững hơn”.
Để đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu này, nhóm chú trọng quá trình thu thập dữ liệu, phân tích tổng hợp, xử lý số liệu, đặc biệt là dữ liệu đầu vào. Vì thế, phần nội dung phỏng vấn và khảo sát được nhóm bàn luận và trình bày cô đọng, dễ hiểu và bám sát nội dung cần nghiên cứu để thu thập chính xác nhất. Ngoài ra, trong quá trình phân tích, xử lý, tính toán số liệu nhóm còn sử dụng các công cụ phần mềm tính toán, vẽ biểu đồ để đưa ra kết quả tin cậy như phần mềm Grapher 8, phần mềm R...
Dự định sắp tới của nhóm là mở rộng phạm vi khảo sát, nghiên cứu, xây dựng bộ dữ liệu về tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải phát sinh trên toàn thành phố, các vùng đồng bằng, vùng núi trên cả nước.
TS. Nguyễn Lữ Phương (giảng viên trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM) chia sẻ: "Nhóm Air For Fun đã có sáng kiến rất hay và hứa hẹn đạt được thành quả đánh giá được tình hình sử dụng năng lượng và phát thải CO2 của người dân thành phố. Mong rằng nhóm sẽ xây dựng được kịch bản tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho cộng đồng.