Từ trào lưu ảo bước ra đời sống thật
Những ngày gần đây, cơn sốt "ngủ 5 ngày 5 đêm" đang bùng nổ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Hàng loạt sự kiện với hashtag #ngủ5ngày5đêm thu hút hàng nghìn lượt quan tâm và tham gia, trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của giới trẻ. Thoạt đầu, trào lưu này xuất hiện như một cách giải trí, xả stress trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít genZ đã bày tỏ mong muốn biến đây thành kế hoạch nghỉ dưỡng thực sự cho bản thân.
"Ngủ 5 ngày 5 đêm" trở thành một trong những trào lưu thu hút nhiều người trẻ. |
Nhiều bạn trẻ đã để lại những bình luận hài hước ở các trang sự kiện: "chắc chắn sẽ tham gia", "thay vì bon chen đi du lịch ở nhà bật điều hoà cho mát", "hy vọng đi ngủ ké với mấy nhóc em mà không bị đá ra khỏi phòng", "Sẽ ngủ hết mình trong 5 ngày", "Tôi gọi đấy là trân trọng cơ hội cuộc sống"…
Là một trong số Gen Z nhiệt tình ủng hộ trào lưu này, Nguyễn Thu Trang (22 tuổi, Hà Nam) cho biết sẽ dành trọn thời gian nghỉ lễ 5 ngày cho việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Thay vì những chuyến du lịch xa xôi hay tụ tập bạn bè, Trang quyết định dành trọn 5 ngày nghỉ lễ để "chữa lành" tâm hồn sau những ngày làm việc căng thẳng.
"Ban đầu nghe về trào lưu này, mình thấy khá hài hước. Nhưng sau khi suy nghĩ lại, mình nhận ra đây là cách nghỉ ngơi thực sự hiệu quả. Mình sẽ dành thời gian để ngủ nướng, đọc sách, xem phim, tập yoga,... để giải tỏa căng thẳng và nạp lại năng lượng."
Trang cho biết, sau những ngày làm việc mệt mỏi, việc được ngủ một giấc thật ngon và dành thời gian cho bản thân là điều vô cùng quan trọng. "Mình tin rằng trào lưu này sẽ giúp nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z như mình, có thể 'chữa lành' tâm hồn và lấy lại tinh thần sau những ngày tháng bận rộn", Trang khẳng định.
Vũ Lan Hương (20 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) quyết định "bỏ phố về quê" trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 để nghỉ ngơi sau chuỗi ngày dài học tập và làm việc căng thẳng. Thay vì những chuyến du lịch tốn kém hay tụ tập bạn bè, Hương lựa chọn ngủ bù như một cách hiệu quả để nạp năng lượng và lấy lại tinh thần trước khi bước vào những ngày "chạy deadline" tiếp theo.
"Học hành và làm việc liên tục khiến thời gian ngủ của mình bị hạn chế, chỉ quẩn quanh 5 tiếng mỗi ngày. Kỳ nghỉ này mình chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, ngủ nướng thoải mái để bù đắp cho những đêm thức trắng học bài và hoàn thành công việc".
Lan Hương chọn “bỏ phố về quê”, ngủ bù sau chuỗi ngày dài học tập và làm việc căng thẳng. |
Đối với Hương, về quê ngủ bù không chỉ đơn giản là lấy lại giấc ngủ mà còn là cơ hội để được tận hưởng bầu không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên và quây quần bên gia đình. "Về quê, mình được ăn những món ngon do mẹ nấu, được trò chuyện với ông bà, được hít thở bầu không khí trong lành. Tất cả những điều đó giúp mình cảm thấy thư thái và sảng khoái hơn rất nhiều", Hương tâm sự.
Cùng hòa mình vào trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm" đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội, Thu Phương (23 tuổi) khiến nhiều người thích thú khi chia sẻ trên trang cá nhân Facebook của mình rằng: "Dịp lễ này mình dự định đi Huế, nhưng mục đích chính chỉ là để... đổi chỗ ngủ".
Thu Phương đi du lịch Huế chỉ để … đổi chỗ ngủ. |
Phương cho biết, thay vì chen chúc tại những địa điểm du lịch đông đúc, cô nàng sẽ chọn một homestay yên tĩnh, thoải mái để tận hưởng những giấc ngủ ngon và nạp lại năng lượng cho bản thân.
"Mình sẽ ngủ nướng thật thoải mái, đọc sách, nghe nhạc và thưởng thức những đặc sản ở Huế. Cả năm làm việc quần quật, thật sự mình chỉ muốn kiếm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và sạc lại năng lượng", Phương chia sẻ.
Giấc ngủ của người trẻ Việt đang thật sự “đắt giá”
Theo khảo sát của trang Wakefield Research năm 2022, khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Đáng chú ý, có tới 79% người tham gia khảo sát thừa nhận không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.
Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, giấc ngủ trở thành thứ "đắt giá" mà nhiều người trẻ khao khát. Áp lực học tập, công việc cùng vô số mối bận tâm khiến genZ không có thời gian chăm lo cho bản thân, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm" bùng nổ trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là phản ánh trước thực trạng này. Đây là cách mà giới trẻ tạm gác lại mọi lo toan, dành trọn vẹn thời gian cho bản thân để “chữa lành’, nghỉ ngơi và tận hưởng những giấc ngủ trọn vẹn, bù đắp cho những đêm thức trắng học tập, làm việc.
Tuy nhiên, trào lưu này cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, không mang lại hiệu quả lâu dài. Thay vì "ngủ 5 ngày 5 đêm", điều quan trọng là cần thay đổi cách thức sinh hoạt, sắp xếp thời gian hợp lý để có một lối sống lành mạnh.
Ảnh: NVCC