Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng nhóm tình nguyện viên dạy tiếng Anh của Trường học Phổ cập Tân Cảng cho biết: “Nhóm cũng đã thành lập từ năm 2010. Trong một lần tình cờ, mình đi với một người bạn nước ngoài đến thăm các em ở đây, thấy các em muốn được học tiếng Anh mà không có ai dạy nên mình đã hỏi ý cô phụ trách trường và quyết định thành lập nhóm bạn tình nguyện viên chuyên dạy tiếng Anh cho các em”.
Không gian của lớp học tiếng Anh tại Trường học Phổ cập Tân Cảng.
Hiện nay, nhóm duy trì khoảng 15 tình nguyện viên, được trưởng nhóm sắp ca dạy mỗi tuần. Mỗi tiết học sẽ kéo dài từ 45 phút - 1 tiếng. Học sinh của các lớp học đa phần là con em lao động nghèo nhập cư tại khu vực Q. Bình Thạnh, không có điều kiện theo học tại các trường công. “Cứ mỗi đầu học kỳ, nhóm mình sẽ thông báo tuyển thêm tình nguyện viên. Sau đó, sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn và hỗ trợ các bạn dạy trong học kỳ. Những bạn mới thì mình phải dành một vài buổi đề hướng dẫn dạy demo, lên giáo trình cho các bạn quen dần. Các bạn quen rồi thì mình để các bạn tự sáng tạo theo cách dạy riêng của mình. Đôi lúc, các thành viên bị kẹt giờ thì sẽ đăng thông tin lên group nhờ các thành viên khác trong nhóm hỗ trợ ”, chị Tâm cho biết thêm.
Một số tình nguyện viên quốc tế cũng đến dạy tiếng Anh cho các em tại trường. (Ảnh: Thanh Tâm)
Ngoài hai bạn trẻ là nòng cốt của nhóm, các tình nguyện viên, còn lại phần đa là các bạn sinh viên đến từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. HCM. “Có tình nguyện viên gắn bó được một vài học kỳ nhưng cũng có tình nguyện viên đã gắn bó suốt 3 - 4 năm và cả khi đã ra trường vẫn quay lại dạy tiếng Anh cho các em”, chị Tâm cho hay.
Nói về kỉ niệm trong những buổi lên lớp của mình, chị Tâm nhớ lại: “Có một lần trong lúc giờ trưa, các em đang ngủ thì có một em tranh thủ không ngủ viết bài. Mình đã hỏi em “sao con không ngủ?” và em trả lời phải tranh thủ viết bài cho xong để chiều còn đi bán vé số. Nghe xong, mình không cầm được nước mắt nhưng phải quay đi vì không muốn học trò nhìn thấy. Sau lần đó, mình lại có thêm động lực để gắn bó và duy trì nhóm”.
Khâu Kim Phụng (năm thứ tư, ngành Hệ thống Thông tin, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM), một trong những giáo viên tiếng Anh mới của nhóm cho biết: “Mình được phân công dạy các em lớp 1. Đây là buổi dạy thứ sáu của mình. Trước đó, mình cũng chưa từng đi dạy thêm gì cả. Tình cờ biết được thông tin tuyển tình nguyện viên trên trang của trường nên mình đã xin dạy thử. Sau buổi đầu thì mình đã quen và thích công việc này”.
Lớp học mà Phụng đảm nhiệm có khoảng hơn 30 học sinh nhưng các bạn cũng đủ mọi lứa tuổi. Để thu hút các em học sinh, trong tiết học Phụng phải nghĩ ra nhiều trò chơi: “Các em ở đây rất thân thiện và quý thầy cô. Nhiều em rất chịu khó học và học rất nhanh. Tuy nhiên, phải kiên trì vì lớp không đồng đều về trình độ. Và mỗi buổi học mình cũng chuẩn bị những phần thưởng để tạo thêm phần hứng khởi cho các em”, Phụng chia sẻ.
Nguyễn Như Anh Thư đang hướng dẫn các em chơi trò chơi trong tiết học tiếng Anh.
Nguyễn Như Anh Thư (khoa Tài chính, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM) cũng là một trong những tình nguyện mới đứng lớp dạy tiếng Anh tại Trường học Phổ cập. Cô bạn chia sẻ: “Mình mới đứng lớp dạy được vài buổi nhưng công việc này rất thú vị. Nó giúp mình phát huy được thế mạnh hoạt náo và cũng giúp mình rèn luyện thêm về khả năng sư phạm”.
Lớp học tiếng Anh luôn đầy ắp tiếng cười giữa cô và trò.
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng lớp học Phổ cập Tân Cảng cho biết: “Trong điều kiện trường còn thiếu giáo viên thì những thầy cô là sinh viên tình nguyện hỗ trợ dạy tiếng Anh cho các em là rất quý. Mong rằng, nhóm sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài để các em có thêm điều kiện tiếp cận và được trau dồi thêm vốn tiếng Anh”.
Trường học Phổ cập Tân Cảng (P. 25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM) là ngôi trường của những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay, trường có khoảng 150 em học sinh. Đa phần các em ở đây cha mẹ không làm được giấy khai sinh và các trường học khác cũng không nhận. Ngôi trường này được thành lập từ 1999 và duy trì đến ngày nay nhờ vào sự ủng hộ và giúp đỡ của các mạnh thường quân.