Võ Thành Tiến cho biết, nhóm nghiên cứu gồm có Tiến và các bạn: Đoàn Nguyễn Ái Xuân (chủ nhiệm đề tài), Vương Thị Khánh Thư, Vũ Thị Vi Diệu. Bốn thành viên đều là sinh viên cùng khóa, ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, nhóm của Thành Tiến đã nung nấu dự định tìm đến các cuộc thi để phát triển bản thân, mong muốn góp sức vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Sau khi tìm kiếm rất nhiều ý tưởng, các bạn trẻ nhận thấy chủ đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện đang được nhiều người quan tâm, nên quyết định chọn đó là đề tài cho mình.
Thành Tiến nói thêm: “Cũng dựa trên mô hình tụi mình đã được học, liên quan đến mô hình nhận thức thái độ và hành vi. Chúng mình hiểu được là để có thể thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe tâm thần thì con người chúng ta phải có hiểu biết cơ bản, từ đó mới có thái độ lành mạnh và hành vi đúng đắn. Tránh việc kỳ thị những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Đề tài "Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần" đoạt giải Nhất lĩnh vực Khoa học xã hội, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, năm 2023. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ cụ thể hơn về khởi đầu của quá trình nghiên cứu này, Thành Tiến cho biết, sau khi học hết hai năm đại học, từ năm học thứ ba, các bạn trẻ bắt đầu tìm kiếm, lên kế hoạch cơ bản và bắt tay tìm hiểu sâu hơn về đề tài. “Ngay từ năm thứ nhất đại học, mình và các bạn trong nhóm đã muốn hướng đến Giải thưởng Euréka. Đặc biệt, tụi mình học ở trường ĐH Sư phạm TP. HCM, nhất là ở khoa Tâm lý học, trường và khoa đã có các đội nghiên cứu tham gia Euréka từ trước, nên tụi mình biết đến cuộc thi và đặt ra mục tiêu từ rất sớm, hy vọng sáng tạo được đề tài hay”, Thành Tiến nói.
Thành Tiến kể thêm: “Đối với đề tài có sản phẩm, tụi mình cần thực hiện hai bước. Đầu tiên là đi khảo sát, khảo sát xong phải xem nhận thức về sức khỏe tâm thần của các bạn như thế nào. Sau đó, chúng mình sẽ xử lý số liệu rồi tiến đến khảo sát lần hai, đánh giá cuốn cẩm nang có tác động và giúp các bạn nâng cao nhận thức hay không”.
Các bạn trẻ đặt tên nhóm "Quyết tâm NCKH" mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành trên chặng đường sắp tới. |
Nhóm nghiên cứu đã bỏ ra nhiều tâm sức cho quá trình làm nghiên cứu, không ngại việc di chuyển liên tục giữa nội thành và ngoại thành đi khảo sát nhằm cho ra kết quả tốt nhất. Nhớ lại ngày tháng đó, Thành Tiến cho rằng, từng khoảnh khắc đều là trải nghiệm đáng nhớ, có ý nghĩa đối với anh và các bạn. “Đường sá xa xôi, cũng có nhiều khó khăn trong việc di chuyển, nhưng lúc đến khảo sát và được lắng nghe ý kiến của các bạn, đồng thời, nhận được sự hỗ trợ, phản hồi tích cực thì tụi mình rất là vui. Các bạn tỏ ra hứng thú với đề tài, có những bạn chia sẻ với tụi mình là nhờ cuốn cẩm nang mà các bạn có thêm kiến thức, không bị khó hình dung hay khó hiểu như trước”, Tiến nói.
Gần hơn 500 ngày nỗ lực làm việc cùng nhau, không tránh khỏi những lúc xung đột, áp lực từ nhiều việc, các bạn trẻ dần học cách chia sẻ, giải quyết vấn đề, cùng hướng về mục tiêu để đi lên. Thành Tiến cảm thấy rất may mắn khi gặp được những người đồng hành chung một đích đến, họ đều là những người trẻ muốn trau dồi bản thân, hy vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho điều có ích.
Thành Tiến gửi gắm đến những bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc làm nghiên cứu một vài thông điệp: “Dưới góc độ của một người đã trải qua, mình thấy được rằng, nếu các bạn trẻ tâm huyết với một điều gì đó thì nên đặt ra kế hoạch, có cho mình mục tiêu rồi bám vào đó để phát triển. Cứ kiên định với nó thì mình tin chắc rằng sẽ thực hiện được. Song song đó, chúng ta nên tìm một nhóm có sự ăn ý trong cách làm việc và “ăn ý” cả trong các mối quan hệ xã hội...”.
Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm bạn trẻ đã giành được thành quả xứng đáng. (Ảnh: NVCC) |
Quá trình nghiên cứu còn giúp Thành Tiến rút ra được kinh nghiệm trong làm việc nhóm, đó là có mâu thuẫn thì phải xử lý kịp thời, học cách hiểu ý nhau và tôn trọng người khác. “Nghiên cứu buộc chúng ta làm việc với nhau khá lâu, nếu để dồn nén nhiều mâu thuẫn thì dễ nản chí, khó đi xa được. Nghiên cứu khoa học rất khó, nếu không có sự đoàn kết thì sản phẩm không thể hoàn thiện”, Thành Tiến bộc bạch.
Cuốn cẩm nang được các bạn trẻ đặt tên là Tầng thượng trên không dành cho đối tượng học sinh THPT. Cái tên là hình ảnh ẩn dụ cho sức khỏe tâm thần, mang kiến thức và thông tin bổ ích đến người đọc. Bên cạnh đó, còn là niềm gửi gắm từ nhóm tác giả rằng hãy bảo vệ, che chắn “tầng thượng” trong mỗi người, vì khi sức khỏe tâm thần tốt sẽ tạo nên sức khỏe toàn diện.