Trúc Chi đang giảng dạy bộ môn Anh văn Kỹ thuật tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM). Trước đó, cô đã hoàn thành chương trình học đại học tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM và chuẩn bị hoàn thành chương trình cao học tại khoa Ngữ văn Anh, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).
Từ đại biểu tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản...
Trúc Chi cho biết, SSEAYP là chương trình ngoại giao nhân dân có uy tín và lớn bậc nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội để các đại biểu trẻ tìm hiểu, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trong khu vực, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, nâng cao kiến thức và kỹ năng trên nhiều lĩnh vực.
Hồ Trúc Chi. (Ảnh: NVCC)
Một trong những nội dung được SSEAYP đặc biệt quan tâm là giáo dục "nền móng" để tạo nên các thay đổi tích cực trong xã hội. SSEAYP tạo cơ hội cho các đại biểu có góc nhìn thực tế về hoạt động giáo dục hiện nay tại Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Xuyên suốt hải trình, Trúc Chi và các đại biểu được đón tiếp và trò chuyện cùng đại diện Bộ Giáo dục của các nước, được chất vấn, thắc mắc hay đưa ra những đề xuất, kiến nghị thẳng thắn mang tính xây dựng. “Được gặp gỡ và trình bày trực tiếp những trăn trở với đại diện ngành Giáo dục là một cơ hội quý mà mình chỉ tìm thấy ở SSEAYP. Thông qua các hoạt động, thảo luận trên tàu, mình học được cách nhìn nhận đa chiều về văn hóa và giáo dục của mỗi nước, góp nhặt từng chút để khi về nước có thể lan tỏa, truyền cảm hứng tới các bạn học sinh, sinh viên và cộng đồng nói chung”, Trúc Chi tâm sự.
Đến Đại sứ Hòa bình
Trở thành Đại sứ Hòa bình cho chính phủ Indonesia (2019 - 2020) là hành trình đầy bất ngờ và thử thách đối với Trúc Chi. Cô đã tham gia quá trình tuyển chọn rất kỹ của Đại sứ quán Indonesia. Sau vòng Hồ sơ là vòng Phỏng vấn: “Mình được Đại sứ CH Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi trực tiếp phỏng vấn. Việc trở thành Đại sứ Hòa bình là một niềm vinh dự lớn. Trong hai năm làm Đại sứ Hòa bình, mình luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò thúc đẩy các hoạt động hòa bình, hữu nghị, văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, mình và các Đại sứ của các nước khác trong khu vực ASEAN cũng tham gia tổ chức rất nhiều hoạt động để truyền tải thông điệp về một khu vực ASEAN hữu nghị, hòa bình và vì hòa bình”, Trúc Chi chia sẻ.
Chi (thứ ba, từ trái qua) trong vai trò Đại sứ Hòa bình. (Ảnh: NVCC)
Học giỏi và đa năng
Từ khi học trung học đến khi vào đại học và học sau đại học, Trúc Chi luôn dẫn đầu lớp với những bảng thành tích học tập ấn tượng. “Thời sinh viên, mình có làm thêm nhiều công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống: Phát tờ rơi, gia sư, hay phụ việc trong nhà hàng... và cả biểu diễn múa - công việc làm thêm vẫn theo cô đến tận bây giờ.
Trúc Chi (thứ tư, từ phải sang, hàng cuối) trong vai trò Đại sứ Hòa bình cho Chính phủ Indonesia (2019 - 2020). (Ảnh: NVCC)
Được học bổng sau đại học của ĐHQG TP. HCM là một nỗ lực không mệt mỏi của Trúc Chi. Bên cạnh việc học tốt và đúng tiến độ với điểm số cao, Trúc Chi còn tham gia báo cáo và viết khá nhiều bài nghiên cứu khoa học. Hiện tại, cô đã có 5 bài báo báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín.
Tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM), giảng viên trẻ Trúc Chi được rất nhiều sinh viên yêu quý vì phong cách gần gũi, nhiệt tình, nghiêm túc mà vẫn không kém phần hài hước. Cô còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên.
Trúc Chi (ngoài cùng, phải) giao lưu với bạn bè quốt tế tại Singapore. (Ảnh: NVCC)
Trúc Chi từng đoạt nhiều giải thưởng văn nghệ như: Giải Khuyến khích cuộc thi đàn organ tại TP. HCM, Huy chương Vàng Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm - Văn nghệ - Thể thao (tổ chức tại Thái Nguyên, năm 2009), giải Nhì cuộc thi hát tiếng Anh toàn TP. HCM…
Trúc Chi tham gia dạy cho trẻ em vùng xa trong một dự án dạy học tình nguyện. (Ảnh: NVCC)
Thời gian tới, Trúc Chi dự định sẽ tiếp tục học nâng cao trình độ, thực hiện một số nghiên cứu khoa học, bên cạnh công tác giảng dạy. Bận rộn là vậy nhưng cô cho biết vẫn sẽ tham gia các chương trình tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.