Nguyễn Thị Cẩm Tú là thủ khoa khối C00 toàn quốc năm 2024 và thủ khoa đầu vào ngành Quan hệ công chúng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. |
Hoàn cảnh gia đình khó khăn
Cẩm Tú sinh ra trong một gia đình khó khăn khi cả bố và mẹ là người khiếm thị. Bố Tú bị khiếm thị bẩm sinh, còn mẹ Tú - sau cuộc phẫu thuật u não bị chèn gai thị nên mắt dần trở nên kém, khó nhìn.
Ngày trước, vì mẹ bị nhiều bệnh nền sức khỏe lại kém nên chỉ có thể ở nhà nội trợ và chăm sóc hai chị em Tú đi học. Mọi gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai của người bố. Về sau, khi những nhu cầu kinh tế nhiều hơn, một nguồn thu nhập chính không đủ để đáp ứng, mẹ Tú cũng phải mặc bệnh tật để đi làm. Hai chị em Tú ở nhà, tự đùm bọc và chăm sóc lẫn nhau.
Nguyễn Thị Cẩm Tú cùng bố mẹ và em gái. |
Hành trình trở thành thủ khoa
Hoàn cảnh gia đình không chỉ không khiến Cẩm Tú vấp ngã, mà ngược lại còn là nguồn động lực lớn thôi thúc Tú ngày một phải cố gắng nhiều hơn. Hiểu được sự tần tảo của bố mẹ khi sức khỏe không tốt nhưng lại luôn cố gắng để hai chị em Tú được đủ đầy, Tú càng nhận thấy mình có trách nghiệm lớn trong việc học tập.
Không phụ lòng bố mẹ, Cẩm Tú ở trường luôn là một trong số những bạn sinh viên tiêu biểu có thành tích học tập tốt. Không chỉ là đạt danh hiệu HSG trong nhiều năm, Tú còn tham gia các đội tuyển HSG các cấp và cũng gặt hái cho mình những thành tích nổi bật: Đạt giải cấp huyện môn Sinh năm lớp 9; Giải HSG môn Ngữ Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân cấp trường năm lớp 11; Giải Ba môn Lịch sử cấp tỉnh năm lớp 12; và rực rỡ nhất là thủ khoa khối C00 toàn quốc năm 2024 (10 điểm môn Lịch sử, Địa lý; 9,75 môn Ngữ Văn).
Trong hành trình phấn đấu, Cẩm Tú lựa chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội làm nơi gửi gắm. Tú là thủ khoa đầu vào của ngành Quan hệ công chúng - một ngành học rất “hot” với số điểm chuẩn hầu như năm học nào cũng dẫn đầu cả nước.
Chia sẻ về việc lựa chọn ngành và trường, Tú nói: “USSH là ngôi trường có bề dày truyền thống, chất lượng đào tạo tốt với đội ngũ giảng viên tận tình, em nghĩ rằng đây sẽ là môi trường tốt để em có thể phát triển và tìm kiếm cơ hội. Em thích học truyền thông nên đã lựa chọn Quan hệ công chúng, em muốn trở thành một chuyên viên PR chuyên nghiệp, xây dựng cho doanh nghiệp hình ảnh bền vững”.
Với những thành tích xuất sắc, Tú được vinh danh ở rất nhiều nơi, trên nhiều kênh báo chí, các thầy cô, bạn bè xung quanh yêu quý và tán dương tinh thần hiếu học của cô bé nhỏ nhắn. Điều đó cũng trở thành món quà tinh thần vô giá mà Tú dành tặng cho những đấng sinh thành, ngày ngày vẫn miệt mài nuôi nấng hai chị em.
Nỗ lực hơn nữa trong môi trường học tập mới
Mùa tựu trường đến, cũng là lúc mà Tú háo hức chuẩn bị hành lý, tư trang để làm thủ tục nhập học. Với tâm lý chung, Tú cũng rất vui khi mình sắp trở thành tân sinh viên của trường Đại học. Môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới và cách học mới, mọi thứ đều làm Cẩm Tú rất muốn để được trải nghiệm. Tuy nhiên, cùng với mong ngóng là xen lẫn những lo lắng của nữ sinh xứ Nghệ. “Lần đầu tiên em đi học xa nhà như vậy, không biết em có thể thích nghi sớm được hay không, cũng không biết rằng liệu em có trở thành gánh nặng của bố mẹ?”, Cẩm Tú bùi ngùi chia sẻ.
Những ngày đầu tiên lên Hà Nội, Cẩm Tú vô cùng bỡ ngỡ trước quang cảnh phố thị tấp nập chen chúc. Đôi khi, cô gái bé nhỏ còn thấy bơ vơ lạc lõng và nhớ bố mẹ, em gái rất nhiều. Tú nói: “Lúc mới lên em nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhiều lắm, nhưng khoảng cách địa lý rất xa, di chuyển lại tốn kém, nên em đành phải dặn lòng thật cố gắng, chăm chỉ học tập, đến khi được nghỉ sẽ về với gia đình em sau”. Có thể thấy, 18 tuổi phải xa gia đình đến nơi đất khách quê người lại có thể có một suy nghĩ chín chắn và quả quyết như thế, Cẩm Tú thật sự là một cô gái kiên cường.
Nguyễn Thị Cẩm Tú chụp ảnh tốt nghiệp cùng các bạn. |
Để có thể đỡ đần bố mẹ về kinh phí học tập, Tú đã có ý định sẽ đi làm thêm ngay từ lúc mới lên. “Ngoài giờ em học trên trường em sẽ cố gắng cân bằng thời gian để mình có thể đi làm thêm ở một vài chỗ. Em cũng rất muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ và học hỏi từ những người em sẽ gặp”, Tú trả lời.
Đối với việc học tập, Tú chia sẻ: “Cách học của đại học rất mới, các thầy cô giảng viên là người hướng dẫn, còn mình phải là người trực tiếp tìm hiểu và mày mò. Mới đầu em hơi bị lạ so với cách học ấy, em còn lo lắng không theo kịp các bạn, nhưng hai ba tuấn sau em đã quen và theo kịp. Cá nhân em thấy đây là cách học hay, bằng cách này em có thể tự khám phá và làm chủ tri thức. Những gì học được cũng nhớ và được vận dụng vào thực tiễn nhiều hơn”.
Để có thể đỡ đần bố mẹ về kinh phí học tập, Tú đã có ý định sẽ đi làm thêm ngay từ lúc mới lên nhập học: “Ngoài giờ em học trên trường em sẽ cố gắng cân bằng thời gian để mình có thể đi làm thêm ở một vài chỗ. Em cũng rất muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ và học hỏi từ những người em sẽ gặp”.
Được trường học vinh danh, nhưng Tú không coi đó là điểm dừng cuối. Đối diện với ngày một nhiều khó khăn, nhưng Cẩm Tú đã có thể tự mình vượt qua bằng những nỗ lực từ tinh thần thép. “Em nghĩ rằng mỗi người được tạo hóa ban tặng cho sự sống là một điều kì diệu, khi còn thời gian, hãy cứ nỗ lực hết mình cho những mục tiêu đã đề ra. Khó khăn đôi khi chỉ là phép thử để nhận ra chất “vàng” trong mỗi người. Em sẽ cố gắng nhiều hơn để bố mẹ em đỡ vất vả, làm người chị tốt cho em gái em noi theo”, Tú vui vẻ nói.
Nguyễn Thị Cẩm Tú là tấm gương sáng, đại diện cho những bạn trẻ nhiệt huyết vượt qua những khó khăn rào cản, Tú đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên VNU - USSH.
(Ảnh: NVCC)