Sinh ra tại Đăk Nông nhưng phần lớn thời gian được học tập và trưởng thành ở TP. HCM, những năm tháng sinh viên, Hoài và các bạn trong khoa thực hiện nhiều đợt tình nguyện tại chính quê hương mình. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần, những con đường đất đỏ mù mịt đang chờ những trí thức trẻ trở về xây dựng, tốt nghiệp đại học, thay vì ở lại thành phố với những lời mời và công việc hấp dẫn, Hoài quyết định trở về nhà, mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương.
Trở về địa phương làm việc, sẵn trong gia đình có bố gắn bó nhiều với nông nghiệp, được đi theo bố, nhìn thấy sự vất vả của người dân khi làm nông nghiệp truyền thống “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên Hoài càng khát khao thực hiện. “May mắn mình được học hỏi và tiếp xúc với những chuyên gia, kỹ sư về nông nghiệp để hiểu thêm về nông nghiệp Việt Nam. Mình cũng được trau dồi thêm nhiều kiến thức qua các dự án nước ngoài và các dự án nhà nước hỗ địa phương khi có cơ hội tiếp cận. Nhìn thấy điều kiện tự nhiên, quỹ đất sạch và con người nơi mình sống hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm sạch có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nên mình và cộng sự đã quyết tâm triển khai dự án”, Hoài chia sẻ về cơ duyên đến với dự án nông nghiệp sạch của mình.
Hoài đang có 7 cộng sự cùng thực hiện dự án ở Đăk Nông và cả TP. HCM. Đồng thời, Hoài kết hợp với người dân địa phương để tận dụng qũy đất và nhân lực của chính các hộ nông dân để sản xuất nông sản sạch. Dự án của Hoài cũng đang triển khai trồng thí điểm một số sản phẩm lạ tại vườn nhà. Để thuận tiện cho việc giao dịch và phát triển sản phẩm dự án, Hoài và các cộng sự cũng lập công ty có trụ sở đặt tại Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP. HCM.
Hoài cho biết, tuy phát triển dự án được hơn một năm nhưng với Hoài và các cộng sự nhìn nhận thì đó mới chỉ là chập chững đi trên con đường nông nghiệp sạch nhiều chông gai. Hoài bày tỏ: “Khó khăn nhất đối với mình trong khi triển khai dự án này là việc hướng dẫn người dân thay đổi tư duy về phương pháp canh tác, tìm đầu ra cho sản phẩm với giá ổn trong bối cảnh giá nông sản bấp bênh. Mình quan niệm, tuổi trẻ là dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, kiên định mục tiêu và không có con đường thành công nào mà trải đầy hoa hồng”.
Hoài đang định hướng phát triển những loại rau củ quả lạ và có giá trị kinh tế, hàm lượng dinh dưỡng cao canh tác bằng phương pháp hữu cơ như: Dâu tây, khoai lang, ớt Peru, dưa pepino… Ngoài ra, Hoài cũng sản xuất nước ép từ các sản phẩm hoa quả sạch của dự án để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Hoài và cộng sự cũng đón nhận tin vui khi vừa nhận được hợp đồng gia công trồng trọt sản phẩm để sản phẩm vào siêu thị, cung cấp cho các shop online bán thực phẩm sạch tại TP. HCM. “Mình cũng đang tiến hành làm thương hiệu để chứng nhận sản phẩm sạch an toàn. Dự án mới bắt đầu nên nguồn hàng chưa đủ nhiều để cung cấp cho thị trường. Tụi mình đang từng bước cố gắng hoàn thiện để đưa sản phẩm sạch ra thị trường nhiều hơn. Dự án nông nghiệp sạch của mình hy vọng sẽ góp phần định hướng và dần dần hy vọng sẽ xoá bỏ phương pháp canh tác cũ của bà con, hướng đến nông nghiệp xanh, với sản phẩm an toàn”, Hoài chia sẻ.
Hoài đồng thời cũng đang làm Bí thư Huyện Đoàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Chính lợi thế hoạt động Đoàn đã cho Hoài cơ hội được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để từ đó rút tỉa những kinh nghiệm đem áp dụng và mở rộng dự án, nhằm tạo thêm việc làm cho các bạn đoàn viên, thanh niên địa phương.
Định kỳ, dự án nông nghiệp sạch của Hoài vẫn gửi thực phẩm sạch ủng hộ bếp ăn từ thiện. Bản thân Hoài khi có cơ hội cũng luôn đứng ra kêu gọi, kết nối các nguồn lực hỗ trợ địa phương, làm mới nhiều công trình vui chơi thiếu nhi, nhiều tủ sách, thư viện cho các em học sinh trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.