Một buổi chiều tháng 3, Ngọc Huyền đang ngồi cà phê học bài thì bất ngờ nhận email từ ba trường đại học. Xúc động hơn khi các thư trúng tuyển đều kèm theo học bổng, có suất tới 100% học phí. Quá đỗi vui mừng và hạnh phúc, cô bật khóc ngay tại chốn đông người.
Ảnh kỷ yếu lớp 12 của Ngọc Huyền. |
Tổng giá trị học bổng mà các trường dành cho nữ sinh 2006 là hơn 6.5 tỷ đồng, gồm: VinUni (học bổng 70% và hỗ trợ tài chính 20%, khoảng 2.9 tỷ đồng), Fulbright Việt Nam (học bổng President 100%, khoảng 2 tỷ đồng), Swinburne Việt Nam (học bổng Thế hệ mới, 250 triệu đồng) và SP Jain (học bổng 85%, khoảng 1.4 tỷ đồng).
Tổng quan bộ hồ sơ ứng tuyển
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Huyền nhớ lại: “Mình đã gọi luôn cho ba để báo tin và ba cũng khóc khi thấy mình nhận được mức hỗ trợ cao như vậy. Mình bất ngờ đến vậy bởi đã từng rất tự ti về thành tích học thuật không giải cấp quốc gia, quốc tế khi nộp hồ sơ”.
Cô Tạ Thị Khánh Linh, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và giáo viên môn Hoá của lớp 12 Toán 1, đã viết thư giới thiệu xin học bổng cho Huyền. Cô Khánh Linh nhận xét, nữ sinh có “sự kỷ luật và tính tổ chức cao”, điều đã giúp Huyền “cân bằng hiệu quả việc học tập và tham gia hoạt động ngoại khoá”.
Nguyễn Bùi Minh Huy, sinh viên trường Đại học VinUni, sáng lập tổ chức mà Huyền đang làm việc ở vị trí Marketing, đã đồng hành cùng cô trong quá trình “săn” học bổng. Anh cho biết, Huyền gây ấn tượng bởi luôn chủ động học hỏi và có phẩm chất của “một nhà lãnh đạo biết khơi dậy năng lượng cho người khác”.
Hồ sơ ứng tuyển các trường của Huyền gồm điểm học tập các kỳ đều trên 9.3, IELTS 7.0, vị trí lãnh đạo ở 3/5 hoạt động ngoại khoá, danh hiệu Học sinh 3 tốt cấp tỉnh và giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh. Kèm theo đó là ấn phẩm Tập san sự kiện lễ trưởng thành của trường mà cô là trưởng ban phụ trách nội dung.
Nữ sinh yêu thích viết, chụp ảnh và sáng tạo các sản phẩm truyền thông. |
Theo Ngọc Huyền, với các mức học bổng đã nhận được, cô không có nhiều điểm ấn tượng về thành tích, chức danh hay giải thưởng. Điều tạo nên sức nặng của bộ hồ sơ chính là cách mà cô nhìn nhận về những công việc đã làm, đóng góp và bài học từ vấp ngã mà cô có được sau mỗi hoạt động.
Dù là học sinh chuyên Toán, Ngọc Huyền lại thể hiện niềm đam mê viết, sáng tạo bằng câu chữ và nghiên cứu khoa học hành vi con người. Cô có hai đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật đạt giải cấp tỉnh về giải pháp nâng cao khả năng học và tác động của các video ngắn trên mạng xã hội đối với học sinh THPT.
Huyền tâm sự thêm: “Để phát triển kỹ năng viết, mình tham gia ban nội dung của câu lạc bộ, xem nhiều người sáng tạo nội dung trên xã hội và tự viết nhật ký biết ơn mỗi ngày. Đến tận đến bây giờ, việc viết đối với mình không chỉ là đam mê, công việc, mà còn là một chốn bình yên”.
Sau quá trình tìm hiểu, nữ sinh nhận thấy sở thích và đam mê rất phù hợp cho lĩnh vực Marketing. Khi ứng tuyển và lựa chọn ngành học tại các trường, Huyền đều thể hiện mong muốn trở thành chuyên gia Marketing tại một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoặc lãnh đạo của một công ty chuyên tư vấn dịch vụ truyền thông.
Nữ sinh cho biết không chủ động xây dựng bộ hồ sơ theo các tiêu chí để nộp học bổng ngay từ đầu mà đến tận cuối năm lớp 11 mới bắt đầu tìm hiểu các tiêu chí. Cô chỉ đơn giản là không ngại “dấn thân” vào bất cứ hoạt động nào khi thấy phù hợp với sở thích và đam mê cá nhân.
Huyền trong nhiệm vụ của ban tổ chức Trại hè 2023 tại trường. |
Yêu thích tổ chức sự kiện, lại may mắn là thành viên của Ban chấp hành Đoàn trường, Huyền tham gia tổ chức nhiều chương trình lớn, nhỏ của trường như Lễ tri ân trưởng thành, Trại hè… Cô còn là phó chủ nhiệm đầu tiên của CLB Truyền thông và Sự kiện của trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
Bài luận và vòng phỏng vấn
Huyền rất tâm huyết và gọi bài luận gửi Fulbright Việt Nam, nơi cô nhận được mức học bổng cao nhất của trường, là “bài viết để đời”. Cô đã viết về quá trình chăm sóc người mẹ quá cố của mình suốt gần 7 năm đằng đẵng. Khi mẹ mất sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cô đã cảm thấy cuộc đời sao quá bất công.
Nữ sinh kể lại những uất ức thơ ngây ngày bé, khi phải ở nhà chăm mẹ ốm và ganh tị khi thấy các bạn khác được mẹ chăm sóc. Quãng thời gian chăm mẹ ốm đối với cô còn rất khó khăn về mặt tinh thần khi luôn bị hỏi về mẹ, luôn bị người khác cảm thấy “tội” vì không có mẹ và phải tự làm mọi thứ.
Sau 2 năm mất mẹ, Huyền lại đối mặt với việc ba bị nhồi máu cơ tim và may mắn được cứu chữa kịp thời. Khoảnh khắc nghe tin ba ở phòng hồi sức cấp cứu, cô đã buông bỏ những oán trách cuộc đời mà chỉ nghĩ về mẹ, về ba, và giá trị của đấng sinh thành trong quá trình hình thành, phát triển tính cách của người con.
Bài luận về lòng biết ơn ba mẹ đã thể hiện được cách cô gái trẻ đối diện với những biến cố cuộc đời, sự chuyển biến tâm lý từ ngày bé đến với những ngày tháng yên bình và dần trưởng thành. Đó thật sự là một bài luận đã lột tả được hết giá trị con người của cô cho tới hiện tại.
Huyền nhìn nhận: “Mình ưng bài luận này bởi nó giúp mình phát huy thế mạnh của bản thân là viết. Ngoài ra, nó cũng thể hiện rõ được cách làm việc, tư duy suy nghĩ và mình em đối mặt với những tiêu cực trong cuộc đời”.
Tuổi 18 rực rỡ của Huyền tại trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. |
Tại vòng phỏng vấn với các trường, Huyền nhớ ban tuyển sinh của trường Fulbright đã hỏi cô một câu khá dễ thương rằng: “Chọn trường đại học như chọn người yêu, em có nghĩ em và Fulbright sẽ là một người yêu phù hợp trong tương lai?”.
Huyền đã trả lời về cảm về cảm xúc đồng điệu kèm những lợi ích mà cô sẽ mang đến cho trường và cả những gì mà trường có thể mang đến cho cô. Một người yêu phù hợp phải là người chung chí hướng, vậy nên cô đã nêu ra hướng phát triển tương đồng với những điều mà trường cần ở một sinh viên tương lai.
Đối với VinUni, có nhiều câu hỏi phỏng vấn chuyên sâu về ngành học khiến cô thấy hơi choáng ngợp. Đặc biệt, có một câu hỏi sự liên quan giữa AI và Marketing: “Hiện tại AI đang rất phát triển, em có nghĩ ngành Marketing sẽ bị ảnh hưởng bởi AI hay không?”.
Huyền trả lời rằng điều này phụ thuộc vào nhiều mảng khác nhau trong ngành Marketing, có những công việc sẽ bị thay thế, nhưng lại có những công việc khác thì không. Thế nhưng, cô đã tỏ ra bối rối khi tiếp tục được hỏi: “Vậy em hãy miêu tả một công việc Marketing mà em nghĩ AI không thể thay thế?”.
Nhìn lại hành trình ứng tuyển, Huyền nói rằng, đó là lần đầu tiên cô phá bỏ giới hạn của bản thân và biết cách cân bằng trong cuộc sống. Trước đó, cô thường tập trung hoàn thành một mục tiêu tại một thời điểm nhất định. Thế nhưng khi vừa chuẩn bị hồ sơ, cô vừa chạy sự kiện thành công, vừa ôn luyện và đạt điểm IELTS mục tiêu.
Huyền đang trong thời gian cân nhắc để quyết định sẽ nhập học trường nào. Ngoài ra, cô cũng rất tập trung để cố gắng hoàn thành thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và nộp đơn vào một số trường đại học công lập tốp đầu của khối ngành kinh tế.
Ảnh: NVCC