Vốn là HSG Quốc gia môn Ngữ Văn tại trường THPT Chuyên Thái Bình, Trần Thùy Linh đã được tuyển thẳng vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Thời gian đầu mới vào trường, cô nàng cũng bị choáng ngợp bởi lượng kiến thức kinh tế mới và lịch thi dày đặc các môn trong nhiều ngày liên tiếp.
Trần Thùy Linh |
Linh chia sẻ: “Mình đã phải thay đổi lại chính phương pháp học để thích ứng với kỳ thi. Ví dụ như môn Triết học, để đạt được điểm 10 thì mình đã phải chuyển ý định học thuộc lòng như môn Lịch sử ở phổ thông sang dạng đọc – hiểu – sơ đồ tư duy. Mình thường đọc tổng quan giáo trình một lần, sau đó đọc kỹ lại từng chương, tìm ra những keyword và liên kết lại dưới dạng sơ đồ.” Nhờ đó, cùng với sự giúp đỡ tận tâm từ thầy cô cũng như các anh chị, bạn bè, Thùy Linh đã nhanh chóng bắt nhịp và tiết kiệm được thời gian học tập dù đăng ký số tín chỉ nhiều hơn bình thường.
Thời gian ngoài giờ học, cô còn thường tham gia các hoạt động xã hội như đi dạy tình nguyện, tham gia các cuộc thi Olympic học thuật, các diễn đàn khoa học hay đơn giản là dành thời gian cho sở thích cá nhân như luyện tập võ thuật, múa đương đại,… Việc tham gia những hoạt động ngoại khóa có chọn lọc và phân chia quỹ thời gian phù hợp giúp Thùy Linh gặp gỡ được nhiều người bạn mới, học hỏi được thêm nhiều điều cũng như tạo thêm nhiều màu sắc và dấu ấn cho quãng đời sinh viên.
cô có sở thích luyện võ thuật |
Linh tham gia các hoạt động xã hội như đi dạy tình nguyện |
Tưởng chừng là học sinh chuyên Văn, Thùy Linh sẽ gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn ngôi trường kinh tế với nhiều môn học tính toán phức tạp. Thế nhưng trong suốt thời gian học tập của mình, cô gái trẻ đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong học tập lẫn hoạt động, tiêu biểu như: Danh hiệu “Sinh viên xuất sắc tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh toàn quốc”; Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” Thủ đô Hà Nội; có nghiên cứu đăng trên Hội thảo khoa học quốc tế; Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học khu vực Đông Nam Á; Top 10 “Sinh viên tiêu biểu” trường ĐH Kinh tế quốc dân và được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học tập trong thời đại chuyển đổi số
Không giống như các thế hệ trước, khóa của Thùy Linh có phần “đáng nhớ” hơn khi phải dành phần lớn thời gian học tập online do dịch bệnh COVID-19. Cô nàng bộc bạch: “Trường mình bắt đầu triển khai học online vào năm 2020, sau khi dịch bắt đầu có diễn biến phức tạp hơn tại Việt Nam. Thực ra, chuyển đổi số mà tiêu biểu là hệ thống Blended Learning là điều mà các thầy cô trường Kinh tế của mình đã ấp ủ và xây dựng từ rất lâu trước đó, song còn đang hoàn thiện và đợi đưa vào sử dụng. Nhưng trước tình hình dịch bệnh, sinh viên không thể đến trường, để không ảnh hưởng đến việc học của chúng mình, thầy cô đã lập tức triển khai hệ thống học trực tuyến cũng như hướng dẫn tạo các lớp học online trên Teams”.
Những ngày đầu chuyển đổi phương pháp học, Thùy Linh cùng bạn bè vẫn còn rất lúng túng và gặp những khó khăn như không thể tìm được lớp, không biết truy cập và sử dụng học liệu điện tử, bị mất tài khoản email,… Tuy nhiên, tất cả đều được các thầy cô và nhà trường nhanh chóng hỗ trợ, khắc phục khó khăn từ xa. Dần dần, giảng viên và sinh viên đều đã quen thuộc với công nghệ cũng như phương pháp học trực tuyến. Đặc biệt là đến năm 2021, nhà trường không chỉ hoàn thiện hệ thống học trực tuyến mà còn tổ chức thi trực tuyến với những hình thức linh động, phù hợp với đặc thù từng môn học mà vẫn đảm bảo được sự công bằng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì không làm gián đoạn tiến trình học của trường mà còn tạo điều kiện cho những sinh viên như Linh có thể hoàn thiện kỳ thi và thủ tục để tốt nghiệp đúng thời hạn.
Thùy Linh bày tỏ: “Chuyển đổi số trong trường đại học là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 cũng như trong bối cảnh dịch bệnh trên toàn cầu. Mình hy vọng, những thế hệ sinh viên tiếp theo, các em sẽ có đủ quyết tâm, tự giác để học hỏi, thích nghi với môi trường “số hóa” linh động song cũng không ngừng biến động này. Tuy hiện tại, việc học trực tuyến cũng làm các em chịu nhiều thiệt thòi khi không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè trên giảng đường hay tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày đặc biệt không thể quên. Điều quan trọng nhất, mình mong các em sẽ luôn giữ được sức khỏe, sức trẻ để sẵn sàng cháy hết mình khi trở lại trường lớp vào một ngày không xa khi dịch bệnh được đẩy lùi.”
(Trích từ đặc san "Trường học hay Trường đời 3" được phát hành trong tháng 11/2021)