Sau một thời gian chuẩn bị, từ nghiên cứu thông tin tư liệu cho đến những sản phẩm phát triển, dự án bảo tồn hoa văn thổ cẩm dân tộc thiểu số "Ethnicity" đã chính thức ra mắt vào đầu tháng 7/2020.
Nặng lòng với thổ cẩm Việt
18 năm sinh sống tại vùng đất Bảo Lộc, Lâm Đồng – nơi mà xung quanh là các bản làng của người dân tộc thiểu số Mạ, K’Ho, Jos Quyền (cựu học viên Arena – Multimedia) - sáng lập viên dự án "Ethnicity" chứng kiến rõ sự mai một từng ngày của di sản văn hóa hoa văn thổ cẩm của dân tộc thiểu số Việt Nam. Quyền cho biết: “Sự mai một này được hình thành bởi những thách thức của quá trình toàn cầu hóa, sự mất chất của những hoa văn thổ cẩm vì bị cách tân quá đà của công nghiệp may mặc hiện đại, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận người dùng các sản phẩm thổ cẩm, gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của những người dệt dân tộc thiểu số”.
Nhóm dự án đi khảo sát văn hoa thổ cẩm của của người dân tộc thiểu số Mạ, K’Ho (Lâm Đồng). (Ảnh: NVCC)
Dự án "Ethnicity" mong muốn tạo ra một giá trị bền vững cho cộng đồng. Nguyễn Linh (thành viên dự án) tâm sự, hằng năm, trên khắp cả nước có rất nhiều tổ chức làm công tác thiện nguyện đến khu vực vùng sâu, vùng xa để gửi tặng quà đến những hộ dân nghèo. Và khi trở lại một địa điểm trong nhiều năm liên tiếp để tổ chức công tác thiện nguyện thì vẫn thấy cái vòng luẩn quẩn túng thiếu như thể chưa có đoàn nào từng tới giúp đỡ. “Vì vậy, "Ethnicity" rất mong muốn tạo ra vòng tròn hành động bền vững. Dự án ra đời để bảo tồn, phát triển và tạo nên tính ứng dụng hợp thời đại để kích thích sự nhận biết, sự sử dụng và sự tự hào của thế hệ trẻ. Sau đó, nhóm sẽ tạo ra những chương trình trao đổi trong nước cho chính những người trẻ dân tộc thiểu số để họ có cơ hội học tập và tiếp cận sự phát triển của nhân loại, để cuối cùng, họ quay lại và phát triển vùng đất của họ, bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn những bản sắc của dân tộc họ nói riêng và của Việt Nam nói chung”, Nguyễn Linh chia sẻ.
Jos Quyền, Trưởng nhóm dự án (thứ ba, từ trái qua) chia sẻ về dự án trong lần gặp cựu Tổng thống Mỹ Obama hồi năm 2018. (Ảnh: NVCC)
Vượt qua những gian khó
Để thực hiện dự án "Ethnicity" nhóm bạn trẻ cũng gặp không ít những khó khăn. Khó khăn đầu tiên mà nhóm gặp phải là về mặt thông tin trong việc tiếp cận, nghiên cứu, tìm nguồn tài liệu tin cậy về ý nghĩa hoa văn thổ cẩm, lịch sử văn hoá những dân tộc thiểu số, sau đó đối chiếu và hệ thống lại những câu trả lời không giống nhau từ người địa phương. “Khác với việc nghiên cứu các vấn đề về tự nhiên, thường có quy luật và nguồn tài liệu dồi dào làm cơ sở, việc nghiên cứu lĩnh vực này vốn không có nhiều nguồn đề cập. Tụi mình phải thực nghiệm, khảo sát từ điều ít ỏi mình biết. Thêm nữa, khoảng cách ngôn ngữ hiểu về hoa văn bị hạn chế cũng là những khó khăn không nhỏ”, Thảo Vy (thành viên của dự án) nhớ lại.
Về mặt thiết kế, hoa văn thổ cẩm được tạo nên 100% thủ công, từ bước nhuộm màu chỉ, đến lúc dệt trên khung cửi nên hoa văn có độ chi tiết, tỉ mỉ, đòi hỏi thành viên đảm nhận công đoạn mĩ thuật hóa hoa văn thổ cẩm gốc phải bảo đảm được chất lượng thành phẩm. Bên cạnh đó, về tính phát triển và ứng dụng của hoa văn, phải giữ được nét truyền thống đan xen với xu hướng hiện đại để kích cầu sự đón nhận từ người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hiện tại, nhóm được quỹ sáng tạo trẻ Jos Foundation tài trợ nên phần nào đã giải quyết được những khó khăn ban đầu. “Dự án có nhiều điểm khác biệt so với nhiều dự án xã hội đang hoạt động tích cực trong việc nhận biết, đo lường tầm ảnh hưởng và hiệu quả trong những bước đầu, nên sự hưởng ứng đôi khi còn hạn chế, đòi hỏi đội ngũ thành viên phải luôn sáng tạo ra những cách truyền thông, thiết kế để phù hợp với thế hệ đương đại”, Diễm Hà (phụ trách mảng thiết kế) chia sẻ.
Ứng dụng vào thực tế
Sau khi hoàn thành xong thư viện hoa văn thổ cẩm của người Mạ và K’ho, nhóm đã bắt đầu kết nối với các chủ sở hữu doanh nghiệp in ấn, các nhà hàng, các quán café, các nhà thiết kế nội thất… để truyền tải xu hướng thiết kế mới dựa trên những giá trị di sản văn hóa của thổ cẩm. Điển hình như việc in hoa văn lên bookmark mà nhóm đang sở hữu để làm phần quà cho các mini game trực tuyến của dự án, hay vòng tay thổ cẩm do chính người dân tộc thiểu số tại Làng dệt thổ cẩm K’Long (Đức Trọng, Lâm Đồng) sản xuất để làm quà lưu niệm trong các chuyến đi trao đổi văn hóa…
Ứng dụng văn hoa thổ cẩm để làm các quà tặng cho các mini game trực tuyến của dự án. (Ảnh: NVCC)
Kết quả khả quan của dự án là sau 3 tháng, 8 thành viên thực hiện dự án đã cho hoạt động trên ba nền tảng xã hội: Website, Facebook, Instagram và ra mắt được 4 thư viện số. Thời gian sắp tới, nhóm dự án sẽ hoàn thiện trọn bộ thư viện số với 200 hoa văn thổ cẩm gốc được mĩ thuật hóa, với hai phiên bản dệt và pixel, 70 hoa văn phát triển với hai phiên bản vuông và đặc biệt, 30 bộ hoa văn ứng dụng và 50 bộ hình minh hoa đời sống của dân tộc thiểu số.
Hành trình đến với quốc tế
Dự án "Ethnicity" đã có cơ hội được giới thiệu, thuyết trình trước các bạn bè năm châu thông qua những chuyến đi trao đổi, tham dự hội thảo quốc tế của Jos Quyền - Trưởng dự án và các thành viên. “Các chương trình trao đổi quốc tế là nơi gieo mầm cho dự án khi quảng bá nó đến với bạn bè các nước. Ngoài ra, dự án đã tạo nên một bản sắc, một nhận diện cho của văn hoá Việt Nam với văn hoá của các nước khác”, Jos Quyền chia sẻ.
Jos Quyền, Trưởng nhóm dự án luôn tận dụng cơ hội trong các hội thảo quốc tế để giới thiệu về dự án "Ethnicity". (Ảnh: NVCC)
Ở mỗi chương trình tham gia, thành viên "Ethnicity" đều mang dự án đi để thuyết trình và mang các sản phẩm của dự án làm quà tặng và quảng bá nét đẹp văn hoá thổ cẩm này. Dự án cũng tận dụng bạn bè quốc tế để tham khảo ý kiến, chia sẻ câu chuyện và lắng nghe nhận xét của các bạn về tính khả thi của dự án khi sử dụng phương pháp bảo tồn số hoá khác hẳn so với các cách truyền thống khác. Qua đó nhóm dự án nhận được nhiều gợi ý xây dựng, phát triển và định hình được vị trí của mình không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế.
Tại một hội nghị cấp cao ASEAN về thanh niên tại Jakarta năm 2017, dự án lần đầu tiên đưa ra thông điệp: Nếu các quốc gia ASEAN cùng áp dụng cách thức và phương pháp của dự án "Ethnicity" và mỗi đất nước có một thư viện số hoá về văn hoá sẽ tạo nên một bản sắc chung của cả ASEAN và thuận tiện cho bạn bè quốc tế tìm hiểu về văn hoá của ASEAN như là một khối thống nhất.
“Nhóm mong muốn kết nối với một số trường đại học, cao đẳng trong địa bàn TP. HCM để tổ chức một “University Tour về dự án Ethnicity”, nhằm giới thiệu cho mọi người thư viện số "Ethnicity", góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với những di sản văn hóa nước nhà. Đồng thời, nhóm cũng tập trung vào việc tìm kiếm nguồn vốn để vận hành dự án, cũng như tiếp tục công cuộc thu thập, nghiên cứu và mĩ thuật hóa các hoa văn thổ cẩm của những dân tộc thiểu số của Việt Nam tiếp theo”, Jos Quyền chia sẻ.