Càng lớn, con người ta thường thích hoài cổ về những ngày xưa. Những ngày mà tủ lạnh, lò vi sóng,… hay tựu trung là những món đồ điện tử tiện nghi còn là thuật ngữ và là thứ vật phẩm xa xỉ với nhiều người Việt Nam. Nhưng hễ nhắc đến cái chạn bát hay gác-măng-giê thì ít nhiều ai cũng nghe, từng được biết và là đồ vật luôn hiện hữu trong nhiều gia đình.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời đại giao thoa giữa lối sống cũ và nhịp sống tân thời đang trỗi mình mạnh mẽ. Và càng may mắn hơn khi sinh ra ở nông thôn, nơi dung dưỡng và bồi đắp nên trong tôi một lối sống bình dị với những vật dụng tuy đơn giản nhưng cũng ít người biết đến ngày nay, như chiếc gác-măng-giê là một điển hình. Đâu đó trong góc bếp nhà tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh chiếc gác-măng-giê cũ sờn cho đến những năm đầu thập niên 2000, cả gia đình mới thay lại một chiếc mới và giờ thì không còn dùng đến nữa.
Cái thời nhà chưa được lát gạch bông láng bóng như bây giờ, chiếc tủ đứng đó nơi góc bếp, trên nền nhà đôi chỗ tróc xi-măng. Đứng đó nhưng cũng chẳng vững, cứ khập khiễng không thôi vì nền có được trơn tru, láng mịn bao giờ! Mẹ phải lấy dăm ba mảnh giấy gấp lại rồi lót dưới chân của chiếc tủ để nó có thể ổn định hơn. Gác-măng-giê có từ thời Pháp thuộc, dân Việt ta đã mượn chữ “Garde à manger” trong tiếng Pháp để biểu thị cho một đồ vật mà chưa từng có ở Việt Nam trước đó. Gác-măng-giê trở thành lối nói “sang” của dân thị thành bấy giờ, còn ở nông thôn nó được gọi đơn giản hơn là gác chạn hay chạn bát. Ngày nay, tùy theo từng vùng miền mà người ta có những cách gọi khác nhau, tạo nên một sự “đa thanh” nhưng vô cùng “đồng điệu” của một thứ vật phẩm những ngày xưa vọng về. Nhà tôi thì hay gọi nó là sập-băng-rê, còn bạn bè tôi trong Sài Gòn khi được hỏi về thì có người còn nói nó là gạc-con-giê (rê), gạc-măng-giê.
Đã qua lâu lắm rồi, cái thần trí của con người cũng lúc này lúc khác. Tôi chỉ mường tượng lại được đôi chút về dáng hình của chiếc gác-măng-giê đầu tiên mà gia đình tôi sử dụng. Chiếc tủ không quá cao, nhưng đối với tôi khi ấy, nó là một cái gì đó rất to lớn, khổng lồ. Chiếc tủ thật đa năng, nó đựng được tất cả mọi thứ “bếp núc” của gia đình, từ nồi niêu xoong chảo cho đến những gia vị nêm nếm thức ăn được má lọc lựa kĩ càng. Gác-măng-giê vậy mà hay, nó là “Tử cấm thành” của lũ kiến lạc bầy, của gián chuột và cả con mèo “háu ăn” nữa.
Nhắc tới mèo, hồi đó nhà tôi có nuôi một con mèo mướp. Nó ưa nhảy lên đầu tủ gác-măng-giê, đi qua đi lại vài vòng trên đó để thám thính, đợi sơ hở là “ăn vụng”. Thi thoảng thấy bóng tôi hay má đi ngang qua, nó nhanh thiệt nhanh ngả mình vờ ngủ, cái đuôi hững hờ nhẹ nhàng thả xuống che lấp cái gạc tủ. Khôn đáo để!
Tôi vẫn nhớ cái thanh âm đằm nhẹ mỗi lần mở cửa tủ, nó không phải là thứ âm thanh hiện đại, nhanh mở vội đóng như bây giờ. Đôi khi lỡ tay đóng mạnh cửa tủ, tôi cứ ngỡ tới một thứ âm thanh va mạnh, vụn vỡ trong đầu. Cũng tiếng đằm nhẹ như vậy nhưng giờ pha thêm một chút đục và nhu mì trong đó. Thứ thanh âm như nhắc khéo con người ta phải trân quý đồ vật, nó cũng như ta cũng biết đau và thể hiện ra bằng thanh âm va chạm.
Mỗi trưa đi học về, bỏ cặp xuống là tôi vội chạy ngay đến bên gác-măng-giê, mở tủ. Mùi thơm lừng của thức ăn bay ra khiến tôi ngợp. Ngợp trong cái niềm hân hoan, vui sướng thì còn gì bằng! Nghe đâu đó bên tai, tiếng “chíp chíp” nhỏ của vài chú gà con đang bới tro đằng bếp cùng tiếng cục tác, nhảy ổ của cô gà mái. Cái âm ba thôn dã cứ quần mãi trong đầu tôi, cho đến tận bây giờ, khi kể cho bạn nghe về chiếc gác-măng-giê thì tôi cũng đang lâng lâng thứ hương thơm của gỗ hòa với mùi thức ăn đạm bạc đầy chân quê!
Nhiều năm trôi qua, chiếc gác-măng-giê cũng già còm bên trong nó, lặng lẽ mà mục ruỗng. Từ ngày có tủ lạnh, thức ăn được nhà tôi cho hết vào đó. Từ lâu má đã không còn đặt xoong nồi vào trong lòng chiếc tủ nữa. Thi thoảng vì vô tình mà đặt vài món một cách “vội vã” vào đó, chiếc tủ chưa kịp ủ mùi thì thức ăn lại bị lấy ra. Nó trở nên lạnh tanh từ dạo ấy! Rồi mãi đến tận bây giờ khi nhắc đến chiếc gác-măng-giê đầu tiên nhà tôi dùng trước khi nó bị “khai tử”, tôi chỉ còn nhớ lại hình ảnh của một chiếc tủ gỗ được dựng đối diện với chiếc tủ lạnh hiện đại, tân thời!
(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)