‘Nóng’ chuyện nhà trọ của sinh viên sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Hiện tại, nhiều trường đại học ở TP. HCM đã thông báo về việc giảng dạy, học tập trực tiếp sau Tết Nhâm Dần. Lúc này, các sinh viên đang bắt đầu quay lại nhà trọ cũ để dọn dẹp. Không ít bạn vẫn đang loay hoay khi phải tìm nhà trọ mới.

Lo lắng hơn cả là sinh viên năm thứ nhất của các trường đại học. Hiện nay, dù đã học hết học kỳ I nhưng Nguyễn Duy Tâm (năm thứ nhất, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) vẫn đang ở Trà Vinh học online và chưa đến TP. HCM để tìm nơi ở. Khi nhận được thông báo quay lại học trực tiếp vào ngày 14/2 tới đây, Duy Tâm tỏ ra rất háo hức nhưng không khỏi lo lắng. Tâm bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên mà mình tìm trọ trên thành phố nên không nắm được giá thuê có phù hợp hay chưa, mình cũng không biết được chỗ trọ của mình có thật sự an ninh và sạch sẽ như người chủ đã tư vấn hay không. Mình ưu tiên lựa chọn chỗ trọ được nhiều anh, chị khóa trên gợi ý, hoặc những chỗ không yêu cầu tiền cọc quá cao, như thế nếu không phù hợp thì mình có thể sẵn sàng đi tìm chỗ mới”.

‘Nóng’ chuyện nhà trọ của sinh viên sau Tết ảnh 1

Đang chuẩn bị cho việc học trực tiếp nhiều bạn trẻ vẫn đang loay hoay tìm nhà trọ.

Theo Duy Tâm chia sẻ thì việc quyết định ở trọ ngay từ năm thứ nhất sẽ giúp cậu được thoải mái nấu ăn, tiết kiệm được kha khá chi phí thay vì phải luôn đi ăn bên ngoài quán. Ngoài ra, thuê phòng trọ ở sẽ giúp Duy Tâm chủ động được giờ giấc, điều này tiện lợi khi đi làm thêm hoặc đi học về khuya.

‘Nóng’ chuyện nhà trọ của sinh viên sau Tết ảnh 2

Là tân sinh viên nên Nguyễn Duy Tâm đang rất lo lắng khi tìm trọ tại TP. HCM.

Nguyễn Thị Thảo Vân (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cũng đã nhận được thông báo đi học trở lại từ ngày 14/2. Thảo Vân đang tất bật chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng trở lại TP. HCM học tập trực tiếp nhưng điều làm cô trăn trở nhất hiện nay đó là việc tìm nhà trọ. “Trước khi về quê để học online thì mình ở tại KTX ĐHQG TP. HCM. Thời điểm đó mình chưa có ý định sẽ rời ký túc xá, nhưng hiện tại bản thân mình đã là sinh viên năm ba và sắp đi thực tập nên mình muốn ra ngoài sống để tìm không gian mới, đồng thời cũng rèn luyện được tính tự lập hơn, điều này cũng thuận tiện cho việc đi thực tập của mình trong tương lai”, Thảo Vân chia sẻ.

Vân cho biết vì tình hình dịch bệnh gần đây không thể đi lại trực tiếp nên đa phần cô tìm nhà trọ thông qua các group sinh viên trên Facebook và các ứng dụng tìm phòng. Sau đó, Vân sẽ liên hệ để tham khảo giá phòng cùng các khoản chi phí khác, nếu phù hợp thì cô sẽ đi đến xem phòng và đặt cọc. Những tiêu chí mà Thảo Vân thường đặt ra khi tìm phòng là phải sạch sẽ, giá cả hợp lý, thuận tiện cho việc đến trường, vì là sinh viên nên vấn đề an ninh cũng được cô rất quan tâm. Hiện tại Vân đã tìm được một căn phòng ưng ý và dự định ít ngày nữa sẽ đến xem và dọn vào ở.

‘Nóng’ chuyện nhà trọ của sinh viên sau Tết ảnh 3

Thảo Vân quyết định chuyển ra trọ để chuẩn bị khi đi thực tập sắp tới.

Dù đã tìm được phòng nhưng Thảo Vân cũng còn không ít lo lắng. Cô cho biết: “Mình chỉ được xem phòng qua ảnh mà chủ trọ gửi nên mình khá lo lắng liệu bên ngoài thực tế phòng có giống như vậy không. Trước đó, mình và bạn mình đã chốt được căn phòng ưng ý, nhưng khi lên nhận phòng thì mới biết các khoản chi phí phát sinh rất cao và chủ trọ cũng không đề cập đến khi mình trao đổi qua điện thoại nên sau đó mình đã quyết định không ở. Điều này gây ra rất nhiều bất tiện cho mình vì phải đi tìm lại trọ mới”.

Giống với Thảo Vân, Lê Hoàng Hiệp (trường ĐH Nội vụ Hà Nội - Phân hiệu tại TP. HCM) trước khi dịch bệnh bùng phát cũng từng ở ký túc xá của nhà trường, nhưng vì nhiều lý do cá nhân nên sắp tới đây Hiệp quyết định sẽ chuyển ra ngoài tìm phòng trọ để ở. Vì trường của Hiệp có lịch quay lại học trực tiếp khá muộn nên cậu cũng đang lo lắng sẽ hết phòng trọ phù hợp với những tiêu chí của mình đặt ra. “Mình cũng đang cố gắng nhờ sự giúp đỡ của những người bạn đang sống tại khu vực gần trường mình đi tham khảo phòng và đặt cọc để sắp tới khi lên học trực tiếp mình có thể dọn vào ở được ngay”, Hiệp chia sẻ thêm.

‘Nóng’ chuyện nhà trọ của sinh viên sau Tết ảnh 4

Hiệp muốn được đi làm thêm và học ngoại ngữ thuận tiện hơn nên quyết định rời ký túc xá để đi tìm trọ.

Vì ở cùng với nhiều người bạn khác nên tiêu chí đầu tiên để Hiệp chọn phòng đó là phải có diện tích đủ rộng. Đồng thời, Hiệp cũng có dự định đi học thêm ngoại ngữ vào buổi tối và đi làm thêm nên giờ giấc sinh hoạt thoải mái cũng là yếu tố mà Hiệp rất quan tâm. “Mình đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho việc lên học trực tiếp vào cuối tháng Hai này. Đặc biệt là khi được trải nghiệm ở một nơi ở mới và đồng hành cùng những người bạn mới. Mình hy vọng phòng trọ sắp tới đây mà mình sinh sống sẽ phù hợp với các tiêu chí của mình đặt ra và sẽ giúp mình học tập cũng như làm việc thật tốt”, Hiệp bộc bạch.

Ký túc xá ĐHQG TP. HCM đón sinh viên từ 13/2

Đại diện Trung tâm quản lý ký túc xá ĐHQG TP. HCM cho biết, ký túc xá sẽ tiếp nhận sinh viên từ ngày 13/2 tới đây với những bạn đã đăng ký ở ký túc xá năm học 2021 - 2022.

Theo đó sinh viên phải thực hiện khai báo y tế và đăng ký thời gian trở lại ký túc xá, số lượng người đi cùng, phương tiện di chuyển qua app Idorm SV trước 72 giờ, thông tin khai báo y tế, tình trạng sức khỏe bình thường.

Sinh viên phải tiêm vắc xin 2 mũi trở lên hoặc đã mắc và điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày, hoặc có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Người trẻ trong hành trình giữ gìn nghệ thuật múa rối nước

Người trẻ trong hành trình giữ gìn nghệ thuật múa rối nước

SVVN - Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, mang đậm hồn quê với lịch sử hàng trăm năm. Đằng sau tấm mành che, có những diễn viên trẻ vẫn hết lòng đem đến cho khán giả những giá trị văn hoá lâu đời, dung dưỡng những trái tim trẻ với ước vọng theo nghề, giữ nghiệp.
Từ giảng đường Hungary đến danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trung ương

Từ giảng đường Hungary đến danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trung ương

SVVN - Giữa hàng nghìn du học sinh Việt Nam, Lưu Hải Nam (ngành Quan hệ Quốc tế, ĐH Công giáo Pázmány Péte, Hungary) đã làm nên điều đặc biệt: Chinh phục danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trung ương. Đây không chỉ là thành tích cá nhân xuất sắc mà còn là niềm tự hào của cộng đồng du học sinh Việt trên đất châu Âu.
Thủ khoa Sư phạm Âm nhạc cùng hành trình chinh phục chứng chỉ ABRSM và lan tỏa tình yêu Piano đến người trẻ

Thủ khoa Sư phạm Âm nhạc cùng hành trình chinh phục chứng chỉ ABRSM và lan tỏa tình yêu Piano đến người trẻ

SVVN - Phạm Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1991) hiện là giáo viên dạy Piano. Cô đã ghi dấu ấn với loạt thành tích ấn tượng: Huy chương Vàng tại “Liên hoan Casio Festival” năm 2004 và 2007, thủ khoa đầu vào chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc Đại học Sài Gòn năm 2009 với hai điểm 10 tròn, và chứng chỉ ABRSM xuất sắc loại Distinction. Với trái tim yêu nghề và khát khao cống hiến, Thảo không ngừng chinh phục những cột mốc mới, lan tỏa tình yêu Piano đến thế hệ trẻ.
Miền Bắc rét kỷ lục từ đầu mùa, giới trẻ nô nức lên núi 'săn' băng giá

Miền Bắc rét kỷ lục từ đầu mùa, giới trẻ nô nức lên núi 'săn' băng giá

SVVN - Đợt rét đậm những ngày qua, với nhiệt độ xuống thấp kỷ lục đang biến miền Bắc nước ta thành một bức tranh mùa Đông tuyệt đẹp. Những bạn trẻ đam mê xê dịch không ngại cái lạnh cắt da, ùn ùn kéo nhau đến Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hay các vùng núi cao Tây Bắc để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của băng giá.