Nguyễn Công Minh chia sẻ, từ trước tới nay, đã có nhiều ứng dụng thi đấu mô phỏng luật thi đấu “Đường lên đỉnh Olympia” được sử dụng trên các mạng VLAN để tổ chức các giải đấu tự phát. Tuy nhiên, các ứng dụng này chỉ có thể tổ chức trận đấu cho 4 người chơi cùng lúc, cũng như thường chỉ nhằm mục đích ôn luyện Olympia.
"Cần có một ứng dụng cho phép tổ chức trận đấu theo format Olympia không giới hạn số người chơi cùng lúc, đồng thời tạo môi trường giao lưu tri thức phong phú. Nhưng một ứng dụng với yêu cầu cao như vậy đòi hỏi những người sáng tạo có đủ cả tinh thần và vật chất để duy trì. Anh và các bạn sinh viên yêu format cuộc thi Olympia đã sáng chế ra ứng dụng "IMIN Olympia Training (IOT)" đáp ứng những vấn đề đó", Công Minh cho biết.
Trần Nhân Kiệt, sinh viên trường ĐH Y Dược Cần Thơ đại diện nhóm trình bày dự án tại Vòng Chung kết cuộc thi Tri thức trẻ Vì giáo dục năm 2021. |
Tại "IMIN Olympia Training (IOT)", tên miền iot.chinhphucvn, người dùng có thể tham gia các trận đấu thuộc 40 giải đấu khác nhau được điều hành bởi những cộng tác viên có năng lực. Các trận đấu này không giới hạn số người chơi và luật thi đấu được biến đổi nhiều so với format Olympia gốc để phù hợp với cơ chế chấm đồng loạt nhiều người.
Mỗi người chơi sẽ có bảng điểm năng lực dựa trên số điểm đạt được trong các trận đấu. Hệ thống điểm năng lực là cơ sở sắp xếp để những người phù hợp tương tác với nhau, xây dựng bảng xếp hạng cá nhân và tập thể (ở hơn 1850 trường THCS, THPT khắp cả nước). Ngoài ra, bất kỳ lúc nào, người dùng có thể sử dụng tính năng luyện tập để cùng ba người chơi khác tham gia một trận đấu mô phỏng format Olympia với bộ đề được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng của IOT.
Nhóm tác giả cho biết, fanpage và nhóm Facebook của IOT thu hút số người theo dõi và tham gia đông đảo. Đặc biệt, IOT có đặc biệt có kênh Discord để người chơi giao lưu về mọi vấn đề.
Từ khi sáng lập ứng dụng, Nguyễn Công Minh và các thành viên trong nhóm đã định hướng xây dựng một môi trường giao lưu tri thức trong sạch. Bởi vậy, mỗi tài khoản đăng ký chơi đều phải qua xét duyệt trước khi có thể đăng nhập. Tài khoản dễ dàng bị khóa nếu có hành vi không phù hợp.
Tính đến năm 2021, sau hai năm hoạt động, IOT có hơn 10.000 tài khoản tham gia. Sân chơi trực tuyến thu hút được số lượng lớn bạn trẻ yêu tri thức trên khắp cả nước, trong đó nhiều bạn có thành tích cao, sức ảnh hưởng lớn. IOT cũng đã liên kết với 10 câu lạc bộ Olympia từ các trường THPT trên cả nước, hỗ trợ họ về nền tảng để tổ chức các cuộc thi nội bộ.
Nhóm sinh viên sáng tạo sân chơi trực tuyến giống như cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia'. |
Ngoài Nguyễn Công Minh (ĐH Công nghệ Warszawa, Ba Lan), ứng dụng còn được điều hành bởi các sinh viên: Trần Nhân Kiệt (trường ĐH Y Dược Cần Thơ), Đỗ Thị Thanh Trúc (trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), Đậu Huy Minh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Tuấn (trường ĐH Tài chính - Marketing).
Hiện tại, các thành viên điều hành dự án tự bỏ tiền túi chi trả cho các hoạt động của IOT với mong muốn cống hiến miễn phí cho cộng đồng. Sắp tới, nhóm kỳ vọng sẽ được bảo trợ pháp lý để có thể tuyển thêm nhân sự và tổ chức nhiều hoạt động, đồng thời mong được tài trợ kinh tế để dự án không bị ngắt quãng và phát triển hơn nữa.