Trong số này, số lượng thí sinh đến từ TP. HCM cao nhất, với hơn 31.000 thí sinh; tiếp đó là Đồng Nai, Bình Định, Bình Dương...
So với Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 của năm ngoái, số thí sinh đăng ký tăng khoảng 5.000 người. Đây cũng là kỷ lục về số lượng thí sinh đăng ký dự thi, kể từ khi kỳ thi lần đầu được tổ chức vào năm 2018.
Kỳ thi đợt 1 được tổ chức vào ngày 7/4 tại 24 tỉnh, thành phố, gồm 21 địa phương như các năm trước: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu; đồng thời mở rộng thêm 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh.
Số lượng thí sinh đăng ký theo địa điểm thi. |
Tham gia thi, thí sinh sẽ làm một bài thi Đánh giá năng lực trên phiếu trả lời gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.
Số lượng thí sinh đăng ký theo địa phương. |
Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Việc tham dự Kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.
Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố sau khi kỳ thi kết thúc một tuần, dự kiến ngày 15/4. Hiện tại, có hơn 100 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài hệ thống ĐHQG TP. HCM sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực để xét tuyển.