Duyên kể, trong lớp, mình là sinh viên nữ duy nhất. Việc theo học một ngành “nam tính”, lạ thay lại là định hướng ngay từ đầu của gia đình. Cô bạn hóm hỉnh: “Có lẽ, gia đình hiểu mình từ nhỏ đã… quậy nên cho học ngành này”. Thực tế, chỉ sau một năm theo học, cô bạn quê ở Buôn Hồ, Đắk Lắk cảm thấy mê thật sự với những vi mạch, máy tính, điện từ...
Duyên bộc bạch: “Bản tính mình hay tò mò, hay đặt câu hỏi và muốn hiểu mọi thứ vận hành như thế nào? Với ngành Điện - Điện tử, nếu chỉ nhìn bên ngoài của một thiết bị, mình sẽ không thể nào biết bên trong cấu tạo gồm những gì, hoạt động như thế nào và điều đó khiến mình cảm thấy tò mò. Rồi khi được học, tìm hiểu về chúng, những tò mò của mình được giải đáp. Lĩnh vực tưởng chừng khô khan này cứ thế cuốn hút mình”.
Từ sự cuốn hút đó, Duyên chú tâm học và luôn giành được kết quả cao trong học tập lẫn nghiên cứu khoa học. Năm 2017, Mỹ Duyên được Global SyberSoft Việt Nam trao học bổng JSC dành cho sinh viên có thành tích học tập nổi bật.
Hà Mỹ Duyên nhận danh hiệu "Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ" 2020. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, điều mà các bạn trong lớp nhớ nhất về Hà Mỹ Duyên chính là các công trình nghiên cứu khoa học ngay từ khi bước chân vào trường. Công trình đầu tiên ra mắt năm 2018 mang tên “Thiết bị cảnh báo hết giấy vệ sinh” của Duyên được đánh giá tốt về ý tưởng. Cùng với người bạn trong lớp, Duyên đã thiết kế và lắp đặt một cảm biến, đặt trong hộp đựng giấy của các nhà vệ sinh công cộng. Khi giấy hết, cuộn lõi sẽ chạm tới cảm biến, lúc này hệ thống tự động gửi tin nhắn về máy điện thoại của nhân viên vệ sinh phụ trách. Ý tưởng này bắt nguồn từ một sự cố “hết giấy” khi nhóm bạn của Duyên sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
“Thay vì phải thường xuyên kiểm tra, thiết bị này sẽ ngay lập tức gửi thông báo và nhân viên sẽ cấp giấy mới, tránh những chuyện dở khóc dở cười cho khách sử dụng”, Duyên kể.
Năm 2019, Duyên và cậu bạn cùng lớp gây tiếng vang khi đoạt giải Khuyến khích Sinh viên NCKH cấp Bộ và cấp TP. Đà Nẵng, với đề tài “Thiết bị cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em”. Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là đặt 2 cảm biến để nhận diện các dấu hiệu của việc xâm hại tình dục nơi công cộng. Hệ thống của thiết bị gồm 4 khối chính là hệ thống cảnh báo, hệ thống nguồn, hệ thống điều khiển và hệ thống cảm biến. Hệ thống hoạt động theo cơ chế, khối cảm biến sẽ nhận dạng từng trường hợp đặc biệt, sau đó báo lại khối hệ thống và cuối cùng khối hệ thống sẽ đưa về khối cảnh báo.
Cũng trong năm này, Duyên còn đoạt giải Ba cuộc thi Sinh viên NCKH TP. Đà Nẵng với đề tài “Magic Glasses”. Đó là chiếc kính có thể giúp người đang điều khiển phương tiện giao thông có thể xem được tin nhắn hoặc cuộc gọi nhỡ được hiển thị trên kính mà không cần phải lấy điện thoại ra xem. Ý tưởng hình thành khi Duyên nhận thấy rất nhiều cảnh báo về việc vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa lấy điện thoại ra xem tin nhắn, dẫn đến nhiều vụ tai tạn thương tâm.
“Theo mình, nghiên cứu khoa học chính là giải quyết các vấn đề mà thực tế đang đối mặt, không phải cứ đề tài hay, mục tiêu vĩ đại mới là nghiên cứu mà chính là những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Tri thức là để làm cho cuộc sống tốt hơn và nhân văn hơn”, Duyên nói.
Ngoài thời gian tập trung cho việc học, Duyên còn tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội nhằm tạo thêm cơ hội giao lưu kết bạn và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng mềm. Duyên là Bí thư lớp K21ETS, Ủy viên BCH Liên Chi đoàn Khoa Điện - Điện tử.
Những nghiên cứu thiết thực và nổi bật của Hà Mỹ Duyên đã giúp cô bạn sinh năm 1997 này được vinh danh “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ” năm 2020. Thời điểm đó, điểm số học tập của cô bạn khá lý tưởng với trung bình chung: 3,21 điểm và trung bình các môn chuyên ngành là 3,36. “Đó sẽ là động lực để mình có thêm đam mê và cố gắn nhiều hơn nữa. Sau khi ra trường, mình muốn tiếp tục con đường nghiên cứu”, Duyên bày tỏ.