Thạc sĩ Đặng Thu Phương, sinh năm 1988, hiện là giảng viên ngành Thời trang và Sáng tạo, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giảng viên mê áo dài Đặng Thu Phương. |
Với ngoại hình trẻ trung, chị được nhiều sinh viên yêu quý bởi gu thời trang cá tính và việc thường xuyên mặc áo dài trong công việc lẫn cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, tất cả áo dài đều do chị tự thiết kế và may đo.
Nhân dịp Tuần lễ Áo dài 2024 và ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với giảng viên Đặng Thu Phương.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chị, để hiểu thêm nhiều góc nhìn thú vị về áo dài, cũng như cảm nhận niềm say mê bất tận của một giảng viên thiết kế với trang phục truyền thống dân tộc theo cách rất riêng.
Chào chị, ngoài công việc liên quan đến thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học, sở thích cá nhân của chị là gì?
Giống như tất cả mọi người, mình cũng có nhiều sở thích bên lề khác. Mình là một người ưa “xê dịch”, thích đi đây đi đó, thích vẽ lại những chuyến đi của bản thân, thích cặm cụi may vá, làm đồ thủ công và thích mặc áo dài vào những ngày ngẫu hứng. Thỉnh thoảng khi muốn trốn khỏi bộn bề công việc, mình đến một nơi xa và “nằm dài” trong vài ngày.
Diện áo dài khi du lịch Hà Giang. |
Là người thường xuyên diện áo dài, chị có thể cho biết chị sở hữu bao nhiêu bộ áo dài trong tủ đồ?
Trước hết, mình cần đính chính một chút về khái niệm. Áo dài mà mình mặc bao gồm các kiểu áo có tà dài. Đó có thể là áo dài tay raglan, áo năm thân tay chẽn, áo bốn thân, áo vạt dài dáng cổ yếm,… Đó không phải chiếc ngũ thân tay chẽn truyền thống và cũng không phải áo dài theo quy chuẩn trong sách dạy may.
Mặc dù có kha khá áo dài, nhưng mình chỉ có duy nhất một bộ áo dài tay raglan và thân ôm chít như cách mọi người vẫn nghĩ về áo dài truyền thống. Đó là bộ áo dài trắng nữ sinh mình mặc hồi cấp ba. Các bộ còn lại hầu như đều suông dài, có phần eo thoải mái và chất liệu tự nhiên, thân thiện với làn da người mặc.
Mình cũng chưa bao giờ đếm xem bản thân có tổng cộng bao nhiêu bộ áo, có lẽ khoảng 30-35 bộ.
Chị Thu Phương diện áo dài chụp ảnh cùng những người phụ nữ dân tộc thiểu số khác. |
Mọi người xung quanh thường phản ứng thế nào khi chị diện áo dài?
Thực tế, mọi người đều không có phản ứng gì đặc biệt. Đối với mình, áo dài không phải lúc nào cũng cần trang trọng, như áo phông, quần jean, áo sơ mi,… thôi. Tức là, nó là một trong các lựa chọn hết sức bình thường giữa muôn loại quần áo khác.
Chẳng những vậy, nơi mình công tác hiện nay, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, còn là nơi cởi mở, ủng hộ cho sự sáng tạo và đề cao tính độc đáo của từng người dạy, người học. Trong môi trường này, mình luôn được truyền cảm hứng để mặc đẹp và mặc như kỳ vọng của bản thân mỗi ngày.
Nhìn lại trong lịch sử, bản thân những chiếc áo bốn thân, năm thân cũng đã từng là trang phục mặc hàng ngày của người dân Việt khoảng đầu thế kỉ XX trở về trước.
Vì lý do toàn cầu hóa, đặc trưng về sự tiện lợi trong sinh hoạt và tiêu chuẩn thẩm mỹ đại chúng đã thay đổi. Chúng ta và nhiều dân tộc Á Đông khác mặc các loại quần áo có cấu trúc “Âu” như là thường phục và đưa các loại trang phục có cấu trúc truyền thống vào các dịp lễ, Tết.
Với mình, mình coi áo dài hay bất kì loại quần áo nào như đồ mặc bình thường mỗi ngày và mặc chúng một cách đơn giản, thoải mái. Nó trang trọng khi được may bằng chất liệu tốt, trang trí tỉ mỉ cầu kì. Nó bình dị khi may bằng chất liệu mộc mạc, kiểu dáng rộng thoáng dễ hoạt động, vậy thôi. Góc nhìn của mình về áo dài thế nào thì những người xung quanh cũng giống như mình.
Diện áo dài đi xem triển lãm và dự Hội thảo tại Huế. |
Trong điều kiện giao thông, thời tiết… tại Hà Nội, chị có gặp khó khăn nào trong việc thường xuyên mặc áo dài?
Mình không gặp khó khăn gì khi mặc áo dài thường xuyên ở Hà Nội. Các mẫu áo của mình không phải lụa là nhung gấm nên không cần phải chăm sóc quá cầu kỳ.
Bản chất vật liệu tự nhiên thường có các nếp nhăn nho nhỏ trên thân áo khi người mặc cử động. Mình chấp nhận các đặc điểm đó và coi nó như một phần tự nhiên cấu thành thẩm mỹ của trang phục, chứ không hy vọng áo lúc nào cũng láng mượt không một vết nhàu.
Ban đầu, mình tò mò không biết các cụ ngày xưa mặc áo năm thân, bốn thân với vạt dài lướt thướt mỗi ngày thì cảm giác sẽ thế nào. Nhưng từ lúc tự mình thử nghiệm sống và mặc như vậy, mình thấy cũng bình thường, không có gì khó khăn hay bất tiện.
Chỉ hơi khó một chút vào mùa đông khi phối áo dài với các loại áo khoác dáng âu. Vì sự va chạm văn hóa cũng có thể làm mình bần thần trước tủ quần áo một chút để phối được một tỷ lệ đẹp.
Diện áo dài đi ăn kem và xiên que trên phố Tràng Tiền. |
Nhắc đến áo dài, ta thường nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ truyền thống, dịu dàng và thướt tha, nhưng chị lại có vẻ ngoài cá tính. Chị nghĩ sao về điều này?
Mình nghĩ rằng nữ tính và nền nã như truyền thống cũng là một kiểu cá tính. Mặc áo dài theo cách đó rất đẹp. Dù vậy, vì sở thích cá nhân và tính chất công việc, đó không phải là lựa chọn của mình.
Mình chỉ đơn giản là muốn thử nghiệm xem nếu như không nền nã, không dịu dàng và thướt tha, thì áo dài còn có thể mặc như thế nào khác? Nó sẽ luôn luôn tồn tại trong ấn tượng về sự nữ tính truyền thống, hay có thể có những cách thể hiện đa dạng hơn, nói lên tính cách và gu thẩm mỹ đa dạng của người trẻ tuổi.
Áo dài và mùa xuân Hà Nội. |
Việc mặc áo dài có thể coi là một truyền thống của người Việt. Mấy năm trước, khi mối quan tâm về cổ phục Việt lên cao, mình thấy hashtag #Tết_này_ta_mặc_áo_dài đã cổ vũ cho việc mặc áo dài như một niềm tự hào về vẻ đẹp dân tộc trong những ngày xuân.
Nếu không phải Tết mà vẫn mặc áo dài thì sao? Trong đời sống hiện đại, áo dài có thể tồn tại ở những dạng thức nào? Các cách mặc nó có thể nói lên quan điểm thẩm mỹ và lối sống của thế hệ chúng mình hay không? Mình đã tự hỏi bản thân và đó cũng là động lực thôi thúc mình vẫn mặc áo dài hàng ngày trong cuộc sống thường nhật.
Ảnh: NVCC
Hoa ngoại nhập, gói cỡ lớn, tạo hình đẹp... sẵn sàng phục vụ khách dịp 8/3
07/03/2024
ĐH Yale quay lại hình thức tuyển sinh cũ, yêu cầu nộp kết quả bài thi chuẩn hóa từ 2025
07/03/2024