Khánh Chi bắt đầu hành trình du học từ năm 16 tuổi. Cô chọn học tập tại trường CĐ Động đồng và học chương trình kép (chương trình học gộp hai năm cuối THPT và hai năm đầu đại học). Sau khi hoàn thành chương trình học này, Khánh Chi chính thức trở thành sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Điều dưỡng, trường ĐH Bang Washington (năm 18 tuổi).
Khánh Chi (giữa) nhận bằng tốt nghiệp Cử nhân Điều dưỡng tại ĐH Bang Washington. (Ảnh: NVCC) |
Kể về quá trình làm quen với môi trường sống tại Mỹ, Chi cho biết, dù thành thạo tiếng Anh song cô vẫn mất không ít thời gian để có thể hòa nhập với lối sống mới. Thời gian đầu chính là quãng thời gian mà Chi gặp nhiều khó khăn nhất, cô thường xuyên căng thẳng vì nhớ gia đình, bạn bè và thèm đồ ăn Việt Nam. Dần dần, Chi tập luyện cho mình lối sống tự lập, học cách nấu những món ăn Việt, liên hệ nhiều với bạn bè để xoa dịu nỗi nhớ nhà.
Vì thành thạo tiếng Anh từ bé nên Khánh Chi không gặp rào cản về ngôn ngữ. |
Thời điểm Khánh Chi bước vào đại học cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Mỹ. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến tiến độ, quá trình học tập và sức khỏe tinh thần của Chi. Chi cho biết, với khối lượng kiến thức “khủng”, gói gọn trong một buổi học online vẻn vẹn 3 tiếng khiến cô khó tập trung và không tiếp thu kịp. Chính vì vậy, Chi đã tìm nhiều phương pháp học tập khác nhau để linh hoạt với những thay đổi của việc học online.
Chia sẻ về phương pháp học tập đã giúp cô nhận về thành tích tốt, Khánh Chi cho biết, tính chất của chuyên ngành Điều dưỡng đòi hỏi việc ghi nhớ nhiều tên thuốc, tên bệnh bằng tiếng Anh. Do đó, việc học qua flashcard là một phương pháp giúp cô nhớ lâu và sâu hơn. Ngoài ra, Khánh Chi đặc biệt chú trọng việc nghe giảng khi lên lớp và ghi chú lại bài giảng. Việc xem lại ghi chú thường xuyên đã góp phần giúp cô không có “lỗ hổng” trong kiến thức và đạt điểm tốt trong bài kiểm tra.
Khánh Chi luôn chủ động trong việc học hỏi kiến thức mới. |
Không chỉ là người đi nghe giảng, Chi còn đặt mình vào một tâm thế chủ động trong việc lĩnh hội tri thức mới. Nữ sinh Gen Z thường tìm đến bạn bè để “giảng” lại những kiến thức đã được dạy, đây cũng là cách mà Chi củng cố thêm cho việc ghi nhớ bài học của mình. “Nếu mình giảng lại được bài cho người khác, điều đó có nghĩa mình đã thực sự hiểu bài”, Chi bộc bạch.
Lựa chọn học tập xa nhà và làm việc trong môi trường áp lực, Chi không tránh khỏi những khoảnh khắc muốn bỏ cuộc. Thậm chí, cô đã nhiều lần bật khóc vì phải đối mặt với việc bị phân biệt đối xử tại Mỹ. Những lúc như vậy, mẹ là nguồn động lực chính giúp Khánh Chi cố gắng. Ngoài ra, Chi còn may mắn nhận được sự hỗ trợ từ những vị giáo sư tận tâm, những người bạn đồng hành trong quá trình học hỏi. Luôn nhận thức được những thiệt thòi mà bản thân phải đón nhận khi đi học xa xứ, Khánh Chi không ngại xông pha trong học tập.
“Mình đã khóc trong ngày tốt nghiệp, ngay trước buổi lễ vì mình thấy trống trải trong lòng. Thành tựu 4 năm qua lại không có gia đình ở đây chứng kiến vì COVID-19. Dù không muốn tham dự buổi lễ, cuối cùng mình vẫn đi vì mẹ.
Quá trình học tập của Chi nhận được không ít sự hỗ trợ từ các vị giáo sư tại trường. |
Mình đã nỗ lực gấp đôi vì là người châu Á, lại là du học sinh, mình thấy bản thân không có nhiều cơ hội bằng các bạn người bản xứ. Nên cách mà mình bù lại đó là nỗ lực thật nhiều, làm thật nhiều, và kết nối với những người giỏi hơn mình để học hỏi từ họ”.
Trong tương lai, Khánh Chi sẽ tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp tại xứ sở cờ hoa. Chi cũng bày tỏ nguyện vọng được trở về Việt Nam trong thời gian sớm nhất để gặp lại gia đình và bạn bè sau 4 năm học tập.