Mai Đan là sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại Thương. |
Mình may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn học khi có mẹ và ông ngoại đều là những nhà giáo dạy văn. Chính họ là những người giúp mình được sống trong môi trường văn chương từ rất sớm. Khi còn bé, mình thường được nghe mẹ giảng văn, được đọc những tài liệu sách vở của ông, tình yêu và đam mê với con chữ cứ lớn dần trong mình từng ngày.
Thời cấp một, niềm vui của mình là được viết những bài tập làm văn sáng tạo, là hạnh phúc khi có thể viết dài hơn những bài văn mẫu của cô giáo. Niềm đam mê với môn học này cứ thế lớn dần lên, cảm giác như chỉ khi được học và viết văn, mình mới thực sự được là chính mình. Trước đây, bố mẹ từng có định hướng cho mình theo môn chuyên tiếng Anh khi mình mới chỉ học cấp 2 nhưng vì tình yêu dành cho văn chương quá lớn đã thôi thúc mình tiếp tục lựa chọn theo đuổi Ngữ văn. Vì đây là lần “cãi lời” đầu tiên của một cô bé 14 tuổi nên mình đã gặp khá nhiều áp lực khi tự mình đưa ra quyết định ấy. May mắn thay, bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, mình đã giành được vị trí thủ khoa qua 2 vòng thi HSG môn Ngữ văn cấp thành phố và đậu vào lớp chuyên Văn của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.
Mai Đan là cựu học sinh lớp chuyên văn trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. |
Được trở thành học sinh trường Phan chắc chắn là niềm hạnh phúc và vinh dự nhất trong cuộc đời của mình. Nơi đây đã cho mình gặp gỡ những người thầy tận tâm, những người bạn tuyệt vời, những người anh, người chị tài giỏi. Phan còn là nhà với rất nhiều kỉ niệm, là cánh cửa mở ra cơ hội mới để mình hoàn thiện bản thân. Mình của những năm tháng cấp ba được trải nghiệm các công việc khác nhau, được thử sức ở rất nhiều vị trí mình chưa từng đảm nhận. Nhưng trở thành học sinh của trường chuyên Phan Bội Châu thì chỉ sôi nổi ở các hoạt động ngoại khoá không thôi là chưa đủ. Khi bản thân mình cảm thấy đã trải nghiệm đủ ở các sân chơi khác nhau, mình quyết định gác lại tất cả để dành thời gian cho việc học.
Năm học lớp 12 là quãng thời gian chứng kiến hành trình vất vả nhất của mình khi phải liên tục chuẩn bị cho những kỳ thi lớn nhỏ khác nhau chỉ trong vòng 4 tháng. Đối với nhiều người thì quyết định thi HSG quốc gia năm lớp 12 của mình là một lựa chọn vô cùng mạo hiểm, không chỉ bởi việc bản thân mình chưa được thử sức với các kỳ thi ở cấp độ tương đương mà mình còn khá “tham lam” và ôm đồm khi cùng một lúc tham dự hai cuộc thi khác là IELTS và kỳ thi HSG cấp tỉnh. Ba kỳ thi này diễn ra liên tục và mỗi cuộc thi chỉ cách nhau vỏn vẹn 2 tháng nên việc ôn luyện của mình gặp rất nhiều khó khăn. Đó cũng là lần đầu tiên mình cảm nhận được sức nặng của áp lực, là tháng ngày mình hoài nghi về sự lựa chọn của bản thân. Khoảng thời gian ấy cũng là lần đầu tiên mình phải xoá mạng xã hội trong suốt 3 tháng, cuộc sống của mình khi đó chỉ xoay quanh sách vở và trường lớp nhưng rồi sau tất cả thì những thành tích đạt được đã khiến mình vô cùng tự hào.
Mọi người xung quanh thường hỏi mình tại sao học văn tốt như vậy lại không theo nghiệp văn để phát triển. Mình chỉ đơn giản nghĩ rằng, văn chương đã gắn bó với mình từ nhỏ, mình không theo học văn ở đại học chỉ là trên khía cạnh học thuật, còn xét về góc nhìn và tư tưởng thì văn chương đã trở thành con người mình rồi. Đó là cảm xúc, là tâm hồn, là mỗi lời mình nói, mỗi từ mình viết ra, cách mình sống, cách mình yêu, tất cả vẫn còn “văn” lắm. Thực chất việc mình lựa chọn học kinh tế một phần cũng để lý giải những cái “văn” trong cuộc sống sâu sắc hơn. Có thể thấy rằng những vấn đề trong cuộc sống mà văn chương đề cập hay phản ánh đều ít nhiều xuất phát và bị chi phối bởi những vấn đề kinh tế. Kinh tế thể hiện sự vận hành cuộc sống, chi phối đến mọi mặt xã hội như chính trị hay tư tưởng và đó cũng là khởi nguyên cho những nhức nhối mà văn học đề cập. Học kinh tế không để trở thành người khô khan hay thực dụng, học kinh tế để đánh giá và nhìn nhận cuộc sống toàn diện hơn. Văn học là sự phản ánh thế giới khách quan thông qua những lăng kính chủ quan, càng nhiều tác giả, càng nhiều góc nhìn, hiện thực cuộc sống càng hiện lên phong phú, bản chất của nó càng rõ rệt. Kinh tế lại lý giải cách thức hiện thực khách quan ấy vận hành và phân phối. Hy vọng với nền tảng văn chương có sẵn và những kiến thức về kinh tế mình đã, đang được học sẽ cung cấp cho mình một hành trang tri thức đầy đủ để tạo nên giá trị nhất định cho xã hội trong tương lai.
Mình của những năm đại học không còn sôi nổi và vội vã như những năm tháng cấp ba, mình chọn sống chậm lại và nhìn nhận nhiều hơn về con đường sắp tới. Đại học Ngoại Thương là môi trường năng động với những sinh viên giỏi và năng nổ trong các hoạt động khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình quá áp lực hay buộc phải làm mọi cách để trở nên như vậy. Mình không muốn tham gia làm một việc gì đó chỉ vì mọi người đều làm thế hay buộc phải làm vậy để trở nên nổi bật. Mình đang trên hành trình khám phá bản thân và dành thời gian cho đam mê riêng như đọc sách, viết lách, trau dồi những kỹ năng cần thiết. Mình muốn trở thành một người trẻ biết cân bằng cho vận tốc hành trình mình đi, quá nhanh quá chậm đều không tốt. Lúc còn trẻ ai cũng có một ước mơ thật to nhưng không phải ai cũng biết sống từ những điều nhỏ nhất. Mình muốn trước khi trở thành một người thành công thì sẽ học làm người tử tế. Mỗi người đều có một quan điểm, mục tiêu riêng, điều quan trọng không phải ai hơn ai mà hơn hết chúng ta là mỗi cá thể khác nhau, tất cả chúng ta đều có thế mạnh riêng xứng đáng được trân trọng.
“Mình muốn trước khi trở thành một người thành công thì sẽ học làm người tử tế.” |
Mọi người thường hay nhớ đến mình với hình ảnh của một cô gái năng động với những thành tích như 7.0 IELTS hay thủ khoa HSG cấp Tỉnh; HSG quốc gia nhưng ít ai biết hành trình mình đã trải qua và những cái giá mình phải trả để đổi lấy thành tích ấy. Tuy nhiên, sau tất cả, khi nhìn lại, thứ khiến mình biết ơn nhất chắc chắn không chỉ ở những giải thưởng hay danh hiệu, đó còn là vốn kiến thức quý giá mình học được, là những trải nghiệm “tráng lệ”, là những tháng ngày biết sống chậm lại, sống sâu hơn, biết lắng nghe, quan sát, suy tư trước vấn đề cuộc sống. Đó là những điều kiến tạo nên giá trị bản thân mình hiện tại, không phải giải thưởng. Hy vọng rằng mình và các bạn, những người trẻ đang loay hoay giữa ngã ba cuộc đời sẽ tìm được hướng đi thích hợp cho bản thân. Hy vọng tất cả chúng ta đều hạnh phúc và lan toả được điều đó đến cho cộng đồng và xã hội.