Thực sự đến bây giờ nhìn lại, mình cảm thấy FTU là trường Đại học lý tưởng cho những đứa như mình - cái gì cũng biết một chút nhưng chẳng giỏi cái gì - để tìm ra điểm mạnh nhất của bản thân. Đó là giọng nói.
Ngay từ đầu năm nhất, chỉ trong 2 tháng, mình đã tham gia song song 2 cuộc thi về giọng nói vì nói thật là lúc đó mới lên Đại học, mình thích lắm - không bị ai quản thúc học hành, lại có thể thử sức ở những cuộc thi mới.
Hồi còn là học sinh, mình cũng thi thố nhiều nhưng chủ yếu là các cuộc thi học thuật và văn hoá văn nghệ thôi, chứ một cuộc thi kiểu "người lớn" như ở Đại học thì mình chưa tham gia bao giờ. Lúc đó mình chỉ nghĩ là thử sức thôi nhưng không ngờ là cô tân sinh viên năm ấy lại được 2 giải Top 6 liền: TOP 6 - LUMINOUS 2018 - Cuộc thi Tìm kiếm người dẫn chương trình tài năng; TOP 6 & Giải Thí sinh được yêu thích nhất - Voice Talent - Cuộc thi Tìm kiếm chất giọng quảng cáo tiềm năng.
Mình phải tự nhận là mình quá may mắn khi ở vòng cuối của những cuộc thi đó, mình là thí sinh nhỏ tuổi nhất trụ lại, thi cùng với các anh chị lớn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhiều khi còn nghĩ là có phải ban giám khảo thấy mình "bé" nhất nên chấm nương tay hay không.
Cuối năm nhất, mình cũng tham gia Liên hoan Tuyên truyền ca khúc Cách mạng do trường Đại học Ngoại thương tổ chức và may mắn giành giải Nhất mảng Hùng biện nữa.
Tối làm MC, sáng đi học, chiều trông trẻ, cuối tuần làm giáo viên
Khi vào Đại học, mình tham gia tận 2 CLB sở thích (Ban Vũ đạo - CLB Tuyên truyền ca khúc cách mạng ĐHNT, Ban MC - CLB MC và Thời trang ĐHNT) tương ứng với 2 đam mê lớn nhất của mình lúc đó là múa và MC.
Ngoài ra, thấy cái gì mới mẻ hay ho là mình cũng thử một chút. Vì thế, có một giai đoạn mình cân một lúc 7 công việc liền, tất nhiên không phải full-time nhưng nghĩ lại cũng thấy phục cô bé Khánh Linh 18 tuổi thật!
Công việc đầu tiên của mình thời sinh viên lại chẳng liên quan gì đến những thứ mình vừa kể cả: Kinh doanh khung ảnh handmade. Công việc này bắt nguồn từ sở thích tỉ mỉ làm mấy thứ handmade xinh xinh của mình. Ban đầu làm vui vui tặng bạn bè rồi sau là kinh doanh luôn từ năm lớp 11. Thực ra mình chỉ kinh doanh trong 2 tháng hè thôi, số tiền kiếm được mình mua 3 đôi giày là hết sạch. Sau đó vì ôn thi nên mình tạm dừng đến khi lên đại học mới bắt đầu lại. Đó là công việc đầu tiên của mình - vừa làm chủ, vừa làm nhân viên.
Cùng thời điểm đó, mình còn đi gia sư tiếng Anh, làm nhân viên tại tiNiWorld, MC song ngữ, giáo viên MC nhí, thu âm sách và quảng cáo, CTV review mỹ phẩm cho 2 công ty truyền thông. Có thể hình dung cuộc sống của mình lúc đó là tối hôm qua lộng lẫy mặc đầm dạ hội dẫn chương trình tại Pan Pacific, sáng hôm nay đeo balo đi học ở trường, chiều mặc đồng phục nhân viên trông các bé vui chơi tại tiNiWorld, cuối tuần lại lên đồ style U30 đi giảng dạy MC nhí. Tất cả những công việc đó đều cho mình những trải nghiệm vô cùng quý giá để mình hiểu bản thân hơn, biết rằng mình hợp những môi trường làm việc nào và giỏi những công việc gì.
Ở thời điểm hiện tại, mình đã xác định được mục tiêu của mình là MC nên ngoài việc tập trung hoàn thành tốt việc học tập, mình còn dành thời gian cho đam mê MC của mình nữa. Khi nói đến MC, mọi người thường nghĩ đến MC truyền hình hay MC sự kiện. Nhưng ngoài công việc đó ra, mình còn làm những công việc giúp bổ trợ kỹ năng cho một MC: Host một Youtube channel, thu âm sách nói, lồng tiếng TVC quảng cáo, giảng dạy MC nhí...
Bên cạnh đó, để xây dựng hình ảnh cá nhân, mình đang làm Brand Ambassador - Đại diện thương hiệu cho một local brand là THE DUKE.
Nhờ được trải nghiệm ở nhiều môi trường với nhiều đối tượng khác nhau, cô bé Khánh Linh vốn được bố mẹ bao bọc từ bé đã cứng cỏi hơn rất nhiều, không còn giống như chiếc chiếu mới - chưa từng trải.
Áp lực đồng trang lứa và khủng hoảng tuổi đôi mươi
Mình nghĩ khó khăn mình gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều bạn trẻ, gói gọn trong 2 từ "peer pressure" - áp lực đồng trang lứa và "quarter-life crisis" - khủng hoảng tuổi đôi mươi.
Thành tích trong 12 năm học phổ thông của mình khiến gia đình đặt kỳ vọng rất cao ở mình khi lên Đại học. Cô bé Khánh Linh cũng rất tự tin bước vào cánh cổng trường Đại học Ngoại thương với quyết tâm GPA xuất sắc, tham vọng giành học bổng suốt 4 năm học và cả ý định học nhiều, học nặng hơn các bạn để ra trường sớm nữa...
Nhưng chỉ sau nửa kỳ đầu tiên của năm nhất, mình đã hiểu câu "ngựa non háu đá" là thế nào. Ngôi trường mình đang học hội tụ các sinh viên top đầu của cả nước, các bạn đạt giải quốc gia, có bạn huy chương treo đầy nhà. Do sự chủ quan cộng với việc tham gia quá nhiều hoạt động, điểm số kỳ học đầu tiên của mình thấp không tưởng.
Đấy là lúc peer pressure xuất hiện, là cú ngã rất đau của mình. Mình hụt hẫng lắm, theo đúng cái cảm giác đang đi rất nhanh rồi bị thụt xuống hố sâu ấy. Bên trên là kỳ vọng của gia đình, là cảm giác chiến thắng suốt 12 năm qua giờ biến mất, là điểm số cao chót vót của các bạn cùng lớp, là lời nhắn nhủ của các anh chị "năm nhất phải cố mà học để kéo điểm các năm sau". Áp lực lắm nhưng mình không dám chia sẻ với mẹ vì mình biết mẹ sẽ buồn lắm. Nhưng nếu mẹ có đọc được bài này thì mẹ đừng lo lắng quá nhé vì con gái mẹ đã tự giải quyết được vấn đề này rồi!
Lúc đó mình đã tự nhìn nhận lại bản thân. Mình phải thừa nhận bản thân chưa đủ giỏi, chưa dành đủ thời gian, thái độ nghiêm túc cho việc học và quá tham lam các công việc ngoài lề. Từ đó việc đặt bản thân mình xuống vị trí thấp hơn, mình vạch ra một phương pháp và một kế hoạch học tập hợp lý, cắt giảm dần thời gian cho những thứ không cần thiết để đầu tư vào quỹ thời gian cho việc học.
Thế là sau cơn mưa, trời lại sáng. Cũng may là mình kịp nhìn nhận lại, nếu không, 4 năm đại học của mình sẽ là một cú trượt dài mất.
Hiện tại, peer pressure vẫn tồn tại trong cuộc sống của mình và sau này cũng vậy. Bởi vì giờ đây, nó là động lực tích cực để mình cố gắng và trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Mình muốn rằng khi nghe người ta bảo "Sinh viên Ngoại thương giỏi lắm", bản thân sẽ thấy tự hào chứ không xấu hổ.
Còn về quarter-life crisis của mình, rõ là học trường kinh tế, định hướng của gia đình là kinh tế nhưng điểm mạnh của mình không phải là kinh tế. Mình giỏi và thích rất nhiều mảng không liên quan đến kinh tế nhưng vẫn có ý định theo kinh tế cho thuận buồm xuôi gió.
Lúc đó mình hoang mang lắm, giống như trái bần trôi giữa dòng đời không biết tấp vào đâu ấy. Mình đã không biết mình là ai, mình thực sự giỏi cái gì nên đã thử rất nhiều, làm rất nhiều, phạm luôn cả vào thời gian học tập và nghỉ ngơi - chính là giai đoạn làm cùng lúc 7 công việc mình vừa kể. Mình đã trải qua 2 năm mông lung về bản thân và tương lai như thế.
Nhưng cũng nhờ "thử" liên tục mà đến bây giờ, mình đã hiểu rõ bản thân và chọn được con đường cho mình là quyết tâm theo đuổi nghiệp MC. Bên cạnh các công việc liên quan đến nghề dẫn chương trình, mình còn đang hoạt động trong CLB MC và Thời trang ĐHNT với vị trí Trưởng ban MC. Mình thấy vui khi có thể truyền đạt lại những kiến thức đã học được, chia sẻ những kinh nghiệm đã trải qua, định hướng và cùng các em giải quyết những khó khăn khi mới bước chân vào con đường MC.
3 điều đáng để suy nghĩ từ cây phượng
Linh nghĩ rằng bản thân mình chưa phải một người quá thành công hay là một ai đó đủ tầm cỡ để đưa ra cho các bạn những bài học vì Linh vẫn còn cần phải học hỏi rất nhiều. Bởi thế, ngoài những kinh nghiệm vừa rồi, mình chỉ xin phép chia sẻ với các bạn một câu chuyện.
Mình là một cô bé rất thích cây và từng tự trồng hẳn một vườn cây mini hồi còn nhỏ. Ngoài rất nhiều sen đá và sương rồng ra, mình có 2 cây phượng trồng trong 2 cốc trà sữa. Mình chứng kiến chúng lớn lên từ khi còn là một cây mầm cao cỡ một gang tay đến khi trở thành 2 cây phượng cứng cáp... nhưng vẫn cao cỡ một gang tay. Lúc đó mình thích lắm vì chúng cứ mãi tí hon như vậy.
Bẵng đi khoảng 5 năm, Linh lên cấp 3. Không được chăm sóc thường xuyên, vườn cây của mình vì mưa mà úng hết, chỉ còn 1 cây phượng vẫn bé xinh như vậy. Bố mình đem nó ra sau nhà trồng. Một ngày đẹp trời, Linh bị giật mình khi nhìn thấy nó. Mình đã không tin một cây phượng cao một gang tay suốt mấy năm trời lại có thể cao gấp đôi mình sau mấy tháng.
Vừa rồi đọc được một bài đăng về sự phát triển của cây cối, mình mới ngẫm lại câu chuyện này và nhận ra 3 điều:
1. Cây phượng của mình đã rất cố gắng để sống sót khi bị úng nước.
2. Cây phượng của mình đã rất kiên trì trong hình hài nhỏ bé suốt 5 năm trong cốc trà sữa.
3. Cây phượng của mình đã vụt lớn bất ngờ sau vài tháng được "thả" ra mảnh đất sau vườn.
Cả 3 điều đều đáng để mình phải suy nghĩ. Nhưng Linh nhận ra mình còn có thể làm tốt hơn cây phượng ấy. Mình không phải một cái cây, mình không cần phải nhỏ bé trong cốc và chờ 5 năm đến khi có người đặt mình ra đất mới có thể phát triển. Mình là một con người, mình hoàn toàn có thể chủ động bước ra khỏi vùng an toàn, đặt bản thân vào những mảnh đất rộng lớn hơn để phát triển.
Hiện tại, Linh đã bắt đầu tìm kiếm một môi trường rộng mở hơn để phát triển kỹ năng MC chuyên nghiệp và làm một vị trí công việc mà trước đây chưa từng dám nghĩ tới là Brand Ambassador cho một thương hiệu. Mình mong các bạn sẽ cùng mình thực hiện điều đó - cố gắng, kiên trì và chủ động bước ra khỏi vùng an toàn!
I. Công việc
- Sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại thương
- Trưởng ban MC - CLB MC và Thời trang Đại học Ngoại thương
- Giáo viên giảng dạy MC nhí tại SolDo
- Host iBeauty - một Youtube channel về làm đẹp
(https://www.youtube.com/channel/UCVx1rLYFcvxXzBRzjqbLNQw)
- Voice Talent lồng tiếng cho TVC của các nhãn hàng:
+ Ứng dụng sách nói WeWe
+ Mộc Châu Milk
https://www.youtube.com/watch?v=ovm3LXNwzlI)
- MC song ngữ
- Đại diện thương hiệu của THEDUKE.VN
II. Thành tích
- TOP 6 - LUMINOUS 2018 - Cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình tài năng
- TOP 6 & Giải Thí sinh được yêu thích nhất - Voice Talent - Cuộc thi tìm kiếm chất giọng quảng cáo tiềm năng
- Giải NHẤT Hùng biện - Liên hoan Tuyên truyền ca khúc Cách mạng 2019