Nhóm tình nguyện viên này do nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung và các cộng sự thành lập. Mỗi tuần, nhóm đều có một đợt tuyển tình nguyện viên và mỗi đợt khoảng 5 - 10 người. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên chương trình tạm ngưng một thời gian.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Là người yêu thiên nhiên và thích gần gũi với thế giới tự nhiên, Lê Ngọc Bảo Quyên (sống tại TP. HCM) luôn ước mơ được một lần tiếp cận với các bạn động vật một cách chân thật nhất. Khi vô tình biết được thông tin về chương trình “Tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã”, Quyên đã nhanh chóng sắp xếp công việc để có thể đăng ký tham gia. Cô đã gắn bó với công việc tình nguyện viên trong một tuần và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Quyên thổ lộ: “Đến bây giờ, mình luôn cảm thấy đây là quyết định vô cùng sáng suốt và cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về khoảng thời gian tham gia tình nguyện tại đây”.
Theo Bảo Quyên, việc bảo tồn thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là những người trẻ. |
Quyên và những tình nguyện viên khác đều sinh hoạt tại Hero House - ngôi nhà sàn bằng gỗ được anh Phùng Mỹ Trung và nhóm xây dựng để làm không gian sinh hoạt dành cho các bạn làm việc tại đây. Đối với Quyên, kỷ niệm đáng nhớ nhất là được tham gia chương trình “Thả thú về rừng”. Cô bày tỏ: “Mình được tận tay chăm sóc, mang các em thú từ Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập di chuyển đến rừng và trả các em về “nhà”. Đây là một hoạt động vô cùng xúc động và đáng nhớ mà mình không bao giờ quên được”.
Theo Quyên, việc bảo tồn thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là những người trẻ. Sau khi tham gia chương trình này, Quyên cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với môi trường tự nhiên. Cô cũng quan tâm đến các dự án cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên nhiều hơn. Trong tương lai, Quyên hy vọng sẽ được tham gia nhiều chương trình ý nghĩa hơn.
Sẽ tiếp tục tham gia hoạt động này
Vốn yêu thích những chương trình tình nguyện liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, Nguyễn Thị Kim Anh (sống tại TP. HCM) đã đăng ký tham gia hoạt động này từ 12/2020. Cô là một trong những người đầu tiên tham gia chương trình này và cũng là người tới Vườn quốc gia Bù Gia Mập nhiều nhất.
Bên cạnh công việc chăm sóc động vật hoang dã, Kim Anh còn được anh Phùng Mỹ Trung giao nhiệm vụ nhận những động vật mà người dân nuôi trái phép trao trả lại và đem đến trung tâm. Trước khi tham gia hoạt động này, Kim Anh từng tham gia chương trình “Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển” ở Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) trong một tuần. Cô dự định sẽ trở lại Vườn quốc gia Bù Gia Mập ngay khi điều kiện cho phép.
Kim Anh dự định sẽ trở lại Vườn quốc gia Bù Gia Mập ngay khi điều kiện cho phép. |
Nguyễn Thị Ngọc Hà (sống tại Hà Nội) tham gia hoạt động này vào tháng 1/2021 và cô đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong chuyến đi tình nguyện tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ban đầu, khi đăng ký chương trình này, Ngọc Hà cũng khá lo lắng vì việc di chuyển từ Hà Nội đến Bình Phước rất xa. Công việc chính của Hà là chăm sóc cây cối, chuẩn bị thức ăn, dọn chuồng và cho thú ăn. Các công việc này chủ yếu được thực hiện tại khu vực chăm sóc cứu hộ động vật hoang dã phía sau trạm cứu hộ.
Ngọc Hà đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong chuyến đi tình nguyện tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. |
Ngọc Hà chia sẻ: “Các động vật đang được cứu hộ tại đây chủ yếu là nạn nhân của lâm tặc hoặc được đón về từ các nơi nuôi nhốt trái phép. Trung tâm sẽ nhận “các em” về, chăm sóc, giúp hồi phục và chữa lành vết thương thể xác và tinh thần”. Sau chuyến đi này, Hà cảm thấy thật may mắn vì được gặp những con người thú vị, học được bao nhiêu điều thú vị. Lần đầu tiên, cô dám vượt qua sự sợ hãi để cầm đuôi một con rắn hay sờ vào một con trăn nặng 25 kg. Hà dự định sẽ sắp xếp thời gian để tham gia thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.