Thế giới ảo, giá trị thực
Bạch Dạ Hoa Quân tên thật là Nguyễn Thị Vân Trang, sinh năm 1998, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trang là cựu sinh viên khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (trường ĐH Thương mại). Bên cạnh công việc nhân viên văn phòng, cô còn là một freelance cosplayer.
Theo đuổi Cosplay từ những năm 2014 - 2015, những nhân vật Cosplay đầu tiên Trang thực hiện xuất phát từ niềm đam mê với những bộ Manga, Anime và văn hóa Nhật Bản. Mặt khác, việc hóa thân thành một nhân vật với tính cách tự tin sẽ khiến Trang cải thiện sự tự ti, có dũng khí đối diện với đám đông. “Cosplay giúp mình kết giao được nhiều người bạn, tự trau dồi kỹ năng và đem lại chút kinh phí để duy trì sở thích này. Công việc nhân viên văn phòng dễ nhàm chán, Cosplay khiến cuộc sống mình sinh động, màu sắc, thay đổi bản thân và được sống gần hơn với “thế giới ảo” mà mình yêu thích”, Trang chia sẻ.
Không quá nữ tính và tính cách có phần “lầy lội” nên phần lớn Trang chọn hóa thân thành những nhân vật nam. |
Trang tham gia các cuộc thi ảnh và các lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Cô đã từng hóa thân thành nhiều nhân vật như Howl (Phim hoạt hình Howl’s Moving Castle), Giyuu Tomioka (Manga-Anime Kimetsu No Yaiba), Mikazuki Munechika (Game Touken Ranbu), Gojo Satoru (Manga-Anime Jujutsu Kaisen), Onikiri, Ootengu và Shiranui (Game Âm Dương Sư), Tôn Cảnh (Manhua Their Story)...
Đầu năm nay, Trang tham dự “Lễ hội Cosplay afterFIT COSPLAY FES 2021” với tạo hình nhân vật Kaito Kid (nhân vật phim hoạt hình Thám tử Conan). “Để màn Cosplay thành công, mình chú trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, phụ kiện, makeup. Đặc biệt, với mình, biểu cảm phù hợp cực kỳ quan trọng vì nó tạo ra thần thái, khắc họa nét tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật, câu chuyện Manga, Anime tuy không có thật nhưng nó chứa đựng bài học về cuộc sống, hành trình trưởng thành của cá nhân mình”, Trang bày tỏ.
"Ngoài trang phục, phụ kiện, makeup thì biểu cảm là yếu tố quan trọng để có màn hóa thân thành công", Trang chia sẻ. |
Làm “sống dậy” nhân vật 2D
Bước đầu tiên trước khi quay một clip “biến hình” Cosplay của Trang bắt đầu với việc lướt mạng xã hội. Khi nghe được một âm thanh nào đó bắt tai, Trang sẽ có cảm hứng, ý tưởng và chọn một nhân vật phù hợp với âm thanh đó để makeup, lên đồ. Sau đó, cô sẽ bắt tay vào dựng phông, setup ánh sáng, chuẩn bị các đạo cụ phù hợp và bấm máy.
Khó khăn khi thực hiện một mình, căn chỉnh góc máy, góc mặt và hành động nhân vật khiến Trang tiêu tốn từ 2 đến 5 giờ đồng cho một clip. “Trang phục, phụ kiện Cosplay mình đặt may hoặc đặt mua từ nước ngoài. Về makeup, mình tự học từ makeup cá nhân cơ bản và tham khảo từ các Cosplayer đi trước để điều chỉnh cho phù hợp. Sau đó, mình dựa theo từng nhân vật để mô phỏng sao cho phù hợp với khuôn mặt mình mà vẫn miêu tả sát nhất nhân vật”, Trang chia sẻ.
Gương mặt bên ngoài xinh đẹp thu hút của Vân Trang. |
Theo đuổi hóa trang nhân vật 2D từ những năm THPT, Trang không tránh khỏi khó khăn trong kinh phí để duy trì sở thích cũng như tìm hiểu về makeup và đặt làm trang phục. Khoảng thời gian đó, thay vì mua những bộ đồ Cosplay đắt tiền, Trang đã tự mình may trang phục đơn giản dưới sự giúp đỡ của mẹ mình.
Chia sẻ về văn hóa Cosplay đang ngày càng phát triển ở Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong cách thể hiện, Trang cho hay: “Trải nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực này, mình thấy nhiều người đã hiểu hơn và có cách nhìn nhận riêng về Cosplay. Với mình, mỗi lĩnh vực đều có mặt trái của nó, nhưng quan trọng là tự mình nhận định được và chọn lọc cách thể hiện, bởi mình nghĩ cách mỗi cá nhân thể hiện đều có tác động nhất định đến cách nhìn của người ngoài đến lĩnh vực mình tham gia”.
Mỗi nhân vật 2D Trang hóa thân tuy không có thật nhưng tạo cảm hứng trong cuộc sống. |
Trong thời gian tới, Trang sẽ tiếp tục duy trì việc Cosplay các nhân vật, tìm hiểu kỹ hơn về những nhân vật khó, đầu tư trang phục, makeup và quay dựng clip chỉn chu nhất gửi đến mọi người.