TS. Nguyễn Thị Vân Anh: Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Dược học tại Cộng hoà Pháp, tôi trở về giảng dạy tại USTH vào 9/2013. Tôi luôn tự hào là một trong những giảng viên cơ hữu đầu tiên của trường. Môi trường dạy và học ở đây sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ Tiếng Anh, có sự hợp tác trao đổi chặt chẽ với các nhà khoa học hàng đầu tại Pháp và các nước trên thế giới. Đó cũng là một môi trường học tập và làm việc mà tôi từng mơ ước khi còn là sinh viên.
Từ khi trở về trường, tôi tích cực tham gia giảng dạy và không ngừng trau dồi chuyên môn với các môn học thuộc chuyên ngành Công nghệ Sinh học – Phát triển thuốc. Tôi luôn cố gắng truyền đam mê học tập và khoa học tới các thế hệ sinh viên ở các bậc học đại học, thạc sỹ và tiến sĩ. Đồng thời, tôi cũng tham gia nhóm soạn thảo và phát triển các chương trình đào tạo của trường.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Dược học tại Cộng hoà Pháp, TS. Nguyễn Thị Vân Anh trở về giảng dạy tại USTH vào 9/2013. |
Quá trình 10 năm được cống hiến và làm việc cho USTH, tôi được chứng kiến sự phát triển không ngừng của nhà trường không chỉ về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, mà còn về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. USTH ngày càng thu hút được đông đảo các bạn sinh viên yêu thích khoa học và được các bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình.
Khối lượng và trách nhiệm giảng dạy của tôi cũng tăng lên theo thời gian để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Gần đây, Nhà trường đã mở thêm ngành đào tạo Dược học để đào tạo nhân lực Dược chất lượng cao cho đất nước. Với chức danh Phó giáo sư ngành Dược học, tôi mong muốn mình sẽ có những đóng góp hữu ích vào sự phát triển trong đào tạo Dược học của USTH.
Bên cạnh công việc giảng dạy, được sự hỗ trợ của Nhà trường, tôi đã nỗ lực phát triển nghiên cứu và công bố quốc tế có chất lượng. Tôi đã triển khai thành công các đề tài nghiên cứu các cấp như cấp cơ sở, cấp Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), cấp Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (NAFOSTED) với nhiều công bố khoa học trên các tạp chí uy tín.
Hiện nay, bà đang theo đuổi hướng nghiên cứu nào? Là một nhà khoa học nữ, làm cách nào để bà có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình?
TS. Nguyễn Thị Vân Anh: Hướng nghiên cứu của tôi thuộc chuyên ngành Dược lý Dược lâm sàng với hai định hướng chính: một là Tác dụng dược lý, ở hướng này tôi nghiên cứu sàng lọc hoạt tính dược lý của dược liệu, tìm kiếm các đối tượng dược liệu và các hoạt chất có hoạt tính sinh học tiềm năng trong phòng và điều trị bệnh; hai là Dược lý lâm sàng, nghiên cứu mối quan hệ giữa dược động học và dược lực học, hiệu quả điều trị của thuốc trên lâm sàng, cung cấp các kiến thức cơ bản liên quan đến hiệu quả, độc tính, kháng thuốc, hướng tới thúc đẩy việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
TS. Nguyễn Thị Vân Anh đã được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Dược học năm 2024. |
Trong thực tiễn công tác của giảng viên đại học, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng là một hoạt động hết sức quan trọng, giúp bổ trợ và nâng cao chất lượng giảng dạy và thúc đẩy sự phát triển của môi trường học thuật. Đặc biệt, trong một môi trường đại học định hướng trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế đào tạo về khoa học và công nghệ như USTH, người giảng viên chúng tôi càng luôn phải ý thức trọng trách và sứ mệnh của mình trong việc xây dựng và phát triển trường đại học nghiên cứu xuất sắc. Thực tế, chúng tôi luôn phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt cả công tác giảng dạy lẫn nghiên cứu khoa học. Không chỉ phải luôn nâng cao trình độ ngoại ngữ, cải thiện kĩ năng sư phạm của mình, chúng tôi còn phải luôn cập nhật kiến thức khoa học công nghệ, trau dồi chuyên môn và tập trung nghiên cứu khoa học. Yếu tố này khiến cho công việc của tôi thú vị hơn song cũng gian nan hơn.
Trong công tác nghiên cứu, hiện nay, có sự cạnh tranh ngày càng cao trong việc xin các đề tài, dự án cũng như công bố bài báo và các kết quả nghiên cứu. Do đó, giảng viên đang gặp áp lực phải thực hiện những nghiên cứu có chất lượng cao và xuất bản trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước để tạo được uy tín, vị trí trong lĩnh vực chuyên môn và tạo động lực nghề nghiệp. Chúng tôi phải luôn tư duy sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng, tìm kiếm các dự án và tài trợ để triển khai nghiên cứu, và phải đạt được các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học gắn liền với thực tiễn, phải công bố trên các tạp chí uy tín. Một khó khăn lớn nữa mà tôi và các giảng viên gặp phải là áp lực khá lớn về thời gian. Ngoài công việc giảng dạy, việc dành thời gian để thực hiện nghiên cứu, từ việc xây dựng đề tài, làm thí nghiệm, thu thập dữ liệu, phân tích và viết bài báo, đòi hỏi giảng viên cần phải lập kế hoạch, sắp xếp và quản lý thời gian hợp lý. Nếu không có kế hoạch sử dụng thời gian rõ ràng và cụ thể, giảng viên dễ chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các dự án, công trình nghiên cứu khoa học của mình.
TS. Nguyễn Thị Vân Anh tích cực tham gia giảng dạy và không ngừng trau dồi chuyên môn với các môn học thuộc chuyên ngành Công nghệ Sinh học – Phát triển thuốc. |
Công việc nghiên cứu, giảng dạy bận rộn nhiều lúc cũng lấn chiếm quỹ thời gian dành cho cuộc sống cá nhân của tôi. Để khắc phục được điều đó, tôi cũng luôn phải biết cách cân đối quỹ thời gian của mình giữa công việc và gia đình. Tôi cũng phải luôn tranh thủ quỹ thời gian quý báu của mình để chăm sóc và vui chơi với các con, hạn chế tối đa những việc gây lãng phí thời gian. Đồng thời, tôi cũng tranh thủ dành những khoảng thời gian rỗi, cuối tuần để có các hoạt động thư giãn, rèn luyện sức khỏe bởi phải có một sức khỏe tốt, một tâm trí lành mạnh thì tôi mới có thể đảm đương tốt công việc giảng dạy, nghiên cứu ở trường và chăm sóc tốt gia đình nhỏ của mình.
Hơn 10 năm công tác và giảng dạy tại USTH, điều gì khiến bà tâm đắc nhất?
TS. Nguyễn Thị Vân Anh: Tính đến nay, tôi đã có hơn 10 năm công tác tại trường, đối với tôi đó là quãng thời gian đủ dài với rất nhiều cảm xúc và kỉ niệm. Tôi thực sự rất ấn tượng với các bạn sinh viên USTH. Chương trình đào tạo trình độ đại học của USTH theo tiến trình Bologna châu Âu với thời gian học chỉ có 3 năm và tổng thời lượng 180 tín chỉ (ECTS). Đây là một lợi thế lớn đối với sinh viên theo học tại trường được tiếp cận với mô hình giáo dục châu Âu, có cơ hội trao đổi sinh viên và thực tập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên các em cũng phải đối mặt với những thử thách đó là lịch học khá dày đặc, lượng kiến thức khoa học rất nhiều trong quãng thời gian 3 năm. Nhưng những gì các em làm được thật đáng ngưỡng mộ. Các em sinh viên USTH có khả năng thích nghi, biết sắp xếp thời gian học tập và tiếp thu kiến thức rất nhanh. Các em là những sinh viên thông minh, ngoại ngữ giỏi, nhanh nhẹn, năng động, có khả năng nắm bắt, tìm kiếm thông tin và hội nhập rất tốt. Nhiều bạn còn tìm kiếm được các cơ hội thực tập ở các phòng thí nghiệm lớn ở các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Canada… Không những thế, các em còn rất đam mê và dành thời gian làm nghiên cứu khoa học, tham gia làm các dự án nghiên cứu cùng các thầy cô.
TS. Nguyễn Thị Vân Anh đã triển khai thành công các đề tài nghiên cứu các cấp như cấp cơ sở, cấp Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), cấp Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (NAFOSTED) với nhiều công bố khoa học trên các tạp chí uy tín. |
Một trong những kỉ niệm đáng yêu nhất của tôi cũng chính là những kỉ niệm với các học trò thân yêu của mình. Trong quá trình giảng dạy tại Trường, có giai đoạn chìm trong công việc, mày mò thí nghiệm, bỗng nhận được tin nhắn lúc đêm muộn của nhóm sinh viên làm nghiên cứu cùng cô, mở ra thì cả nhóm đã làm 1 podcast sáng tác và biểu diễn 1 bài nhạc Rap về cô để cảm ơn cô đã đồng hành cùng nhóm làm tôi rất xúc động. Trong quá trình cô trò làm nghiên cứu về dược liệu, quá trình vận chuyển, phơi sấy chế biến dược liệu cũng khá vất vả. Tôi vẫn còn nhớ có những hôm trời mưa, cô trò đội nón che ô để rửa hàng chục kg cây thuốc, rồi tìm cách bảo quản phơi phóng, rải chật cứng cả phòng thí nghiệm và hành lang. Có nhiều hôm phơi dược liệu trên sân thượng, luôn phải đề phòng nếu có mưa bất chợt, các trò chia nhau theo dõi thời tiết cầu mong trời nắng ráo để không làm hỏng mốc.
Đối với những sinh viên yêu mến ngành Dược học và Công nghệ sinh học, bà muốn chia sẻ và gửi gắm thông điệp gì đến với các bạn?
TS. Nguyễn Thị Vân Anh: Trong cuộc sống hiện nay, ngành Dược học và Công nghệ sinh học ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và giải quyết các thách thức về môi trường và lương thực. Đây là những ngành mũi nhọn mà đất nước đang cần nhân lực trình độ cao. Vì thế tôi rất mong các bạn sinh viên hãy luôn giữ vững đam mê và niềm tin vào con đường mà các bạn đã chọn. Dược học và Công nghệ sinh học không chỉ là một ngành nghề, mà còn là sứ mệnh đem đến giá trị sức khỏe cho cộng đồng và sự phát triển bền vững. Mỗi kiến thức mà các bạn học được hôm nay đều có thể mang lại sự khác biệt lớn cho cuộc sống của nhiều người trong tương lai. Các em hãy kiên trì theo đuổi việc học tập và nghiên cứu, không ngừng cập nhật kiến thức và xu hướng mới trong ngành. Khoa học và công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, nên việc luôn mở rộng kiến thức và kỹ năng là điều rất cần thiết. Các bạn hãy không ngại khó khăn và thử thách, vì đó chính là cơ hội để trưởng thành và khám phá bản thân. Ngành Dược học và Công nghệ sinh học đều yêu cầu sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và niềm đam mê thực sự, nhưng cũng mang lại cho các bạn rất nhiều cơ hội, từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đến công việc trong lĩnh vực y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ với các em rằng: hãy làm việc với trái tim. Thành công sẽ đến khi các bạn thực sự yêu nghề và luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Mỗi đóng góp nhỏ của các bạn sẽ tạo nên sự thay đổi lớn lao cho xã hội.
Tôi rất vui và tự hào khi được công tác trong môi trường đại học như USTH, các bạn sinh viên thực sự năng động, giỏi giang cả ngoại ngữ, học thuật lẫn các hoạt động ngoại khoá, cũng như có khả năng thích ứng với cường độ học tập khá cao. Tôi mong muốn các em luôn phát huy các thế mạnh hiện nay của mình và luôn nỗ lực, hăng say trong học tập và nghiên cứu khoa học để sau này tung cánh muôn nơi. Và các em hãy luôn giữ và tạo các kết nối mạnh mẽ hơn nữa với thầy cô và nhà trường, kể cả sau này khi các em đang học tập bậc cao hơn, hay công tác tại các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo bà, làm thế nào để mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ngày càng tốt hơn?
TS. Nguyễn Thị Vân Anh: Theo tôi, sinh viên rất vui khi được các thầy cô quan tâm, chia sẻ. Giảng viên không chỉ là người hướng dẫn về kiến thức mà còn có vai trò như một người đồng hành, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tế. Khi giảng viên chia sẻ câu chuyện về sự nỗ lực, khó khăn, và cách vượt qua thử thách, sinh viên sẽ cảm thấy gần gũi hơn và có thêm động lực để cố gắng. Trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, thầy cô luôn sát sao hướng dẫn các em, trang bị cho các em hành trang vững chắc để vào đời. Ngoài ra nhà trường cùng thầy cô và các bạn có thêm các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ cùng nhau để kết nối tình cảm thêm.
Giảng viên không chỉ là người hướng dẫn về kiến thức mà còn có vai trò như một người đồng hành, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tế. |
Còn các em sinh viên trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều mối quan tâm khác nhau cả về học tập ở trường, cũng như các hoạt động ngoài như thể thao, giải trí, làm thêm... Tuy nhiên các em cần cân đối thời gian để đảm bảo hoàn thành việc học tập đúng hạn, có kết quả tốt, như thế cũng sẽ tạo cho mình thói quen phân bổ thời gian của mình có hiệu quả nhất. Đồng thời, các em hãy cởi mở hơn, mở lòng hơn để sẵn sàng chia sẻ những khó khăn gặp phải trong học tập và cuộc sống sinh viên, hay những thành tích học tập, những niềm vui của các em. Sự tương tác tích cực, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa giảng viên và sinh viên sẽ không chỉ giúp quá trình học tập trở nên hiệu quả hơn mà còn tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ và ý nghĩa trong suốt quãng đời sinh viên.